10/11/2021 12:51
Bà Lê Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiểu Cần cho biết: toàn huyện có 15.386 hội viên, phụ nữ sinh hoạt ở 80 chi hội và 11 cơ sở Hội. Cán bộ, hội viên, phụ nữ huyện đã tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động do Trung ương Hội và Hội LHPN tỉnh phát động như: phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, đô thị văn minh... Chất lượng các phong trào thi đua càng được nâng lên khi các cấp Hội tổ chức thực hiện gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Hội LHPN đã giữ vai trò nòng cốt trong công tác vận động thực hiện các phong trào thi đua gắn với các cuộc vận động do Trung ương và tỉnh phát động; tạo thuận lợi cho phụ nữ tự tin vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, đồng thời tích cực tham gia công tác xã hội. Nhiệm kỳ qua, một trong những nội dung mà Ban Chấp hành Hội LHPN huyện Tiểu Cần quan tâm chỉ đạo là hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Với đặc thù là huyện có tỷ trọng nông nghiệp cao, chị em đã nhận thức hơn về vai trò của kinh tế nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện; xác định rõ tiềm năng và lợi thế của địa phương, lao động nữ nông thôn đã tích cực học tập, tham gia các hoạt động nâng cao năng lực, vị thế của mình, tìm tòi học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tham gia thị trường trong và ngoài nước. Nhiều chị sản xuất, chế biến tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị như: sản phẩm Mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm (sản phẩm đạt OCOP 4 sao năm 2020); thành lập “Hợp tác xã dịch vụ Long Thới” 52 thành viên do phụ nữ quản lý, 26 tổ hợp tác chăn nuôi gà, vịt, heo, bò... theo hướng chăn nuôi sinh học, có 302 thành viên.
05 năm qua, các cấp Hội phối hợp tổ chức 09 lớp dạy nghề (trang điểm, đan dây nhựa, may mặc, trồng trọt, chăn nuôi...) có 191 học viên tham gia, đạt 136,43% so chỉ tiêu. Tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước 797 chị, ngoài nước 23 chị. Bên cạnh đó, xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả. Điển hình như mô hình trồng lan Mokara cắt cành kết hợp với các loại kiểng lá của chị Nguyễn Thị Thơ, ấp Ngãi Hòa, xã Tập Ngãi cho lợi nhuận từ 60-70 triệu đồng/năm.
Cán bộ, hội viên phụ nữ và đại diện các ngành, đoàn thể huyện Tiểu Cần tham gia căn bếp thiện nguyện, các chị tự tay nấu những phần ăn bổ dưỡng hỗ trợ người dân các khu cách ly tập trung của huyện.
Chị Thơ cho biết: tháng 02/2020, chị mạnh dạn đầu tư hệ thống vườn lan Mokara cắt cành trên diện tích 500m² với 2.500 cây giống được trồng trong nhà lưới. Với diện tích 500m2 trồng lan Mokara, chị Thơ ước tính năng suất đạt từ 08 - 12 cành hoa/cây/năm. 01 cây lan có thể khai thác từ 07 - 10 năm và sau 03 năm từ một cây giống có thể cho ra 03 cây con. Hiện tại, vườn lan của chị Thơ cung cấp mỗi tháng khoảng 1.000 nhánh hoa đủ màu sắc cho các shop hoa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; các cơ sở thu mua hoa lan ở các tỉnh Bến Tre, Tây Ninh, mỗi cành có giá từ 4.000 - 6.000 đồng, lợi nhuận trên 05 triệu đồng.
Các cấp Hội tín chấp với các ngân hàng để giúp chị em được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Không chỉ là “cứu cánh” cho những phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế trong xã hội, những khoản vay này còn giúp cho phụ nữ vươn lên, thực hiện được những ý tưởng sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiểu Cần, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - chi nhánh Trà Vinh, Ngân hàng TMCP Đông Á - chi nhánh Trà Vinh, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Trà Vinh... giải ngân trên 238,6 tỷ đồng giúp 16.425 hộ phụ nữ vay phát triển kinh tế; tranh thủ huy động nguồn vốn từ tổ chức Liên minh Nauy đã giải ngân trên 665 triệu đồng cho 133 thành viên thực hiện các mô hình sinh kế; thành lập 178 tổ/nhóm phụ nữ tiết kiệm, tổ hùn vốn có 2.976 thành viên, với tổng số vốn trên 5,6 tỷ đồng, giúp 4.097 lượt phụ nữ vay/mượn. Bằng nhiều hình thức, các cấp Hội đã giúp 213 hộ hội viên thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, đạt 355% chỉ tiêu Nghị quyết.
Song song với công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp Hội LHPN huyện Tiểu Cần còn chú trọng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Trong nhiệm kỳ, Hội đã phát động “Mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ mỗi tuần một hành động thiết thực vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em”, tham gia thi sáng kiến mô hình “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”; hỗ trợ mái ấm tình thương, sổ tiết kiệm, đồ dùng, dụng cụ học tập hỗ trợ cho học sinh nghèo; thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình phụ nữ nghèo, khó khăn; tân binh lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, với tổng trị giá trên 1,8 tỷ đồng.
Với phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, 05 năm qua, với sự tham gia tích cực của phụ nữ trong thực hiện phong trào thi đua trên các lĩnh vực lao động, công tác, đời sống xã hội... huyện Tiểu Cần có 20.197 chị đạt tiêu chuẩn phong trào thi đua 05 năm liền, được các cấp Hội ghi nhận và biểu dương (329 tập thể, cá nhân xuất sắc được Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện và Hội các cấp tặng bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương và các danh hiệu thi đua khác). Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ, tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cùng Đảng bộ huyện hoàn thành các tiêu chí để trở thành thị xã trực thuộc tỉnh và đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025.
|
Đồng thời, vận động mạnh thường quân trong và ngoài huyện đóng góp trên 2,8 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 63 căn nhà “Mái ấm tình thương” cho hội viên, phụ nữ nghèo khó khăn về nhà ở và hỗ trợ gần 50 triệu đồng giúp 13 hộ sửa chữa nhà. Đặc biệt, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngoài việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện nghiêm các văn bản, chỉ thị của Trung ương, tỉnh, huyện về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cấp Hội còn tuyên truyền bằng nhiều hình thức: phát tờ rơi, thành lập nhóm Zalo, Facebook, viber…
Từ đầu năm 2021 đến nay, Hội LHPN huyện đã vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ trong hệ thống Hội cùng các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 06 căn bếp thiện nguyện, có 45 thành viên và 30 tình nguyện viên tham gia, hàng tuần vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu tại trụ sở Ban Nhân dân Khóm 6, thị trấn Tiểu Cần (nấu từ 250 - 350 suất cơm miễn phí/lần) tùy vào số lượng người dân thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung của huyện, nấu những phần ăn an toàn, dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh để gửi cho người dân đang cách ly tập trung trong các khu cách ly và lực lượng trực chốt trong khu cách ly trên địa bàn huyện từ kinh phí vận động xã hội hóa, các bếp đã nấu 57.493 suất cơm, tổng trị giá trên 1,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, 100% Hội cơ sở vận động hội viên, phụ nữ đóng góp rau, củ, quả, trứng gia cầm, đường, bột ngọt, mì, dưa leo, thanh long, dừa tươi… để hỗ trợ người dân ở địa phương, huyện Trà Cú và Thành phố Hồ Chí Minh, trị giá trên 349 triệu đồng và vận động hỗ trợ 1.650 phần ăn sáng (xôi, bánh mì…) hỗ trợ các khu cách ly của huyện, lực lượng y tế, lực lượng trực chốt, tổng trị giá 16,5 triệu đồng.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.