18/03/2021 13:59
Chị Thạch Thị Sa Vết (phải) thu hoạch ớt.
Với lực lượng lao động nữ chiếm trên 80% trong sản xuất nông nghiệp, 05 năm qua, hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, sản lượng trên cùng đơn vị diện tích canh tác, thâm canh tăng 03 vụ trên đất canh tác (02 vụ lúa - 01 vụ màu) như: lúa - màu, chăn nuôi,…
Bên cạnh đó, hội viên, phụ nữ linh hoạt bám sát thị trường, đầu tư phát triển các loại hình kinh doanh buôn bán, dịch vụ thúc đẩy kinh tế gia đình. Qua đó, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến đi đầu trong phong trào làm kinh tế giỏi cho thu nhập từ 50- 100 triệu đồng/ha/năm như chị Thạch Thị Oanh, Thạch Thị Sa Vết, ấp Trà Kim; Thạch Thị Thùy Linh, Hứa Thị Thu, Nguyễn Thị Ánh Xuân, ấp Sóc Chùa; Võ Thị Liên, ấp Rạch; Võ Thị Hồng Thắm, ấp Nô Công; Thạch Thị Tha Vy, ấp Thuận An,.. đã góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,99%.
Tiêu biểu như gia đình chị Thạch Thị Sa Vết, trước đây thuộc hộ cận nghèo của ấp Trà Kim, từ khi chọn hướng thoát nghèo bằng cách vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nuôi bò sinh sản kết hợp trồng lúa và luân canh cây màu, chủ yếu ớt, khổ qua, đậu que trên diện tích 0,2ha với tổng thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Theo chị Vết, 16 năm trước, sau khi kết hôn, vợ chồng chị phát triển kinh tế gia đình với nghề trồng lúa 01 vụ/năm, thu nhập bấp bênh. Do đất ruộng nằm trong vùng sâu, trũng thấp nên chỉ canh tác 01 vụ/năm. Sau đó, chị suy nghĩ tìm giải pháp thoát nghèo bằng cách nuôi bò nhưng vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn, do thiếu vốn nên trong thời gian này, chị được Hội LHPN xã tạo điều kiện vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ siêng năng chịu khó, đàn bò ngày càng phát triển và sinh sản càng nhiều, xuất bán từ 01 - 02 con/năm. Khi tích lũy được vốn, chị mua đất để trồng màu, tăng thu nhập. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng phát triển và vươn lên thoát nghèo. Ngoài duy trì đàn bò nuôi 09 con, hiện nay chị Vết đang thu hoạch ớt chỉ thiên với giá bán 12.000 đồng/kg.
Chị Vết cho biết: 0,2ha ớt thu hoạch đến nay gần 02 tháng với tổng thu nhập trên 100 triệu đồng, trong khi đó chi phí đầu tư vụ ớt này 40 triệu đồng. Nhờ đầu vụ đúng vào dịp tết Nguyên đán nên giá ớt tăng cao, lợi nhuận nhiều. Tuy giá ớt hiện nay đã giảm, nhưng chị đã thu hồi vốn và tiếp tục chăm sóc, với tình hình này rẫy ớt của chị thu hoạch kéo dài thêm gần 02 tháng mới kết thúc vụ ớt.
Đi đôi với chuyển đổi các mô hình phát triển kinh tế, Hội LHPN xã tích cực vận động chị em tham gia XDNTM, các hoạt động từ thiện, các chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình ”5 không, 3 sạch”… nhất là đẩy mạnh tuyên truyền cán bộ, hội viên phụ nữ giữ gìn vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng ngõ xóm, thu gom và xử lý rác thải, hạn chế sử dụng túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần; đa dạng hóa các mô hình thu hút, tập hợp hội viên thông qua hoạt động của các mô hình. Nhiệm kỳ qua, Hội đã thành lập 04 mô hình tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông có 75 thành viên; 13 tổ góp vốn xoay vòng, nuôi heo đất tiết kiệm, tiết kiệm tín dụng,… qua đó, tạo nguồn vốn vay chủ động cho hội viên phát triển kinh tế xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Bà Trà Thị Bé, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Hòa cho biết: phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, nhiệm kỳ qua, Hội đã quan tâm, chú trọng thành lập nhiều mô hình tổ, nhóm nhằm giúp hội viên phụ nữ vươn lên làm giàu. Để xây dựng các mô hình, Hội đã tiến hành khảo sát nhu cầu đời sống hội viên và phân loại các hội viên phụ nữ hộ nghèo, từ đó có giải pháp giúp đỡ hội viên xây dựng các mô hình phù hợp như “nuôi bò sinh sản” tại các chi hội ấp Rạch, Thuận Hiệp, Sóc Chùa; mô hình “trồng màu” ấp Trà Kim. Trong quá trình thực hiện các mô hình, các chị em được tham gia tập huấn, hội họp, sinh hoạt chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau phát triển.
Thời gian tới, Hội tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả; tuyên truyền vận động tập hợp chị em vào tổ chức Hội; đồng thời, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các mô hình tiết kiệm,… phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.