10/05/2024 14:37
Quang cảnh hội nghị tại tỉnh Trà Vinh.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị. Tham dự có đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đại diện các tổ chức quốc tế đã đến dự.
Tại tỉnh Trà Vinh, đến dự có đồng chí Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh là thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, thời tiết cực đoan trên các vùng miền, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt gây thiệt hại lớn về người, tài sản, hạ tầng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Cả nước xảy ra trên 5.300 sự cố, thiên tai làm 1.143 người chết và mất tích, thiệt hại tài sản trên 10.000 tỷ đồng. Các bộ, ngành và địa phương đã điều động 204.507 người, 23.132 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả với 4.336 vụ, cứu được gần 4.000 người, 207 phương tiện, hướng dẫn di dời 962.933 người, 201.799 phương tiện từ nơi nguy hiểm đến nơi an toàn. Theo dự báo, năm 2024, tình hình sự cố, thiên tai trên cả nước sẽ diễn biến phức tạp.
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành, các bộ, ngành và quốc tế đã có nhiều ý kiến tham luận chia sẻ về tình hình sự cố, thiên tai của địa phương và những kết quả, kinh nghiệm trong công tác ứng phó với sự cố, thiên tai. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Trung ương trong công tác ứng phó với sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đánh giá cao công tác theo dõi, nắm tình hình và hiệu quả công tác dự báo khí tượng thủy văn, có sự điều chỉnh kịp thời những cơ chế trong ứng phó với sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên cả nước. Đồng thời, Phó Thủ tướng chính phủ chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong ứng phó với sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cần được khắc phục.
Để công tác phòng, chống, ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố, đồng chí Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như, sau: tham mưu kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các bộ, các cấp ở địa phương sau khi nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự ban hành, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả trong chỉ đạo, tham mưu ứng phó với thiên tai, sự cố.
Triển khai thực hiện các văn bản pháp luật và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTT. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời, phát huy vai trò mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền.
Nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn, như: bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sự cố, thiên tai. Nâng cao khả năng huy động nguồn lực, phát huy hiệu quả hoạt động xã hội hóa tạo nguồn lực mạnh mẽ phục vụ tốt cho công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tin, ảnh: THANH NHÃ
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.