15/04/2022 06:05
Phóng viên: Thưa ông, kinh tế biển gắn du lịch sinh thái là điều kiện phát triển của huyện Duyên Hải, xin ông cho biết kế hoạch thực hiện từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của địa phương như thế nào?
Ông Kim Chí Hòa: Huyện Duyên Hải có 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đoàn kết sinh sống đan xen từ nhiều đời nay, là vùng đất tập hợp nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và các kiến trúc tôn giáo của những ngôi chùa Nam tông Khmer, chùa Bắc tông của người Kinh - Hoa và Nhà thờ Thiên Chúa giáo. Các phong tục và lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc của cộng đồng dân cư, như: Tết cổ truyền, Lễ hội Nghinh Ông của người Kinh và người Hoa; Tết cổ truyền Chôl - Chnam - Thmây và Lễ hội Ok - Om - Bok của đồng bào Khmer.
Huyện có các công trình trọng điểm quốc gia đã được đầu tư, như: Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Khu Kinh tế Định An, các công trình điện gió… và hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc thù. Là quê hương của Soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu (Huỳnh Trí Bá - Bảy Bá: 1924 - 2016), sinh ra và lớn lên ở xã Đôn Châu đã để lại hơn 50 vở tuồng cải lương và hơn 2.000 bài ca vọng cổ, cha đẻ của bài ca “tân cổ giao duyên” đi vào lòng người đã hơn nửa thế kỷ qua. Năm 2012, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Địa bàn thuận tiện giao thông thủy, bộ, có tuyến Quốc lộ 53 đi qua, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có các tuyến phà nối liền thị xã Duyên Hải, huyện Trà Cú và tuyến phà nối liền huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Địa phương có rừng ngập mặn và thủy, hải sản dồi dào, cảnh vật hoang sơ, điều kiện thuận lợi để kết nối tour du lịch với thị xã Duyên Hải và huyện Cù Lao Dung. Với bãi cát mịn ven biển, dưới táng rừng dương dài 05km.
Đặc biệt, đất bãi biển dưới độ sâu khoảng 02m có nguồn nước ngọt dồi dào, vì vậy địa phương có một xóm nhỏ với hơn 20 hộ dân sinh sống bằng nghề chài lưới và trồng màu và công trình điện gió tạo nên bức tranh miền biển đẹp. Ở đó, có hải sản tươi ngon, khoai lang, đậu phộng, dưa hấu ngọt bùi của ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải.
Rừng đước xã Long Khánh, huyện Duyên Hải. Ảnh: HUỲNH NỔI
Những cánh rừng ngập mặn ven biển ở các xã Long Vĩnh, Đông Hải và Long Khánh, trong đó, rừng đước Long Khánh rộng 882ha nơi sinh trưởng của các loài thủy sản nước lợ. Sông Rạch Cỏ (xã Long Vĩnh), sông Phước Thiện (xã Đông Hải) chảy ra biển, cửa sông có nhiều cây bần, dừa nước bao quanh, hai bên bờ sông là khu rừng ngập mặn. Khu vực cửa sông có dự án xây dựng khu tránh trú bão của tàu thuyền, xa xa ngoài cửa sông là cồn cát, bãi nuôi nghêu.
Những ngôi chùa Khmer với kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa rất đẹp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Miếu Bà Chúa Xứ là nơi cư dân địa phương thờ mẫu, cầu cho cuộc sống an lành và những chuyến đi biển an toàn. Lễ hội Nghinh Ông diễn ra vào ngày 20 và 21/02 âm lịch hàng năm, khởi đầu một mùa đánh cá của ngư dân địa phương.
Để phát triển du lịch, huyện có hướng liên kết với các khu nghỉ dưỡng, farmstay trong xã, để cung cấp dịch vụ ăn uống, trò chơi dã ngoại. Khuyến khích các hộ dân trồng khoai lang, đậu phộng, rau màu, dưa hấu theo hướng sạch, an toàn để bán cho du khách và phục vụ trải nghiệm trồng - tỉa - thu hoạch, phát triển tour tham quan, khám phá rừng đước và học tập về hệ sinh thái rừng ngập mặn; trang trại làm du lịch farmstay; dịch vụ ăn uống với các loài thủy, hải sản tươi sống đặc thù của địa phương.
Xây dựng các khu nghỉ dưỡng nhỏ dành cho du khách yêu thiên nhiên, các farmstay ở vuông tôm; ngắm phong cảnh, đi xuồng nhỏ vào khám phá rừng ngập mặn, câu cá giải trí. Tổ chức đua ghe ngo, đua thuyền, thi bơi lội trên sông; hoạt cảnh biểu diễn trên thuyền vào đêm trong lễ hội Cải Lương - Ca cổ Nam Bộ.
Du lịch tâm linh, tìm hiểu văn hóa, kiến trúc và phong tục của người Khmer, phát triển du lịch cộng đồng; hành hương và văn hóa. Xây dựng nhà lưu niệm về cuộc đời, sự nghiệp Nghệ sĩ Nhân dân, Soạn giả Viễn Châu để khách viếng thăm và phát triển thành điểm du lịch văn hóa với các hoạt động biểu diễn trích đoạn ca cổ, ca cải lương.
Có thể nói huyện Duyên Hải có tài nguyên du lịch đa dạng, với hệ sinh thái pha trộn giữa nước mặn - lợ ở cửa Sông Hậu. Vị trí của huyện nằm cạnh thị xã Duyên Hải và huyện Cù Lao Dung, là điều kiện thuận lợi để 03 địa phương liên kết tạo thành tuyến tour mới, rộng lớn, đa dạng và hấp dẫn.
HUỲNH NỔI (thực hiện)
Ngày 26/4, tại chùa Sră Nẹt (tọa lạc tại Khóm 8, Phường 8, thành phố Trà Vinh), Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh phối hợp tổ chức lễ ra mắt mô hình “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.