09/10/2024 09:38
Đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (bìa trái) và đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (thứ hai từ trái sang) trao Bằng công nhận huyện Duyên Hải đạt chuẩn huyện NTM năm 2022 cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Duyên Hải.
Huyện Duyên Hải có 06 xã và 01 thị trấn (trong đó có 04 xã đảo), với 59 ấp, khóm, huyện có trên 20.500 hộ với hơn 82.200 nhân khẩu (trong đó có trên 8.700 hộ dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ trên 42% so tổng số hộ trong toàn huyện). Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hỗ trợ của các ban, ngành tỉnh, cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực, phấn đấu của Nhân dân trong toàn huyện, giúp nâng cấp kết cấu hạ tầng và đời sống đồng bào dân tộc.
Huyện Duyên Hải đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, làm chuyển biến tích cực, toàn diện vùng đồng bào Khmer, đặc biệt là Huyện ủy, UBND huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2024 của Tỉnh ủy Trà Vinh về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, nhiều chính sách, dự án hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được triển khai, thực hiện như: đầu tư về kết cấu hạ tầng, các chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo, giải quyết việc làm trong vùng đồng bào Khmer được triển khai đồng bộ.
Đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao khen thưởng cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM.
Từ năm 2023 đến nay, huyện Duyên Hải đã hỗ trợ nhà ở, đất ở cho 43 hộ, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, thực hiện chuyển đổi nghề cho 15 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt 06 hộ. Đầu tư, xây dựng 13 công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống và duy tu, bảo dưỡng công trình trong vùng đồng bào Khmer, với tổng kinh phí trên 10,76 tỷ đồng. Hệ thống thủy lợi từng bước hoàn chỉnh, phục vụ nhu cầu tười tiêu đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2024. Khẳng định: XDNTM đã trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân…”. Đến cuối năm 2023, Duyên Hải có 06/06 xã đạt chuẩn NTM, thị trấn Long Thành đạt chuẩn đô thị văn minh, 04/06 xã đạt NTM nâng cao, huyện được công nhận huyện NTM, tỷ lệ 100% xã, thị trấn trong huyện có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ sử dụng điện 99,42% so với tổng số hộ dân toàn huyện, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%.
Công tác giáo dục - đào tạo luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trường được tăng cường đầu tư xây dựng, góp phần đào tạo nâng cao dân trí trong vùng đồng bào Khmer. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đi học đạt 87,49% trong đó tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%, ra lớp mầm non 2.514/2.514 em, đạt 100%; tiểu học huy động 6.944/6.944 học sinh (tỷ lệ 100%); trung học cơ sở huy động 4.801/4869 học sinh (đạt 98,6%); tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ngày càng giảm; 100% học sinh đi học trong độ tuổi và đúng độ tuổi đạt theo quy định.
Đồng chí Kim Rương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy trao khen thưởng của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện các chính sách dân tộc và có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đối với vùng đồng bào DTTS.
Toàn huyện hiện có 12 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I và 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Bên cạnh đó, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để các chùa phật giáo Nam tông Khmer tổ chức dạy và học các lớp Sơ - Trung cấp Phật học, chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp lớp Sơ cấp -Trung cấp, có 950 tăng, thanh niên sinh theo học và dự thi.
Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào DTTS luôn được quan tâm thực hiện tốt; hệ thống Y tế huyện được tăng cường về cơ sở vật chất và trang thiết bị, huyện có 01 Trung tâm y tế huyện, 07 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS được thực hiện tốt; thuốc điều trị được cung cấp đầy đủ; các hoạt động truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống các loại dịch bệnh trên người được thực hiện thường xuyên và hiệu quả.
Đồng thời, năm 2023 huyện đã thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín như: tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cấp báo cho người có uy tín; thăm hỏi, động viên khi bị ốm đau, viếng khi mất; tổ chức đưa người có uy tín đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành; đồng thời hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn, giai đoạn 2023 - 2025, đã cấp 24 thẻ bảo hiểm y tế cho người có uy tín trên địa bàn.
Tạo việc làm mới và công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm luôn được các ngành, các cấp quan tâm, đã tư vấn giới thiệu việc làm được 8.286 người lao động. Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 254 người; đào tạo nghề 1.127 người tại các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh đã thực hiện đào tạo nghề bằng nhiều hình thức đa dạng, chương trình nội dung đào tạo được cập nhật phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, giải ngân cho 06 hộ Khmer có nhu cầu vay vốn chuyển đổi nghề với tổng số tiền 410 triệu đồng.
Đồng chí Trương Văn Huy, Chủ tịch UBND huyện khen thưởng của UBND huyện cho các tập thể có nhiều thành tích đóng góp vào việc củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giai đoạn 2019 - 2024.
Công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 329 hộ nghèo, chiếm 1,60% tổng số hộ (hộ nghèo là người dân tộc Khmer có 187 hộ chiếm 2,14% so với tổng số hộ Khmer); có 465 hộ cận nghèo, chiếm 2,26% (hộ cận nghèo là dân tộc Khmer có 231 hộ chiếm 2,65% so với tổng số hộ Khmer). Việc triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng nên số hộ Khmer đã thoát nghèo bền vững ngày càng tăng, giảm được hộ tái nghèo, góp phần hoàn thành chương trình giảm nghèo bền vững của huyện.
Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây, lễ Sêne Đôlta hàng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức họp mặt; thăm, tặng quà cho người có uy tín, gia đình chính sách, cán bộ hưu các cấp, các chùa Nam tông Khmer, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Trường phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn huyện, với tổng số 375 phần quà với số tiền trên 600 triệu đồng.
Cầu nông thôn ấp La Bang Chợ, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, huy động các tổ chức chính trị - xã hội cùng phối hợp thực hiện, tạo ra sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị cùng nhau xây dựng các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer trên địa bàn huyện thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2024 của Tỉnh ủy Trà Vinh về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
THẠCH PHƯƠNG
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.