18/12/2021 11:25
Trong đó, nhiều người đồng thuận nhưng nhiều phụ huynh cũng thể hiện lo lắng khi cho con trở lại trường vào thời điểm này, bởi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca bệnh trong cộng đồng tăng nhiều thời gian gần đây.
Học sinh được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 giúp phụ huynh yên tâm hơn trước thông tin các em sắp vào học trực tiếp. Ảnh: NX
Trao đổi với nhiều phụ huynh, chúng tôi nắm được, những gia đình có con em được tiêm vắc-xin khá yên tâm với việc vào học trở lại. Vợ chồng anh Trần Văn Tuấn, phụ huynh em Trần Ngọc Quyên, HS lớp 12, Trường THPT Nguyễn Văn Hai, huyện Càng Long rất đồng tình khi biết thông tin cho HS học trực tiếp. Anh Tuấn chia sẻ: hàng ngày cả hai vợ chồng tôi đều đi làm, cháu tự học ở nhà qua điện thoại di động, đôi khi không tập trung nghe thầy, cô giảng bài hoặc chơi game nên việc học cũng không hiệu quả. Bên cạnh đó, hiện nay, hầu như HS lớp 9, lớp 12 đều đã được tiêm đủ 02 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và nhà trường cũng thực hiện các giải pháp an toàn để đón HS trở lại trường.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Đang phụ huynh em Trần Thúy Vy, HS lớp 9 Trường THCS Thái Bình, huyện Càng Long rất đồng ý với kế hoạch dạy học của ngành giáo dục. Chị Cẩm Đang chia sẻ: từ khi bắt đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, con chị phải học trực tuyến qua điện thoại di động nên chị rất lo lắng sợ cháu bị ảnh hưởng đến thị lực do tiếp xúc nhiều với điện thoại. Hiện tại, cháu đã được tiêm 02 mũi vắc-xin nên chị cũng yên tâm hơn.
Còn chị Nguyễn Hồng Hiểu, phụ huynh em Nguyễn Thị Ngọc Thảo, HS lớp 7, Trường THCS Bình Phú cho biết: tôi rất đồng ý với việc dạy học trực tiếp, thay vì lo lắng dịch bệnh trong trường học, tôi cho rằng, chúng ta cần dạy con các kỹ năng để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tuân thủ nguyên tắc “5K”. Nếu HS cứ học trực tuyến trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu. Mặt khác, trong gia đình, người lớn phải lao động, làm việc ở bên ngoài mỗi ngày, nên không loại trừ khả năng “mang” Covid-19 về nhà. Vậy nên, dù các cháu ở nhà thì cũng không chắc là an toàn tuyệt đối, không có nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó tôi rất tán thành việc HS vào học trực tiếp.
Còn anh Trương Thành Đạt, xã Song Lộc, huyện Châu Thành có con học lớp 11 Trường THPT Hiếu Tử cho biết: Tôi thấy có chia theo cấp độ dịch, nếu cấp độ 1, 2 mới đi học còn cấp độ 3, 4 thì vẫn học trực tuyến như từ đầu năm học đến giờ nên tôi nghĩ cứ thực hiện theo chỉ đạo. Trường học đã thực hiện đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, gia đình nhắc nhở các con thực hiện “5K” khi đến trường.
HS đã nghỉ học thời gian dài, việc học trực tuyến hiệu quả không cao nên việc đến trường là mong muốn của HS, giáo viên và cả phụ huynh. Tuy nhiên, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh còn khá phức tạp, những ngày gần đây số ca bệnh tăng trên 300 ca/ngày nên nhiều gia đình không yên tâm để con đến trường. Mọi người khẳng định, dù sao thì đảm bảo an toàn vẫn là trên hết.
Chị Võ Thị Thắm, phụ huynh em Trần Thị Ngọc Nhi, lớp 6, Trường THCS Phước Hảo bày tỏ, tôi thấy dịch bệnh tăng nhiều quá mà con tôi chưa được tiêm ngừa vắc-xin nên tôi không yên tâm để cháu đến trường. Hàng ngày thấy cháu học trực tuyến cũng được nên để dịch bệnh giảm hơn, được tiêm 02 mũi vắc-xin rồi mới đến trường học trực tiếp.
Cùng ý kiến không đồng tình việc cho con đến trường học trực tiếp vào thời điểm này, anh Kim Văn Bình, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú cho biết: tôi có 02 đứa con, đứa học lớp 6, đứa học lớp 9, dù được tiêm vắc-xin nhưng dịch bệnh tại địa phương tăng nhiều quá nên tôi rất lo. Theo dõi thông tin trên báo, đài, ngày nào ca bệnh cũng nhiều và số lượng ca bệnh cộng đồng rất cao nên nghe thông tin vào học trở lại, tôi rất phân vân, chưa xác định được có nên cho con đến trường hay không.
NGỌC XOÀN - HỒNG NHUNG
Thời gian qua, ĐVTN huyện Cầu Kè không ngừng cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, vượt khó thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá giàu ở địa phương. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương ĐVTN tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp trong phát triển kinh, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Anh Phạm Thanh Nhiên, Bí thư Chi đoàn ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu vượt khó làm kinh tế giỏi để thoát nghèo.