09/03/2023 18:21
Đồng chí Lê Hoàng Phi, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh phát biểu tại hội nghị.
Chiều ngày 09/3, đoàn khảo sát liên ngành về thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do đồng chí Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm trưởng đoàn, cùng các thành viên đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Trà Vinh.
Tiếp và làm việc với đoàn, có các đồng chí: Lê Hoàng Phi, Huỳnh Thị Thiên Nhan, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trà Vinh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh liên quan và UBND 03 huyện: Trà Cú, Châu Thành và Càng Long, các xã có đông đồng bào Khmer thuộc 03 huyện trên.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhủ, Chủ tịch UBND huyện Càng Long phát biểu tại hội nghị.
Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vốn các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị định số 28, các huyện, Ban Dân tộc tỉnh, chi nhánh NHCSXH tỉnh tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt nhu cầu vốn vay trong 02 năm 2022 - 2023 là 100 tỷ đồng. Đến ngày 31/01/2023, đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội đoàn thể nhận ủy thác thực hiện giải ngân cho 466 hộ Khmer vay vốn để chuyển đổi nghề, xây nhà ở... với số tiền 21,25 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị định số 28 của Chính phủ, tỉnh Trà Vinh triển khai các phương án thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi hậu quả do dịch bệnh Covid-19; tập trung chỉ đạo toàn diện các hoạt động, kịp thời giải ngân các chương trình tín dụng chính sách đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hoạt động tín dụng chính sách năm 2022 theo Nghị định số 28 và các chính sách khác, tiếp tục góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM và góp phần hoàn thành chung các chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra.
Đến cuối năm 2022 tỉnh Trà Vinh còn 1,88% hộ nghèo (tương đương 5.404 hộ), trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer 3,6% (tương đương 3.223 hộ); hộ cận nghèo 3,8% (tương đương 10.905 hộ); 122.108 hộ có mức sống trung bình, chiếm 42,59%. Năm 2022 đã tạo việc làm mới cho 25.428 lao động, đạt 110,5% Nghị quyết; kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 2,8%; đưa 915 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 101,6% Nghị quyết.
|
Lãnh đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh nêu các kiến nghị với đoàn công tác; một số nhiệm vụ trọng tâm; các giải pháp phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong năm 2023. Trong đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh để tổ chức triển khai chương trình cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị được quy định tại Nghị định số 28 của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế, UBND huyện Trà Cú và các ngành liên quan thực hiện dự án trồng dược liệu quý tại huyện Trà Cú.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Thị Thanh Tùng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn trong quá trình giải ngân nguồn vốn chính sách.
Tin, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.