18/10/2023 12:25
Lãnh đạo UBND tỉnh và đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ khởi động.
Đến dự có các đồng chí: Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh; PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, huyện; các chuyên gia đến từ Hà Lan; lãnh đạo các phòng, ban thuộc Trường Đại học Trà Vinh...
Tham dự lễ khởi động Dự án, có Ngài Daniel Coenraad Stork, Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh; ông Gregor Van Essen, Giám đốc Dự án The Water Agency (Hà Lan)….
Phát biểu tại lễ khởi động, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh nhấn mạnh: tiếp nối thành công từ chương trình Mekong Salt Lab Phase 1 (giai đoạn 1 - thực hiện năm 2021-2022) được tài trợ bởi OKP - Nuffic; nay tổ chức khởi động Trung tâm Nước mặn, thuộc Dự án Mekong Salt Lab - Phase 2 (giai đoạn 2: 2023-2025) dưới sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh phát biểu chào mừng.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa cảm ơn Ngài Daniel Coenraad Stork, Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan tại Thành Phố Hồ Chí Minh, đã quan tâm đến Trà Vinh, giúp tỉnh triển khai thực hiện Dự án; trong đó, có Trung tâm Nước mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại lễ khởi động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Bình cảm ơn đến Ngài Daniel Coenraad Stork, đã quan tâm đến Trà Vinh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Bình nhấn mạnh: Trà Vinh là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, nước biển dâng, khai thác nước ngầm và hạn hán kéo dài, nghiêm trọng hơn, nước mặn xâm nhập vào nước ngầm, đất và nước mặt sông, rạch, hồ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Bình tặng hoa chúc mừng Ngài Daniel Coenraad Stork, Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan.
Trong 10 năm qua, xâm nhập mặn thường diễn biến phức tạp, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông nghiệp, thiệt hại về kinh tế và đời sống đối với nông dân. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để thích ứng với hạn mặn là điều rất quan trọng và cấp bách. Trung tâm Nước mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long ra đời, sẽ tác động, hỗ trợ tích cực cho Trà Vinh phát triển bền vững về lĩnh vực nông nghiệp.
Trung tâm hoạt động, tạo gắn kết chặt chẽ từ các nhà khoa học - nông dân - chính quyền địa phương. Qua đó, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng để tăng cường các giải pháp, xây dựng các kế hoạch, chiến lược, hành động kịp thời. Đó là: tăng cường hơn nữa công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm và trong ngắn hạn và dài hạn để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân; thúc đẩy quản lý, khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm nói riêng và tài nguyên nước nói chung; lan tỏa sử dụng tiết kiệm năng lượng cho tương lai bền vững.
Trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ triển khai một số mô hình sản xuất, theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, làm cơ sở, nhân rộng.
Ngài Daniel Coenraad Stork, Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan tại Thành Phố Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ khởi động.
Ngài Daniel Coenraad Stork phấn khởi khi được tham dự khai mạc Dự án. “Trung tâm Nước mặn tại Trường Đại học Trà Vinh là trung tâm chuyên môn, hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn với môi trường như giảm ô nhiễm nước, tăng nguồn cung cấp nước ngọt, giảm khai thác nước ngầm, nâng cao nhận thức về quản lý nước bền vững, xử lý và tái sử dụng nước… là một trong nhiều giải pháp quan trọng và cấp bách. Đây cũng là mục tiêu mà Hà Lan - Việt Nam hướng đến để cùng tham gia thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu…”- Ngài Daniel Coenraad Stork nhấn mạnh.
Ông Gregor Van Essen, Giám đốc Dự án giới thiệu về quy mô hoạt động của Dự án.
Tại buổi lễ, có nhiều ý kiến của các chuyên gia đến từ Hà Lan; lãnh đạo Trung tâm Nước mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long làm rõ thêm mục tiêu hướng tới của Dự án và hoạt động của Trung tâm; nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và khắc phục sự thiếu hụt về nguồn nước.
Trung tâm Nước mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long đặt ra 04 mục tiêu: 1. Phát triển hơn nữa chuyên môn về giảm thiểu và thích ứng với độ mặn, bao gồm các khía cạnh như: quản lý nước ngọt, lập kế hoạch tổng hợp và thích ứng. 2. Chuyển giao kiến thức chuyên môn liên ngành cho nông dân, trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích ứng nhanh với thách thức nhiễm mặn. 3. Tạo điều kiện trao đổi kiến thức và thúc đẩy các nỗ lực hợp tác với các bên liên quan ở địa phương và các đối tác quốc tế, tạo nền tảng năng động cho sự chung tay hành động thích ứng với BĐKH. 4. Trong tương lai, Trung tâm sẽ mở rộng phạm vi hoạt động hỗ trợ nông dân thích ứng với hạn mặn trên toàn khu vực ĐBSCL hướng đến cả nước và các quốc gia khác.
|
Tin, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.