30/11/2023 08:02
Đến với du lịch cộng đồng canh nông Cồn Ông, du khách không chỉ được “trải nghiệm” những sản vật canh nông cùng với những nông dân Cồn Ông thời đại “4 chấm 0”, hiếu khách, mà du khách còn được “mang về” niềm tự hào bởi tiếng tâm hai kiệt nữ đất Cồn Ông từ thế kỷ trước - Đó là:
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Chưởng
Nghệ sĩ Kim Chưởng 1926 - 2014 (Ảnh báo SGGP).
Theo báo SGGP số ra ngày 17/9/2005, Nghệ sĩ Ưu tú Kim Chưởng có họ tên đầy đủ là Cao Thị Chưởng, sinh năm 1928 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Cồn Ông, xã Trường Long Hòa (nay xã Dân Thành), thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Cha mất sớm để lại cho mẹ 04 người con. Năm 8 tuổi, bé Cao Thị Chưởng được mẹ cho theo người anh rể vào gánh hát Tân Đồng Ban. Đó là chiếc nôi nghệ thuật đầu đời của bà Cao Thị Chưởng với nghệ danh Kim Chưởng
Nghệ sĩ Kim Chưởng đã từng có 25 năm phục vụ cho sáu gánh hát ở Sài Gòn, đến năm 1960 bà tách ra làm bầu cùng đồng nghiệp thành lập gánh Kim Chưởng - Thanh Hương, lưu diễn khắp miền Trung, miền Tây Nam Bộ, được giới sân khấu cải lương Sài Gòn trước năm 1975 tôn vinh là “Anh hùng lưu diễn”. Về tài ca diễn của bà được báo chí kịch trường trước năm 1975 tôn tặng là “Đệ nhất đào võ hiệp cải lương”. Gánh hát Kim Chưởng của bà đã chắp cánh tên tuổi cho biết bao nghệ sĩ nổi danh như: Ngọc Giàu, Minh Chí, Phương Quang, Phượng Liên, Dũng Thanh Lâm, Diệp Lang…
Nghệ sĩ Nhân dân - Soạn giả Viễn Châu từng viết tặng Nghệ sĩ Kim Chưởng bài thơ, có những câu lay động trái tim bà, như sau:
“…Sau bức màn nhung đầy kỷ niệm
Thuở còn thơ ấu đã bơ vơ
Tóc xanh sớm gội nhiều mưa nắng
Mai mốt về đâu tuổi dại khờ?...”
Nghệ sĩ Kim Chưởng qua đời vào ngày 01/8/2014, mộ phần bà tại tỉnh Vĩnh Long.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thị Cẩm
Liệt nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thị Cẩm 1937 - 1961 (Ảnh tư liệu gia đình liệt sĩ Huỳnh Thị Cẩm).
Bà Huỳnh Thị Cẩm, sinh năm 1937, trong một gia đình nông dân nghèo tại ấp Cồn Ông, xã Trường Long Hòa (nay là xã Dân Thành), thị xã Duyên Hải.
Chồng bà, xã đội phó Trường Long Hòa bị giặc bắn hy sinh vừa tròn trăm ngày, tháng 6/1961, bà Huỳnh Thị Cẩm bồng con mới 6 tháng tuổi cùng phụ nữ trong xã, theo sự chỉ đạo của Chi bộ, kéo vào đấu tranh chính trị với tề xã Trường Long Hòa tại ấp Ba Động, phản đối hành động giết người của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa tại địa phương. Xã trưởng Trường Long Hòa hạ lệnh cho lính dân vệ xả súng bắn vào đoàn biểu tình phụ nữ tay không, bà Huỳnh Thị Cẩm bị trúng đạn trọng thương. Trao con nhỏ lại cho đồng đội, bà Huỳnh Thị Cẩm hô to: Bà con ơi, cứ tiến, rồi trút hơi thở cuối cùng trên tay chị em đồng đội.
Thương tiếc bà, đồng đội lúc đó viết bài ca tiễn đưa trong niềm đau khôn nguôi:
“…Đốt nén nhang khấn nguyện vong hồn chị linh thiêng
Hãy về chứng minh
Mối tình Nhân dân
Xin thề trước mộ phần
Quyết tâm chiến đấu đến cùng
Dầu rằng ngàn muôn nguy hiểm
Vẫn hiên ngang vẫn không sờn gan…”
Sau ngày miền Nam giải phóng 30/4/1975, đất nước thống nhất, Nhà nước ta truy tặng Liệt sĩ Huỳnh Thị Cẩm danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nội ô thị xã Duyên Hải hiện nay có một con đường được Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh Nghị quyết đặt tên đường mang tên bà - đường Huỳnh Thị Cẩm.
Chúc du khách có niềm tự hào “mang về” lý thú qua mỗi chuyến du lịch cộng đồng canh nông Cồn Ông.
TRẦN ĐIỀN (sưu khảo)
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.