28/09/2021 06:43
Hoàn cảnh là vậy, nhưng nhìn ngôi nhà trống vắng, bàn thờ Ba Mẹ không xôm tụ trái cây, bông hoa, nhang khói… như mọi năm, lòng con cảm thấy buồn mênh mông, nhớ Ba Mẹ vô cùng.
Là con trai út của gia đình, nên tôi thờ cả Ba, Mẹ. Những ngày giỗ như thế này, các con, cháu nội, cháu ngoại, cháu cố… tụ tập về, ít nhất cũng vài ba chục đứa. Buổi chiều, khi lau chùi bàn thờ, ngoài hai tấm di ảnh Ba Mẹ, mấy cái đĩa đựng ly để cúng rượu, nước, một cái bình hoa để cắm hoa ngày lễ, Tết và một cái đĩa sứ bát tràng, đựng các kỷ vật của Ba Mẹ còn lưu lại. Tôi cẩn thận lau chùi và xúc động khi cầm cái “ống ngoáy” trầu của Mẹ bằng đồng. Đây là kỷ vật duy nhất gắn bó cuộc đời Mẹ mà tôi biết nay còn sót lại, con cháu gần như không ai để ý, vì nó chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc sống ngày hôm nay, nhưng đối với tôi, vô cùng quý giá.
Tôi nhớ Mẹ, mường tượng một người Mẹ nhân hậu, cả cuộc đời vì chồng con, vì xóm làng yên vui, trong chiến tranh cũng như sau ngày hòa bình thống nhất đất nước. Ba Mẹ tôi gặp nhau những năm đầu thế kỷ hai mươi, đến khi bệnh mất, Mẹ tôi thọ chín mươi Ba tuổi. Ba tôi mất trước Mẹ mấy năm, thọ chín mươi tuổi. Cuộc đời của Ba Mẹ sống gần trọn thế kỷ hai mươi, chứng kiến biết bao thăng trầm, buồn vui của gia đình, xóm làng quê hương, đất nước, cùng với Nhân dân chịu đựng hết bao nỗi thống khổ của chế độ phong kiến, thực dân, chiến tranh kháng Pháp, chống Mỹ ba mươi năm bom, đạn tàn khốc.
Mẹ có thói quen ăn trầu từ thời con gái. Tôi còn nhớ, những năm năm mươi, khi tôi chín, mười tuổi thường trèo lên cây cau trong vườn hái cau cho Mẹ ăn trầu. Cau trong vườn, có cây cao năm, bảy thước, tôi thành thạo cắt dây chuối làm nài, máng vào hai bàn chân, trèo lên bẻ cau cho Mẹ, mỗi lần bẻ được cả buồng cau dày, ngon cho Mẹ, tôi rất vui.
Mẹ tôi giải thích, ăn trầu cho chắc răng, dịch bệnh không thâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng, lá trầu phải rửa sạch, têm vôi xong, ăn kèm một miếng cau dày, nếu không có cau dày thì ăn cau khô ngâm nước sôi cho mềm, vừa nồng, vừa cay, vừa thơm. Thông thường ăn cơm xong, uống nước, nhai được miếng trầu ngon là rất sành điệu của chị em phụ nữ ở làng quê tôi thuở ấy. Khi còn nhỏ, tôi chỉ xem đó là một tập quán, thói quen, mỗi ngày Mẹ ăn trầu rất nhiều lần. Buồn, vui, tiếp khách là Mẹ đem trầu ra đãi và cùng ăn với khách, nên ngày xưa ông bà thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Khi Mẹ tôi năm, sáu mươi tuổi, răng yếu, nhai trầu khó khăn nên Ba tôi mua cái “ống ngoáy” này tặng Mẹ. Cái “ống ngoáy” bằng ngón chân cái, làm bằng đồng rất đẹp, cây ngoáy trầu cũng làm bằng đồng, mỗi lần ăn trầu, sau khi têm vôi, Mẹ tôi cuốn lá trầu lại, kèm theo miếng cau dày để vào “ống ngoáy” vã ra và đưa vào miệng. Đây là vật kỷ niệm của Ba, gắn bó phục vụ cuộc sống của Mẹ suốt mấy chục năm cuối đời, cho đến khi Mẹ qua đời. Năm Mẹ chín mươi tuổi, nằm bệnh ở bệnh viện, bác sĩ khuyên Mẹ thôi ăn trầu, Mẹ cười vã lã, bỏ trầu buồn lắm, lạt miệng lắm. Khi Mẹ mất, mấy chị tôi đề nghị đem “ống ngoáy” theo, để Mẹ ăn trầu, tôi và anh tôi không đồng ý, vì đây là vật kỷ niệm của Ba Mẹ, để lại cho con cháu đời sau biết.
Thật rất buồn, Ba mất trước, sau đó Mẹ mất, nay đã trên hai mươi năm, những ngày giỗ Ba, giỗ Mẹ, con cháu về đông đủ, trong số lễ vật cúng Ba, Mẹ, đều có trầu, cau têm sẵn để trong đĩa đặt trang nghiêm trên bàn thờ, nhưng cái “ống ngoáy” trầu ít ai để ý.
Mẹ ơi, không phải chúng con vô tâm, nhưng tất cả cũng chỉ là lễ nghĩa. Thời gian trôi qua, xóa nhòa tất cả, trong nhà này bây giờ chỉ có mình con chứng kiến Mẹ ăn trầu nhờ cái “ống ngoáy” này, giã ra cho nhỏ để Mẹ dễ ăn, khi Mẹ trên chín mươi tuổi vẫn còn dùng được, con cháu bây giờ không biết và có lẽ chúng nó cũng không cần tìm hiểu để biết cái “ống ngoáy” dùng để làm gì. Con nói vậy xin Mẹ đừng buồn, ngày nay khoa học - kỹ thuật phát triển như vũ bão, con người đã đi ra khỏi trái đất, đến tận mặt trăng, sao hỏa để tìm sự sống, con người đã sản xuất ra người máy chẳng những đi lại được mà còn có trí tuệ để phục vụ cho con người, và cũng chính con người đã sản xuất đủ mọi loại vũ khí giết người hàng loạt như bom nguyên tử, bom từ trường, vũ khí hóa học, sinh học, máy bay không người lái, tên lửa bắn xa hàng ngàn cây số mang đầu đạn hạt nhân để tàn sát lẫn nhau, chính con người đã tìm mọi cách để hủy diệt loài người.
Mấy năm nay, đại dịch Covid-19 bùng phát và tấn công loài người không từ một quốc gia nào, không loại trừ kẻ nghèo hèn, đến nhà tỉ phú, chính khách, nghệ sĩ, nhà khoa học… Dịch Covid-19 đã trở thành kẻ thù giấu mặt, hèn hạ tấn công, gây bệnh tràn lan, trên hai trăm triệu người đã nhiễm bệnh, trên bốn triệu người đã tử vong. Riêng nước Việt Nam đã kiên cường chống lại, nhưng đến nay có trên mấy trăm ngàn người bị nhiễm bệnh, trên mấy ngàn người đã tử vong hết sức đau xót. Tuy vậy, Nhân dân ta không khuất phục, tìm mọi cách chống lại, phải cách ly ngăn chặn, tiêm chủng vắc-xin để loại trừ chúng, đem lại cuộc sống bình thường cho Nhân dân.
Khoa học dù tiến bộ, hiện đại đến mấy cũng đều do con người tạo ra. Loài người văn minh, tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng lẽ phải, vì cộng đồng các quốc gia, nhất định sẽ đoàn kết, chế tạo, sản xuất vắc-xin, sản xuất thuốc điều trị Covid-19, nhất định sẽ ngăn chặn được dịch Covid-19. Hiện nay, trên thế giới đã có hàng chục loại vắc-xin có mặt trên thị trường. Covid-19 là kẻ thù chung của nhân loại, dù chúng biến thể, thay hình đổi dạng, quỷ quyệt đến đâu, nhất định chúng sẽ bị ngăn chặn. Những kẻ xấu xa, tạo ra Covid-19 để tàn sát nhân loại sẽ bị ngăn chặn, loài người phĩ nhổ, nhục nhã muôn đời.
Con xin lỗi Mẹ vì đã thanh minh dài dòng, tại sao giỗ Mẹ năm nay, con cháu không về được. Nhất định những năm sau, chúng con sẽ về đông đủ. Xin Mẹ yên lòng, tha thứ cho con cháu.
Tháng 8/2021
BÙI QUANG HUY
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.