27/04/2021 15:33
Tháng 3/1959, trên ngọn dương Đình Long Đức- điểm cao nhất của thị xã Trà Vinh lúc ấy bất ngờ xuất hiện lá cờ Đảng (Trong ảnh: Du khách tham quan Đình Long Đức nhân ngày công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh). Ảnh: BÁ THI
Tại các xã thuộc huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, những cán bộ, đảng viên trẻ và thanh niên bất hợp pháp chuyển hẳn vào rừng Mỹ Long, Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa, Long Vĩnh… sinh sống. Số xã không còn đảng viên, chi bộ không hoạt động được càng tăng lên, làm cho phong trào cách mạng lâm vào thế thoái trào. Tuy nhiên, cũng chính thời điểm này, sau khi phổ biến, quán triệt bản Đề cương Cách mạng miền Nam cũng như tinh thần Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 01/1959), Tỉnh ủy Trà Vinh chủ trương từng bước xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp bạo lực vũ trang với bạo lực chính trị, giành quyền làm chủ.
Tại thị xã Trà Vinh, cuối năm 1958, đầu năm 1959, trước sự đàn áp điên cuồng của địch, để bảo toàn lực lượng, Chi bộ nội ô chủ trương dừng các cuộc đấu tranh trực diện có nội dung chính trị như đòi nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Genève, đòi Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đòi bình thường hóa hai miền Nam - Bắc…, chuyển hướng hoàn toàn sang đấu tranh nhỏ lẻ, nội dung dân sinh, dân chủ; dành sự tập trung lớn cho công tác xây dựng và phát triển cơ sở bí mật, cơ sở bán công khai và công khai để tập hợp quần chúng, đợi thời cơ. Thấy phong trào đấu tranh chính trị công khai của quần chúng tạm lắng xuống, bọn ngụy quyền ở Trà Vinh hí hửng tuyên bố đã hoàn thành việc tảo thanh cộng sản tại tỉnh lỵ, tập trung lực lượng cho các chiến dịch “Tố cộng”, “Diệt cộng” ở nông thôn.
Để chia lửa với phong trào cách mạng vùng nông thôn đang ở vào giai đoạn khó khăn, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Chi bộ nội ô tỉnh lỵ(1) quyết định phải tạo ra một sự kiện gây chấn động dư luận, đánh thẳng vào luận điệu huênh hoang của kẻ thù, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân thị xã vào sự hiện diện tuy âm thầm mà bền bỉ, vững chắc của tổ chức Đảng ngay tại nội ô tỉnh lỵ. Sau khi bàn bạc với các đảng viên, đồng chí Nguyễn Thị Được (Năm Lý)- Tỉnh ủy viên, Bí thư Chi bộ nội ô quyết định thực hiện treo lá cờ Đảng lên vị trí cao nhất của tỉnh lỵ là ngọn dương trong khuôn viên đình Long Đức(2). Đây là công việc đòi hỏi phải bí mật cao độ, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, để có thể vượt qua được hệ thống tai, mắt dày đặc của kẻ thù.
Khó khăn đầu tiên là việc may cờ. Thời điểm này, địch kiểm tra rất gắt gao việc bán ra của các tiệm vải, nhất là các loại vải màu đỏ. Đồng chí Nguyễn Thị Được phải nhờ một gia đình cơ sở người Hoa là ông bà Giang Thanh Khê- Đàm Thị Bảy, chủ một cơ sở dệt vải tại Tri Tân A (nay là Phường 6), lấy cớ may áo tràng mừng thọ cho người mẹ trong gia đình. Sau đó, số vải đó được chuyển về tiệm may Tân Tiến gần Bến xe (nay là Phường 3), mà chủ là đồng chí Tăng Văn Thử, một cơ sở trung kiên và đồng chí Nguyễn Thị Được, trong vai người làm công, mỗi ngày đến tiệm Tân Tiến, cắt và may tay lá cờ.
Công việc treo lá cờ lên ngọn dương, sau khi bàn bạc kỹ trong Chi bộ, đồng chí Nguyễn Thị Được giao cho đồng chí Nguyễn Văn Vững (Ba Vững)- một cán bộ ngành Quân báo thời chống Pháp của tỉnh Cần Thơ vừa được “điều lắng”(3) về nên địch ít chú ý. Nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Văn Vững trực tiếp đến sân đình Long Đức uống cà phê, để quan sát. Đồng chí Nguyễn Văn Thử nhận thấy đây là cây dương cổ thụ hơn trăm năm tuổi, cao hơn 20m, cành lá sum suê nhưng gốc và thân rất to, không thể ôm tay mà leo lên được. Phải mấy ngày liền quan sát và suy nghĩ, đồng chí Nguyễn Văn Vững mới tìm ra phương cách thực hiện nhiệm vụ được giao.
Gần nửa đêm 24/3/1959, đồng chí Nguyễn Văn Vững xếp lá cờ thật gọn, giấu bên trong áo, rồi cùng hai thanh niên cơ sở cảm tình là Lưu Kim Xia và Tăng Văn Sơn di chuyển ra sân đình Long Đức. Đồng chí Nguyễn Văn Vững chọn cây sao nhỏ hơn gần bên cây dương cổ thụ để dễ trèo lên. Khi lên tới ngọn sao thì hai thanh niên cơ sở bên dưới đưa hai cây tầm vông lên để đồng chí Ba Vững gát chuyền qua ngọn dương. Tuy đã quan sát rất kỹ nhưng đồng chí Ba Vững không để ý trên ngọn dương có rất nhiều tổ kiến vàng. Thấy động, chúng bu lại, vừa cắn vừa đái làm đồng chí Ba Vững nghe ran khắp thân thể, mắt cay xè tưởng không thể mở ra được. Vì nhiệm vụ được Đảng tin tưởng giao, đồng chí Ba Vững cố nén đau, tay phủi kiến, tay buộc lá cờ vào ngọn tầm vông, rồi chấp hai cây tầm vông vào nhau để lá cờ vươn lên cao hẳn so với tán lá ngọn dương. Xong nhiệm vụ trở về nhà, đến ba ngày sau, đồng chí Ba Vững còn bị cảm sốt do hậu quả trận kiến vàng cắn chưa từng gặp trong đời.
Sáng hôm sau, cả tỉnh lỵ Trà Vinh xầm xì bàn tán. Mọi người dân đều hướng mắt về lá cờ búa liềm có kích thước 1,8 x 2,7m, tung bay trên ngọn dương cổ thụ trong khuôn viên đình Long Đức. Người dân thị xã cũng như Nhân dân cả tỉnh Trà Vinh hiểu rằng tuyên bố “tảo thanh Cộng sản” của chính quyền Sài Gòn chỉ là sự khoác lác, mà trái lại tổ chức Đảng, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu, vẫn luôn bên cạnh Nhân dân, hiểu mọi đau khổ, mất mát của Nhân dân và sẵn sàng chấp nhận hy sinh để tổ chức, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc.
Vô cùng tức tối, đích thân Tỉnh trưởng Lương Duy Ủy hạ lệnh cho bọn chỉ huy tiểu khu quân sự bằng mọi giá phải hạ lá cờ xuống. Bọn chỉ huy huy động cả đại đội bảo an, cảnh sát tới nhưng không tên nào dám leo lên vì quá khiếp sợ những tổ kiến vàng lủng lẳng dày đặc trên cành. Sau đó, bọn chỉ huy ra lệnh đưa tù chính trị tại trại giam ra, nhưng anh em lấy cớ là dưới lá cờ còn có thể có trái nổ cài lại, nên nhùng nhằng đấu lý, kéo dài thời gian. Mãi đến hơn 04 giờ chiều, địch phải mướn những người thợ trèo cây chuyên nghiệp đến, dùng thang đưa lá cờ xuống.
Tuy đã tính toán rất kỹ lưỡng nhưng đồng chí Nguyễn Văn Vững và hai thanh niên cơ sở lại vô ý lấy vải vụn làm dây nối hai thân tầm vông vào nhau khi treo cờ. Từ manh mối này, bọn mật vụ phát hiện và truy bắt đồng chí Tăng Văn Thử cùng hai thanh niên cảm tình Tăng Văn Sơn và Lưu Kim Xia tại tiệm may Tân Tiến. Sau đó, chúng bắt đồng chí Nguyễn Văn Vững, đày ra Côn Đảo cho đến tận ngày giải phóng. Những năm đầu hòa bình, đồng chí Nguyễn Văn Vững là cán bộ lãnh đạo Công ty Ba Son, thuộc Bộ Chỉ huy Quân chủng Hải quân Việt Nam.
Liên tục những tháng sau đó, bọn chỉ huy tiểu khu Vĩnh Bình đưa các đại đội bảo an phối hợp cùng bọn thám báo và cảnh sát, mở chiến dịch dài ngày nhằm truy lùng cán bộ, đảng viên “nằm vùng” và cơ sở quần chúng tại nội ô tỉnh lỵ. Chính lá cờ trên ngọn dương đình Long Đức đã làm chậm đi các chiến dịch “Tố cộng”, “Diệt cộng” của chúng tại vùng nông thôn Trà Vinh, nhất là các xã ven biển, tạo điều kiện cho tỉnh và huyện xây dựng, củng cố lực lượng, trong đó có việc thành lập “Tiểu đoàn Cửu Long”(4) vào ngày 15/4/1959, tại xã căn cứ Long Vĩnh, đưa phong trào cách mạng Trà Vinh bước vào giai đoạn mới.
Sau sự kiện treo cờ trên ngọn dương đình Long Đức, tháng 4/1959, đồng chí Nguyễn Thị Được được Phân Liên khu miền Tây(5) rút về và tiếp tục công tác tại khu Tây Nam Bộ. Đồng chí Hà Thị Nhạn (Năm Minh Kiều) được Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ định làm Bí thư Chi bộ nội ô thị xã.
Tháng 5/1959, chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm đi bước đi cuối cùng trên con đường phát xít hóa, với việc ban hành Luật 10/59, đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật và đặt miền Nam vào tình trạng chiến tranh. Với đạo luật tàn bạo này, bất kể ai tham gia hoạt động cách mạng hay nuôi chứa người hoạt động cách mạng đều bị đưa ra tử hình mà không cần qua xét xử. Chúng lê máy chém đi khắp miền Nam, hành hình cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bằng hình thức của thời trung cổ, nhằm gây tâm lý hoảng loạn đến kinh hoàng trong quần chúng nhân dân. Tại Trà Vinh, chúng bắt và đưa anh Võ Thành Phát, cán bộ xã Thanh Mỹ ra chém. Trong một thời gian ngắn, chúng đã giết, rồi bôi dầu hắc thả trôi sông 56 cán bộ, quần chúng cách mạng(6).
Trước những hình thức khủng bố dã man đó của kẻ thù, phong trào cách mạng tuy nhất thời có bị chùn xuống nhưng tấm lòng người dân thị xã Trà Vinh với cách mạng, với Đảng vẫn tỏ ra kiên trung, vững vàng. Tại nội ô, Chi bộ vẫn duy trì hoạt động, các đảng viên vẫn kiên cường bám địa bàn, bám dân, xây dựng và phát triển cơ sở. Ngay giữa lòng đô thị, trước bộ máy cai trị, bộ máy đàn áp và hệ thống tai mắt dày đặc của địch, bất chấp mọi thủ đoạn khủng bố dã man của chúng, các cơ sở vẫn tiếp tục làm hầm bí mật, làm buồng kín, vách đôi… nuôi chứa cán bộ cách mạng.
Điển hình như gia đình gia đình nhà tư sản Dương Văn Vinh, gia đình ông bà Đàm Thị Bảy- Giang Thanh Khê, gia đình thầy giáo Võ Văn Rê, gia đình ông Nguyễn Văn Vị - Trần Thị Trang, gia đình bà Võ Thị Tý, gia đình ông bà Nguyễn Văn Tây- Trà Thị Lầu… Có những thời điểm, hầu hết cán bộ chủ chốt của thị xã Trà Vinh cùng các cán bộ của tỉnh về chỉ đạo đều bí mật ở tại các ngôi nhà này. Có thể nói, đã từng tồn tại một “căn cứ bí mật” của thị xã Trà Vinh ngay trong lòng đô thị trong suốt những năm tháng khó khăn, ác liệt nhất, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của quân dân tỉnh Trà Vinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
CHÂU XUÂN THIỆN
(1) Sau Hiệp định Ge-nè-ve, Tỉnh ủy quyết định tổ chức Đảng tại nội ô tỉnh lỵ Trà Vinh là Chi bộ cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy, do một đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp làm Bí thư.
(2) Tọa lạc tại Khu phố 2 (nay là Phường 2), chỉ cách Dinh Tỉnh trưởng chừng 500m.
(3) Sau năm 1956, trước sự đàn áp, khủng bố khốc liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm, một số cán bộ không giữ được thế hợp pháp được “điều” (có tổ chức) hoặc “lắng” (tự đi) sang địa bàn khác.
(4) Đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên của tỉnh Trà Vinh thời chống Mỹ.
(5) Tiền thân của Khu ủy khu Tây Nam Bộ.
(6) Lịch sử thị xã Trà Vinh, trang 192.
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.