20/06/2021 08:31
Nghi thức tống tàu ra biển tại Hội biển Mỹ Long.
Trên tinh thần khơi dậy và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, bài viết “Lễ hội Cúng biển Mỹ Long - Từ di sản đến hiện thực phát triển du lịch”, tập trung 3 nội dung chủ yếu như sau:
Thứ nhất, Mỹ Long, mà ngày xưa là làng Long Hậu, là ngôi làng cổ ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy.
Theo các tư liệu thư tịch triều Nguyễn còn lưu lại và các giai thoại, truyện kể dân gian địa phương, có thể khẳng định rằng, vùng đất ven bờ hữu ngạn cửa biển Cung Hầu này đã được các thế hệ cư dân người Việt ban đầu đến khai phá, định cư vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Đến cuối thế kỷ XVIII, vùng đất này và những vùng phụ cận phát triển khá trù phú, đủ tiềm lực nuôi chứa quan quân chúa Nguyễn Ánh trong một thời gian khá dài trong cuộc chiến tranh với nhà Tây Sơn. Do đó, đến thập niên đầu của thế kỷ XIX, làng Long Hậu là một trong những ngôi làng đầu tiên ở Trà Vinh được chính thức thành lập, được ghi danh vào sổ Địa bạ triều đình và được ban mỹ danh Long Hậu (có nghĩa là nơi hậu thuẫn nhà vua trong gia đoạn khó khăn), nhằm ghi nhận công lao che chở, nuôi dưỡng chúa Nguyễn Ánh thời bôn tẩu.
Mỹ Long là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, là một trong những chiếc nôi cách mạng của tỉnh Trà Vinh. Ngay khi thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ, chính nơi đây là căn cứ chính của cuộc khởi binh Đề Triệu (1865 - 1868) rồi các phong trào đấu tranh khác như Thiên Địa hội, Truyền bá chữ quốc ngữ, Đông du… Khi tổ chức cách mạng theo ý thức hệ vô sản hình thành, Mỹ Long là một trong những nơi hình thành tổ chức Công hội đỏ, tổ chức Hội Thanh niên Cách mạng và Chi bộ Đảng đầu tiên trong tỉnh. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Mỹ Long là vùng căn cứ thường xuyên, lâu dài, vững chắc và là điểm chỉ đạo Đồng khởi thắng lợi trên cả tỉnh.
Là ngôi làng cổ, Mỹ Long lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân người Việt. Đặc biệt, văn hóa tín ngưỡng khá phong phú, đa dạng và đậm nét. Ngoài tín ngưỡng thờ Tổ tiên truyền thống trong mỗi gia đình, ở Mỹ Long vẫn trân trọng lưu giữ tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng tại các ngôi đình; tín ngưỡng thờ Mẫu với nhiều vị thánh mẫu như bà Cố Hỷ, bà Chúa Xứ ở các ngôi miễu; tín ngưỡng thờ cá voi, hay còn gọi là thờ Đức ông Nam Hải, phối tự tại ngôi miễu bà Chúa xứ.
Trải qua mấy trăm năm, cư dân Mỹ Long đã bám đất, bám biển lao động sáng tạo, hình thành các làng nghề truyền thống không chỉ nuôi sống bản thân, gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội cả vùng đất ven biển Trà Vinh. Điển hình là nghề trồng hoa màu trên đất giồng cát và nghề đáy hàng khơi. Riêng nghề đáy biển hình thành vào thập niên 1870 - 1880 và liên tục hoạt động cho đến ngày nay, trở thành một trong những làng nghề lâu đời tiêu biểu, có quy mô hoạt động lớn của tỉnh Trà Vinh. Chợ Bến Đáy, có tên gốc là chợ Việt Cao, là chợ đầu mối hải sản nổi tiếng khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong suốt thế kỷ XX. Theo thời gian, từ Mỹ Long, nghề đóng đáy hàng khơi lan rộng ra Long Vĩnh (trước Cách mạng tháng Tám), Động Cao (từ thập niên 1970 đến nay).
Chính làng nghề truyền thống đáy hàng khơi và tín ngưỡng thờ cá voi đã hình thành lễ hội Cúng biển hay lễ hội Nghinh ông Mỹ Long.
Thứ hai, Lễ hội Cúng biển Mỹ Long là sự tổng hợp ở mức độ cao của lễ hội Kỳ yên (tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng), lễ hội Vía bà (tín ngưỡng thờ Mẫu) và lễ hội Nghinh ông (tín ngưỡng thờ Đức ông Nam Hải). Đây chính là nét đặc sắc mà không lễ hội cúng biển nào từ Trung Bộ vào Nam Bộ có được.
Chúng ta đều biết rằng, do ảnh hưởng của văn hóa Chăm, tất cả các ngôi làng có nghề đi biển ở Trung Bộ và Nam Bộ đều mang nặng tín ngưỡng thờ Đức ông Nam Hải như vị thần quyền năng vô biên, sẵn sàng ra tay cứu giúp người đi biển không may sa vào cơn sóng to, gió dữ. Khi cá voi lỵ, dạt vào bờ, người dân tổ chức tang lễ trang trọng và xây dựng lăng làm nơi lưu giữ di cốt thờ tự. Làng đáy biển Mỹ Long vốn là bãi bồi nên trong lịch sử mấy trăm năm, chưa lần nào được Đức ông gởi di cốt nên không có lăng ông. Với sự ngưỡng vọng sâu sa, người dân làng đáy thỉnh bài vị Đức ông vào phối tự tại ngôi miễu bà Chúa xứ và ngôi miễu này trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng của người dân Mỹ Long. Bên cạnh đó, dù sinh sống bằng nghề đi biển nhưng văn hóa làng xã và văn hóa nông nghiệp lúa nước truyền thống người Việt, không hề phai mờ trong ký ức cư dân Mỹ Long. Đó là cơ sở để hình thành sự hỗn dung tín ngưỡng giữa thờ Thần Thành hoàng, thờ Mẫu và thờ Đức ông Nam Hải độc đáo thể hiện một cách rõ ràng qua Lễ hội Cúng biển.
Lễ hội Cúng biển Mỹ Long là một trong số hiếm hoi các lễ hội dân gian truyền thống của cư dân người Việt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được tiến hành đều đặn hàng năm trong suốt hơn trăm năm qua. Do đó, đường dây kịch bản của lễ hội được kế thừa, duy trì và phát triển rất chặt chẽ với hơn 10 lễ thức chính, trong đó các lễ thức chính của lễ hội Kỳ yên, lễ hội Vía bà và lễ hội Nghinh ông được tiến hành long trọng, xen kẽ nối tiếp nhau. Hãy điểm lại 10 lễ thức chính để thấy rõ hơn sự hỗn dung tín ngưỡng và sự phong phú, đa dạng độc đáo của lễ hội: Lễ Túc yết (chung của Kỷ yên và Vía bà), lễ Nghinh ông Nam Hải (đặc trưng của Cúng biển), lễ tế Tiền chức (của lễ hội Kỳ yên), lễ tế Thần nông và chiến sĩ trận vong (của lễ hội Kỳ yên), lễ Chánh tế (của lễ hội Vía bà), nghi thức Múa bóng rỗi dâng mâm lộc (đặc trưng của lễ hội Vía bà), lễ Cầu an (đặc trưng của lễ hội Cúng đình, kỳ yên cũng có nghĩa là cầu an), lễ Nghinh ngũ phương (của Lễ hội Cúng biển), lễ Tống quái (đặc trưng của Lễ hội Cúng biển), lễ Tống chung (nghi thức chung cho các lễ hội).
Trong giới nghiên cứu văn hóa dân gian thường có câu châm ngôn: “Cái gì hợp lý mới tồn tại; cái gì đã tồn tại ắt phải hợp lý”. Vấn đề là lớp hậu sinh chúng ta phải tìm ra, lý giải cho được cái sự hợp lý ấy khi tìm hiểu, nghiên cứu vốn di sản văn hóa truyền thống, trong đó có Lễ hội Nghinh ông Mỹ Long. Đường dây kịch bản và các lễ thức độc đáo của lễ hội Nghinh ông Mỹ Long được các thế hệ ông cha sáng tạo, truyền thừa và tồn tại hơn trăm năm nay chắc chắn có cái lý của nó, cần được nghiên cứu thấu đáo để bảo tồn và phát huy, tiếp tục truyền thừa cho các thế hệ cháu con sau này.
Thứ ba, cần tạo ra một chuỗi sản phẩm trong không gian văn hóa ven biển, lấy lễ hội Cúng biển làm trung tâm để phát triển kinh tế du lịch.
Lễ hội Cúng biển Mỹ Long hàng năm diễn ra trong 03 ngày 10, 11 và 12 tháng Năm âm lịch, thu hút ngày càng đông đảo người dân khắp các huyện trong tỉnh, các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng… và những người con quê hương Mỹ Long, quê hương Trà Vinh đang sinh sống, định cư khắp nơi trong và ngoài nước về tham dự. Thêm vào đó, sau khi được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Lễ hội Cúng biển Mỹ Long càng được khẳng định hơn về giá trị mang tính bản sắc ở một đẳng cấp khác. Đây là tiền đề, là thuận lợi cơ bản để huyện Cầu Ngang và ngành vă hóa, thể thao và du lịch Trà Vinh nghiên cứu xây dựng tua tuyến, hình thành một trọng điểm du lịch của tỉnh.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết lễ hội này, dù độc đáo đến đâu cũng chỉ diễn ra trong thời gian 03 ngày, chưa đủ để hình thành một trọng điểm du lịch mang tính bền vững theo chu kỳ một năm. Cần phát huy hết các giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế biển và ven biển Mỹ Long, mở rộng ra các xã chung quanh để liên kết lại, hình thành một không gian du lịch đặc trưng, với một chuỗi nhiều sản phẩm đa dạng. Có thể đề xuất một số không gian văn hóa du lịch, lấy Lễ hội Cúng biển Mỹ Long làm trọng tâm, như sau:
1. Không gian văn hóa du lịch tâm linh: Lễ hội Cúng biển Mỹ Long - Miễu bà Chúa Xứ - Lầu Bà Cố Hỷ (Vàm Lầu) - chùa Giác Linh - Lăng ông (Long Hòa) - nhà thờ Công giáo Vinh Kim và Phước Hảo.
2. Không gian văn hóa “Từ sông ra biển” dọc theo sông Cổ Chiên, với các điểm dừng lý thú như Cồn Hô (Càng Long), Cồn Chim (Châu Thành), Cồn Nghêu và lễ hội Cúng biển Mỹ Long (Cầu Ngang).
3. Không gian văn hóa du lịch mạo hiểm: Lễ hội Cúng biển Mỹ Long - đáy hàng khơi - Cồn Nghêu - Thủ (Long Hòa).
4. Không gian văn hóa du khảo lịch sử: Lễ hội Cúng biển Mỹ Long - di tích Đồng khởi - chùa Giác Linh - nơi thành lập Chi bộ Mỹ Long - một số địa điểm ghi dấu chân bôn tẩu của chúa Nguyễn Ánh (Bãi Bùn, Bến Ngự, Giếng Bà Sở, Giếng vua Long Hòa…).
5. Không gian văn hóa du lịch ẩm thực truyền thống: Lễ hội Cúng biển Mỹ Long - đặc sản ẩm thực biển - đặc sản làng nghề hoa màu giồng cát - Bánh tét Trà Cuôn - Cốm dẹp Ba So…
Từ di sản văn hóa cư dân người Việt, theo thời gian, Lễ hội Cúng biển Mỹ Long trở thành di sản chung của cộng đồng các dân tộc, góp vào hình thành hệ thống các lễ hội đa dạng, phong phú diễn ra quanh năm ở Trà Vinh. Vấn đề đặt ra bây giờ là các thế hệ cháu con thừa kế và phát huy giá trị di sản của cha ông để lại như thế nào hiệu quả và văn minh nhất.
Bài, ảnh: TRẦN DŨNG
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.