17/04/2023 08:38
Cảnh trong vở “Nghĩa tình không phai” do Đoàn Nghệ thuật Khmer Rak Samây Chane Đara (xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải) biểu diễn.
13 vỡ diễn đầy màu sắc
Việc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Liên hoan lần thứ II sau 10 năm bị gián đoạn (Liên hoan lần I tổ chức vào năm 2013 tại Sóc Trăng), nhằm mục đích nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Đồng thời qua Liên hoan giúp phát hiện ra những sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật Dù kê.
Theo PGS. TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II năm 2023, thông qua 07 ngày đêm thi tài với 13 vở diễn của 13 đơn vị, cho thấy dù cơ chế thị trường có khắc nghiệt đến mấy thì những sáng tạo trên sân khấu vẫn là những công trình mỹ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đậm chất Khmer Nam Bộ. Qua Liên hoan, đã vang lên những bài ca về tình đời, tình người, tình nghề nghiệp sâu sắc, làm người xem được vui, được khát vọng vươn lên để xây dựng cuộc đời tươi đẹp, hạnh phúc và nhân văn hơn. Bên cạnh, thông qua từng câu chuyện trong các vở diễn cũng khắc phục nơi người xem những tư tưởng nhỏ nhen, ích kỷ, hẹp hòi, gây ra những cái xấu, cái ác làm hại người, hại đời.
Từ nội dung tư tưởng đó, nhiều tác giả như: Thạch Khône, Thạch Sô Van Nên, Thạch Mu Ni, Sơn Cao Thắng hay Mai Chành Thol… đã kết hợp thành công với các đạo diễn xây dựng các vở diễn hướng đến hình thức kể chuyện dân gian làm cho tác phẩm của mình vừa có tính truyền thống lại có tính cách tân và nhiều màu sắc hấp dẫn. 13 tác phẩm đã đậm tính cổ tích và đều phù hợp với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của Đồng bào Khmer Nam Bộ.
Cũng theo PGS. TS Trần Trí Trắc, các đạo diễn tham gia Liên hoan lần này phần lớn gần như chưa có “tên tuổi”, nhưng đã am hiểu sâu sắc thể loại sân khấu Dù kê. Từ đó, những vở diễn do họ dàn dựng vẫn mang tính chuyên nghiệp đậm chất Dù kê và “sạch sẽ”, “chỉn chu”, “nghiêm túc”… Hầu hết đạo diễn đã làm chủ được những kỹ thuật trong kịch bản, trong từng tiết tấu, tốc độ của vở diễn theo ý đồ minh họa sinh hoạt đời thường, đã gây được dấu ấn trong lòng khán giả. Như lớp đưa cốt công chúa cho đạo sĩ trong vở “Huyền thoại tình yêu” của Đoàn nghệ thuật Dù kê Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu, hay lớp diễn đạo sĩ làm phép thần đuổi bầy chằn trong vở “Chuyện tình nàng Sô Vanl Pu Pa” của Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu hoặc lớp diễn vì lòng tham ăn đến vỡ bụng trong vở “Hoàng tử Vê Son Đo” của Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh)…
Cùng với đó các nhạc sĩ tại Liên hoan, thông qua tiếng đàn, nhịp trống, tiếng sáo… của mình đã thể hiện các bài bản Dù kê tương đối hợp lý. Hầu hết nhạc sĩ đều khai thác được nguồn bài bản của Dù kê dựa trên các loại nhạc cụ đặc thù dân tộc để tạo ra những âm thanh, giai điệu hồn nhiên, tả thực, theo những hình thức dễ nghe, dễ cảm và phù hợp với không khí, tiết tấu của vở diễn bằng thủ pháp lòng nhạc theo ca hoặc gợi hơi cho ca rất hiệu quả… Cũng thông qua đạo diễn, các biên đạo múa… đã tạo ra được các động tác tay, chân, thân thể uyển chuyển phù hợp với Dù kê, phù hợp với không khí, tiết tấu vở diễn và tính cách nhân vật cũng như với sự kiện, lời ca của tác phẩm. Đặc biệt những lớp múa cung đình vừa đậm tính biểu trưng của Khmer, của vương triều lại phù hợp với tính dân gian truyền thống trong Dù kê, tạo ra đẹp mắt, hấp dẫn khán giả.
Giải pháp để phát triển
Bên cạnh những ưu điểm, ở bất kỳ sân chơi nào cũng còn những hạn chế cần khắc phục để lần sau được hoàn thiện hơn. Liên hoan nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II năm 2023 cũng không ngoại lệ.
Về nội dung các vở diễn, PGS. TS Trần Trí Trắc cho rằng, 13 tác phẩm hiện diện ở Liên hoan có cùng một nhược điểm là giống nhau về nội dung tư tưởng là nhân quả theo triết lý của đạo Phật; hình thức cùng một kết cấu: tự sự - kịch tính - trữ tình - kết thúc có hậu theo màn chính, màn phụ… Trong khi các hình tượng nhân vật hầu hết các vở đều có vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa, đạo sĩ, chằn… Làm cho sân khấu Dù kê tại Liên hoan lần này thiếu phong phú, đa dạng. Hay nói cách khác, Liên hoan sân khấu Dù kê năm 2023 mang nhiều đề tài “quá khứ”, vì 100% vở diễn đều là cổ tích, huyền thoại, truyền thuyết của thời rất xa xưa.
Theo PGS. TS Trần Trí Trắc hiện thực cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế vẫn chưa đến được với sân khấu Dù kê. Tất nhiên, đề tài đương thời vào Dù kê không dễ dàng, nhưng lịch sử sân khấu Dù kê đã có nhiều vở mang đề tài hiện đại đã được xây dựng thành công.
Từ những hạn chế nêu trên, PGS. TS Trần Trí Trắc thẳng thắn đề nghị: sau Liên hoan này, rất cần ở các nhà quản lý về văn hóa có một kế hoạch chiến lược về bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê Nam Bộ bằng những chính sách đầu tư về chuyên môn và trước hết là những lớp tập huấn cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên… của thế loại Dù kê Khmer Nam Bộ.
PGS. TS Trần Trí Trắc khẳng định: Liên hoan lần này không có nỗi buồn, không có thất bại, mà chỉ có niềm hy vọng vào Liên hoan lần sau sẽ có nhiều tác phẩm mang đề tài đương thời với chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Riêng Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong phần phát biểu bế mạc Liên hoan cũng hy vọng rằng tất cả những gì đọng lại trong chúng ta đó là niềm đam mê, khát khao sáng tạo và cống hiến, để có những tác phẩm Dù kê đặc sắc hơn, hay hơn, đẹp hơn, chinh phục được cả lý chí và tình cảm người xem tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ III.
Bài, ảnh: LÂM THY
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.