07/04/2023 14:39
Một cảnh trong vở diễn “Nghĩa tình không phai” của Đoàn Nghệ thuật Khmer Rak Samây Chane Đara, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải.
Trao đổi cùng chúng tôi ngay khi đoàn vừa diễn xong vở “Nghĩa tình không phai” ông Kim Chane Cô Sol, Trưởng đoàn nghệ thuật Khmer Rak Samây Chane Đara đến từ xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) cho biết: đoàn thành lập vào năm 2002 từ đội văn nghệ thiếu nhi. Đoàn gồm 35 thành viên, từ ngày thành lập đến nay đã tham gia các hội thi, hội diễn cấp huyện và cấp tỉnh và đây là lần thứ hai đoàn tham gia Liên hoan nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ. Trong khi đó, đoàn xem việc phục vụ văn nghệ tại các chùa và người dân địa phương vào các dịp lễ, tết là chính.
Để góp mặt tại Liên hoan lần này, đoàn đã vận động kinh phí từ Phật tử, Ban quản trị chùa để trang bị đạo cụ, phục trang và bồi dưỡng cho diễn viên, nhạc công… Tuy nhiên, việc tập hợp lực lượng để tập dợt trong 02 tháng trước khi tham gia Liên hoan, đối với đoàn Rak Samây Chane Đara cũng gặp một số khó khăn. Do các thành viên trong đoàn hàng ngày phải làm nhiều việc khác nhau như: có thành viên là học sinh phải đi học, các giáo viên phải đi dạy và nhất là các nông dân phải ra đồng… Đặc biệt, do là không chuyên, mọi thành viên trong đoàn chỉ phục vụ theo tinh thần tự nguyện, vì đam mê, góp phần bảo tồn những bản sắc văn hóa là chính, nên mỗi khi có diễn, các thành viên trong đoàn mới được bồi dưỡng, thời gian còn lại đều “ăn cơm nhà”, nên phần nào cũng làm hạn chế trong việc tập hợp.
Trong khí đó, ông Hữu Trung, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau đặt vấn đề với Ban tổ chức Liên hoan tại buổi họp báo việc hỗ trợ các đoàn không chuyên.
Ông Hữu Trung chia sẻ, hầu hết các đoàn hoạt động theo hình thức xã hội hóa đều thiếu điều kiện khi tham dự Liên hoan lần này. Ông dẫn chứng, ngoài đơn vị Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, địa phương ông còn có sự tham gia của Đội Văn nghệ quần chúng ấp Cây Khô. “Họ rất nghèo, gần như không mang theo gì khi đến Trà Vinh biểu diễn, nhưng tinh thần vô cùng hăng hái” - ông Trung nói.
Đối với Đoàn Dù kê Sơn Nguyệt Quang đến từ tỉnh Sóc Trăng cũng là một trường hợp khá đặc biệt. Đoàn thành lập vào năm 2000, sau khi tiếp quản nhân sự từ một nhóm yêu thích văn nghệ đã giải thể. Để thuận tiện trong hoạt động, sau đó đoàn chính thức lấy tên Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Dù kê Sơn Nguyệt Quang.
Ông Sơn Si Tha, Trưởng đoàn cho biết, đoàn hiện có 29 nhân sự, trong đó người nhỏ tuổi nhất là 28, còn người cao tuổi nhất đến nay đã gần 60. Điều này cho thấy độ tuổi trung bình của Đoàn Dù kê Sơn Nguyệt Quang là tương đối cao so với các đoàn tham dự Liên hoan.
Vừa quản lý, ông Sơn Si Tha (trái) còn đóng góp 01 vai diễn trong vở “Đứa con bất hiếu”.
Để góp mặt tại Liên hoan nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II, Đoàn Dù kê Sơn Nguyệt Quang phải gặp nhiều trở ngại. Theo ông Sơn Si Tha, những khó khăn lớn của đoàn là việc tập hợp lực lượng và kinh phí. Riêng phương tiện vận chuyển, mỗi khi tham gia lưu diễn hay tham dự các liên hoan… đoàn đều phải thuê mướn cũng khá bị động. Trong đó, đa phần các diễn viên, nhạc công hàng ngày phải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Có thành viên làm nghề chăn nuôi, người thì trồng rẫy, thậm chí có trường hợp đi làm phụ hồ để mưu sinh. Nên ngay khi tập luyện, có hôm đủ thành phần, có hôm đến giờ tập phải chờ đợi các vai diễn…
Về kinh phí, theo ông Sơn Si Tha, để dàn dựng thành công vở diễn “Đứa con bất hiếu” tham dự Liên hoàn lần này đoàn dự chi khoảng 50 triệu đồng. Trong đó, nhiều cảnh trí, đạo cụ và kể cả phục trang đều được sử dụng dưới hình thức “Cây nhà lá vườn” để giảm chi phí. Tuy nhiên, để có nguồn kinh phí nêu trên, đoàn phải vận động từ các mạnh thường quân và ban quản trị các chùa tại địa phương đoàn đóng quân. Được biết, ngoài việc tham gia quản lý đoàn, ông Sơn Si Tha còn kiêm luôn 01 vai diễn trong vở “Đứa con bất hiếu”, điều này có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, cũng gặp không ít khó khăn trong công việc đối với cá nhân ông cũng như tập thể đoàn.
Bỏ qua những khó khăn, vướng mắc, các đoàn nghệ thuật không chuyên tham gia Liên hoan lần này đều có chung mục tiêu là góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Từ đó lan tỏa các thông điệp tốt đẹp từ các vở diễn trong cộng đồng. Bên cạnh, thông qua các vở diễn còn giúp các diễn viên, nhạc công thể hiện lòng đam mê nghệ thuật và giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị bạn để nâng cao trình độ chuyên môn…
Bài, ảnh: LÂM THY
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.