03/10/2024 08:46
Giờ học của học viên lớp xóa mù chữ ở ấp Giồng Dầy.
Lớp học xóa mù chữ ở xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang với gần 60 học viên tham gia được mở lớp từ tháng 5/2024 ở các ấp: Giồng Dầy, Cós Xoài và Căn Nom vẫn được duy trì đến nay.
Năm nay 49 tuổi nhưng chị Trần Thị Quynh (dân tộc Khmer) vẫn chuyên cần trong học tập và lên lớp đúng giờ. Chị là tấm gương tiêu biểu của những học viên đang học lớp 5, điểm học tại ấp Giồng Dầy, xã Trường Thọ.
Chị Quynh cho biết: tôi tham gia lớp học là mong muốn được củng cố kiến thức bị lãng quên. Đồng thời tiếp thu thêm những kiến thức mới để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống và công việc buôn bán hàng ngày. Do lớp học tổ chức vào ban đêm nên sau khi hoàn thành công việc của gia đình, tôi có mặt trước giờ học từ 10 - 15 phút. Lớp học thật sự đem lại lợi ích rất nhiều cho tôi, cụ thể như học môn toán, có thể giúp tôi trong công việc buôn bán. Biết cách tính toán nhanh hơn khi trao đổi với khách hàng.
Còn với anh Thạch Chane Thi (38 tuổi) ngụ cùng ấp Giồng Dầy cho biết: nhận thấy lớp học không ảnh hưởng đến công việc của gia đình cũng như giờ lao động của mình, nên khi nghe thông tin ở địa phương có tổ chức lớp học thì tôi đăng ký học ngay. Tham gia lớp học bản thân tôi thu thập được những kiến thức mới, kiến thức về khoa học- kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất của gia đình.
Thầy giáo Nguyễn Vũ Linh, giáo viên phụ trách Trung tâm Học tập cộng đồng xã Trường Thọ cho biết: hiện điểm học ở ấp Giồng Dầy đang học lớp 5 và các học viên phải học các môn gồm: Toán, văn, lịch sử, địa lý và môn lồng ghép (khoa học công nghệ tin học). Do lớp học đa số là người lớn tuổi nên lớp rất nghiêm túc. Các cô, các chú ở đây tiếp thu bài rất tốt và mạnh dạn đặt câu hỏi khi chưa hiểu bài, đồng thời luôn tiên phong trả lời câu hỏi do giáo viên đặt ra. Từ đó, lớp học rất sôi nổi và mang đến nhiều niềm vui cho học viên sau một ngày lao động mệt nhọc.
Trong thời gian 05 tháng, các học viên tham gia lớp học xóa mù chữ sẽ được truyền đạt các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết chữ và một số phép tính cơ bản tương đương với chương trình sách giáo khoa cấp I. Cùng với đó, lớp học còn kết hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, lối sống văn hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường trong phum sóc, bài trừ các hủ tục lạc hậu… đến các học viên.
Chị Trần Thị Quynh tiên phong làm bài trong tiết học môn Toán.
Ông Ngô Văn Nhỏ, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cầu Ngang cho biết: huyện Cầu Ngang hiện có 08 xã vùng đồng bào Khmer thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa mù chữ giai đoạn 2021 - 2030. Từ tháng 5/2024, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số thuộc chương trình mục tiêu quốc gia ở huyện Cầu Ngang tổ chức được 18 lớp học xóa mù chữ với hơn 380 học viên theo học. Các học viên tham gia học có quy định theo độ tuổi từ 15 - 60 tuổi, được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND, ngày 27/02/2023 của HĐND tỉnh “Quy định mức chi hỗ trợ xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”. Lớp học do Trung tâm Học tập cộng đồng ở các xã phụ trách.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có 106/106 xã, phường, thị trấn và 09/09 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 với gần 688.000 người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi biết chữ (đạt 93,96%); số người mù chữ mức độ 1 còn trên 10.500 người (chiếm 1,44%); số người mù chữ mức độ 2 là 44.192 người (chiếm 6,04%). Do đó, việc thực hiện chính sách mỡ lớp học xóa mù chữ thể hiện sự quan tâm của tỉnh Trà Vinh đối với công tác xóa mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và toàn tỉnh nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí cho người dân.
|
Từ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nguồn ngân sách tỉnh đối ứng, tỉnh Trà Vinh chi hỗ trợ cho học viên theo học lớp xóa mù chữ; các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên, tình nguyện viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ; cơ quan quản lý giáo dục, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác xóa mù chữ. Qua đó, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ được hỗ trợ 50.000 đồng/buổi/người, được chi hỗ trợ mua sổ theo dõi quá trình học tập, sách giáo khoa dùng chung với mức 400.000 đồng/học viên/năm học.
Ngoài ra, lớp học còn được hỗ trợ kinh phí để thắp sáng ban đêm (với mức 01KW/buổi học). Người tham gia tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ cũng được hỗ trợ 100.000 đồng/ngày/người.
Bài, ảnh: SỐC KHA - SÂM BÁT
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.