19/05/2024 05:34
Các đại biểu trao giải Nhất cuộc thi "Góc nhìn thiên tai" cho các em học sinh tỉnh Phú Thọ.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết: Chủ đề của Tuần lễ với mục đích thúc đẩy Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN-một sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 tổ chức tại Quảng Ninh vào năm 2023.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin thêm, trong vòng 20 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm hơn 300 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế 1,0÷1,5% GDP. Chỉ tính riêng năm 2023, trên các vùng miền cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai, trong đó có 1.964 trận thiên tai được thống kê, làm 169 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng.
Tại khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là miền núi phía bắc, thiên tai xảy ra hầu như mọi thời điểm trong năm, với nhiều loại hình như mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, rét đậm, rét hại… Trong đó, lũ quét, sạt lở đất diễn ra với tần suất ngày càng gia tăng, chính là loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn cho khu vực.
Lễ mít-tinh có sự tham gia đông đảo của học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ.
Điển hình như đợt mưa lớn kèm theo lũ quét, sạt lở đất hồi đầu tháng 8/2023 tại khu vực miền núi phía bắc làm 17 người chết, mất tích, hơn 2.000 nhà dân bị thiệt hại, hàng nghìn héc-ta lúa, cây hoa màu bị hư hại…
Trước những diễn biến ngày một cực đoan, khó lường của thiên tai, chính quyền và người dân luôn khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống thiên tai ở cả 3 giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam nêu rõ: Khủng hoảng khí hậu không còn là một loại biến đổi khí hậu sẽ xảy ra trong tương lai nữa-nó đang xảy ra với chúng ta ngay lúc này, ảnh hưởng đến trẻ em, sinh kế của các gia đình, tương lai của cả cộng đồng ở Việt Nam hiện tại. Không có mối đe dọa nào lớn hơn mối đe dọa tới sự sống còn, sức khỏe và sự phát triển của trẻ em so với khủng hoảng khí hậu.
Trong khi tác động của khí hậu như là hạn hán, xâm nhập mặn ở miền nam, các đợt nắng nóng nghiêm trọng (ở khắp mọi nơi), sạt lở đất ở miền bắc, lũ lụt ở miền trung đang ngày càng nghiêm cho thấy một mối đe dọa rõ ràng và hiện diện đối với sự sống còn, sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.
Các em học sinh tỉnh Phú Thọ thích thú bên những bức tranh của các em học sinh vẽ với chủ đề "Góc nhìn thiên tai".
Do vậy, “Hành động sớm” nhằm nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai là vô cùng cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các chính quyền địa phương và cơ quan chức năng...
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, tỉnh Phú Thọ cam kết triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mang tính toàn diện, căn cơ về phòng, chống thiên tai như: lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cải thiện năng lực dự báo, cảnh báo; phát huy hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền; huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai của cộng đồng…, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là trẻ em...
Tại lễ mít-tinh đã diễn ra nhiều hoạt động như: Cuộc thi sáng tác tranh “Góc nhìn trước thiên tai”; Cuộc thi rung chuông vàng “Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững”; hoạt động ngoại khóa vẽ tranh tường “Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu”. Đây là những hoạt động đầy bổ ích, góp phần lan tỏa thông điệp về phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu tới cộng đồng, đặc biệt là đối tượng trẻ em.
Theo nhandan.vn
Thời gian qua, ĐVTN huyện Cầu Kè không ngừng cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, vượt khó thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá giàu ở địa phương. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương ĐVTN tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp trong phát triển kinh, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Anh Phạm Thanh Nhiên, Bí thư Chi đoàn ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu vượt khó làm kinh tế giỏi để thoát nghèo.