26/08/2024 13:24
Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh chúc mừng thành công Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Từ khi tái lập tỉnh Trà Vinh (năm 1992) đến nay, thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh đã ban hành 03 nghị quyết chuyên đề và 01 kết luận về phát triển toàn diện vùng có đông đồng bào Khmer nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng trong tỉnh.
Với nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chú trọng đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, bảo đảm các dân tộc, tôn giáo bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, cùng nhau phát triển. 05 năm qua (2019 - 2024), Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là ở khu dân cư nơi có đồng bào dân tộc, tôn giáo, chủ động thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, động viên, chúc mừng các chức sắc, chức việc và các tín đồ tôn giáo. Triển khai nhiều chương trình hoạt động ở các khu dân cư vùng có đạo nhân các ngày lễ trọng đại của tôn giáo. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh bình nghị trên 2.200 lượt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh có 400 người trong đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận là người có uy tín.
Hòa thượng Thạch Oai, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa KomPong cho biết: với vai trò là thành viên của MTTQ, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chư tăng, phật tử Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống yêu nước, lao động, nâng cao đời sống vật chất, giữ gìn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer.
Hiện toàn tỉnh có 08 Trường Dân tộc nội trú cấp THCS và THPT, với khoảng 3.000 học sinh theo học mỗi năm; có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức giảng dạy chữ Khmer tại điểm chùa. Cùng với việc dạy chữ Khmer ở các trường phổ thông, Trà Vinh là tỉnh duy nhất trong cả nước đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer ở bậc đại học tại Trường Đại học Trà Vinh. Cùng với đó, tỉnh có Trường Trường Trung cấp Paly Khmer dành cho tăng sinh được đào tạo tổng hợp chương trình giáo dục thường xuyên, tiếng Paly, Ngữ văn Khmer và giáo lý Phật giáo.
Bên cạnh việc quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí, tỉnh còn chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh được xây dựng từ năm 1995. Đến nay đã sưu tầm, hệ thống hóa và trưng bày trên 1.000 hiện vật, thể hiện rõ nét đời sống văn hóa, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào Khmer. Tỉnh có 40 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được công nhận là các cơ sở tôn giáo. Riêng Lễ hội Ok Om Bok, Lễ hội Đom Lơng Néak Tà, Chầm riêng Cha Pây… do tỉnh tổ chức hàng năm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tích cực hưởng ứng các phong trào của MTTQ, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sư sãi, Phật tử tham gia vào nhiệm vụ chung của tỉnh, của Mặt trận, thực hiện tốt các phong trào ích nước, lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 05 năm qua, MTTQ ký kết các chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong công tác tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện toàn tỉnh có 11 mô hình “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” được triển khai ở một số cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh, góp phần XDNTM, đô thị văn minh.
Với UBMTTQ Việt Nam huyện Tiểu Cần, công tác dân tộc, tôn giáo luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện tốt, góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên trong cộng đồng dân cư. 05 năm qua, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện thực hiện mô hình “Tổ chức đoàn thăm hỏi, chúc mừng, giao lưu giữa các tôn giáo trong huyện nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc và Lễ trọng tôn giáo”, như: Chôl Chnăm Thmây, Phật đản, Giáng sinh, Thượng ngươn, Hạ ngươn, mô hình được sự đồng tình, hưởng ứng của các tôn giáo. MTTQ Việt Nam huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Trong nhiệm kỳ, đã vận động tặng trên 22.000 phần quà, giá trị trên 6,56 tỷ đồng. Hưởng ứng lời kêu gọi và vận động “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, UBMTTQ Việt Nam huyện tích vận động các cơ sở tôn giáo, đồng bào phật tử, tín đồ, nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ tiền và hiện vật giá trị trên 1,9 tỷ đồng. Từ đó, tạo sự sẻ chia, gắn kết trong cộng đồng.
Cuộc vận động Quỹ Vì người nghèo, Quỹ An sinh xã hội được MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tích cực thực hiện. Qua đó, hỗ trợ xây dựng hàng chục ngàn căn nhà cho hộ Khmer nghèo, hàng ngàn hộ được hỗ trợ vốn, đất sản xuất, đất ở, hỗ trợ bò giống cho hộ đồng bào Khmer nghèo. Điều đó, đã tạo chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn tỉnh cũng như ở những vùng đồng bào Khmer, vùng đồng bào tôn giáo. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh. Năm 1992, tỉnh Trà Vinh có 40% hộ nghèo, 20% hộ bị đói. Đến năm 2000, tỉnh không còn hộ đói. Cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn hơn 01%; đồng bào Khmer nghèo chỉ còn hơn 02%. Bộ mặt thành thị, nông thôn tỉnh Trà Vinh được đổi mới. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trong tỉnh không ngừng nâng cao.
Với những kết quả đạt được, ngày càng khẳng định đồng bào các dân tộc, tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác an sinh xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, XDNTM trên toàn tỉnh. Do vậy, tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 xác định chương trình hành động: tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo.
Phát huy vai trò của các nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo làm hạt nhân trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc, tôn giáo về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến dân tộc, tôn giáo.
Bám sát tình hình tư tưởng, đời sống, tâm tư, nguyện vọng và dư luận trong đồng bào dân tộc, để vừa kịp thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vừa định hướng tư tưởng trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm, hạn chế phát sinh tư tưởng trái chiều, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Củng cố lòng tin, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, phát huy sức mạnh tại chỗ, chủ động đấu tranh, phản bác các âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tin tưởng rằng, thông qua các hoạt động cụ thể, nhiệm kỳ mới, UBMTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục có những đóng góp tích cực trong công tác dân tộc, tôn giáo, không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực cùng cấp ủy, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Trà Vinh là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.