14/01/2021 10:03
Buổi trao đổi, rút kinh nghiệm công tác hòa giải ở cơ sở của Tổ hòa giải Khóm 3, thị trấn Càng Long vào ngày 08/01/2021.
Ông Lê Quang Thạnh, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Càng Long cho biết: việc kịp thời hòa giải những tranh chấp, bất đồng ngay từ khi mới phát sinh trong cộng đồng dân cư đã góp phần nâng tỷ lệ hòa giải thành ngay từ cơ sở, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, không dẫn đến tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp. Công tác hòa giải cơ sở cần sự làm việc tận tâm, nhiệt tình, không ngại khó khăn, vất vả của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Làm tốt công tác hòa giải từ cơ sở, có ý nghĩa rất lớn trong việc tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của Nhân dân và Nhà nước, đồng thời góp phần xây dựng khối đoàn kết cộng đồng dân cư bền vững.
Huyện Càng Long hiện có 121 tổ hòa giải, 906 hòa giải viên ở cơ sở. Ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo tăng cường thực hiện tốt nhiệm vụ công tác này. Năm 2020, toàn huyện tiếp nhận 387 vụ việc; tổ chức hòa giải 383 vụ việc, đạt tỷ lệ 98,96%. Kết quả hòa giải thành 307 vụ việc, đạt 80,15%; 76 vụ việc hòa giải không thành (chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết), chiếm 19,84%, còn 04 vụ việc đang xác minh hòa giải, chiếm 1,03%. Càng Long là một trong những địa phương được điển hình có những giải pháp, cách làm hay để nâng tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khu dân cư văn hóa, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Để đạt được tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở hơn 80% vụ việc, nói về cách làm, ông Lê Quang Thạnh chia sẻ: trước hết, phải kịp thời kiện toàn các tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên cơ sở, đảm bảo đủ số lượng, thành phần; chú trọng bổ sung những người có uy tín ở địa phương, những người am hiểu pháp luật, có khả năng phân tích, giải thích, động viên 02 bên đương sự, giúp đương sự thấu hiểu tình làng, nghĩa xóm, tiếp cận những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện. Những trường hợp cần cần thiết, có thể mời các chú, bác hoặc những những có uy tín đối với các bên đương sự cùng tham gia hòa giải cùng đóng góp ý kiến về tình, về lý...
Cùng bà Mai Thị Tố Quyên (Công chức Tư pháp - Hộ tịch thị trấn Càng Long) đến với Tổ Hòa giải Khóm 3, thị trấn Càng Long. Trưởng Ban Nhân dân Khóm 3, Tổ trưởng Tổ hòa giải Khóm 3, ông Nguyễn Duyên Hãi cho biết: tôi tham gia công tác hòa giải từ năm 2014, làm Tổ trưởng Tổ hòa giải Khóm 3 từ năm 2019. Kinh nghiệm từ thực tiễn, để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, cần phải sát với từng hộ dân, phát hiện và tiến hành hòa giải ngay khi mới manh nha những mâu thuẫn, bất đồng. Trong công tác hòa giải, ông Hãi nhấn mạnh: phải thực hiện đúng theo pháp luật hiện hành, nhưng khi mời đương sự đến hòa giải, trước hết chúng tôi thường lấy tình nghĩa xóm làng làm chủ yếu. Có những vụ việc chưa cần nói đến pháp luật, đương sự đã đồng tình bắt tay giải quyết, làm hòa. Nhờ đó, nhiều năm qua, tình trạng đơn thư khiếu kiện ở địa phương đã giảm đáng kể, có năm không có xảy ra vụ việc nào. Riêng trong năm 2020, Tổ hòa giải Khóm 3, tiếp nhận 03 đơn khiếu kiện và đã hòa giải thành 03/03 đơn.
Nói về công tác của Tổ hòa giải Khóm 3, bà Lê Thị Chính, hội viên Hội Người cao tuổi Khóm 3, thị trấn Càng Long vui vẻ: chú Hãi năng nổ, nhiệt tình lắm, lãnh đạo tổ hòa giải làm việc rất nhanh nhẹn, có tình, có lý; đa số các vụ việc giải quyết chỉ vài ba ngày đến 01 tuần là xong. Ông Nguyễn Minh Nhựt, người dân ở Khóm 3, thị trấn Càng Long nói: nhờ giải quyết dứt điểm những tranh chấp, mâu thuẫn ngay từ ở gia đình, địa phương nên bà con chòm xóm ở đây vui vẻ, hòa thuận lắm.
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở, ông Nguyễn Duyên Hãi nói: trước khi đưa vụ việc ra hòa giải, tổ hòa giải nên tổ chức xác minh, nắm rõ về nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Đồng thời, tổ chức họp tổ khoảng 20-30 phút để Tổ trưởng báo cáo nội dung đơn yêu cầu, kết quả xác minh nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra tranh chấp, khiếu kiện cho thành viên trong tổ nắm rõ để thảo luận. Và điều rất quan trọng là tập thể tổ hòa giải nên có định hướng trước về nội dung, chiều hướng phân tích, giải thích để vận động 02 bên đương sự, nhằm tránh trường hợp các thành viên trong tổ hòa giải, trong quá trình phân tích, giải thích có ý kiến trái chiều, dẫn đến hiệu quả hòa giải không cao.
Cùng với vốn sống, kinh nghiệm trong công tác hòa giải, để nâng cao tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở, đội ngũ hòa giải viên cũng được quan tâm tập huấn, trang bị kiến thức pháp luật. Hằng năm, Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở cho thành viên các tổ hòa giải cơ sở; tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi” nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó, cũng để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, Nhân dân các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đời sống hàng ngày của người dân; tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên cơ sở. Đối với các vụ việc phức tạp, UBND cấp xã phân công công chức Tư pháp - Hộ tịch, Địa chính đến cơ sở hỗ trợ, vì các đồng chí này am hiểu chuyên sâu về nghiệp vụ, có khả năng phân tích, giáo dục thuyết phục về chuyên môn khá cao đối với các bên đương sự.
Bài, ảnh: HÀ THANH
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.