22/07/2023 07:16
Đồng chí Trần Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, chúng ta không thể quên những ngày đầu tái lập tỉnh đầy khó khăn, thử thách. Tại mốc xuất phát điểm năm 1994, đơn vị tiền thân của ngành là Sở Địa chính là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước 02 lĩnh vực quản lý đất đai và đo đạc bản đồ. Trên nền tảng đó, đến năm 2003, tiếp tục kế thừa các thành tựu của Sở Địa chính, tổ chức lại và kiện toàn, thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường.
Từ một ngành chỉ quản lý 02 lĩnh vực, trở thành một ngành thực hiện quản lý nhà nước đa lĩnh vực (đất đai, môi trường, biển - đảo, tài nguyên nước, khoáng sản, đo đạc bản đồ - viễn thám, khí tượng thủy văn, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu). Với nhiệm vụ được giao khá đa dạng về nội dung quản lý, yêu cầu cao với độ chính xác, tin cậy cao. Mỗi kết quả thực thi trong quản lý của ngành, đều trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện, phản ánh, tác động lên mọi mặt của đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế xã hội tỉnh trong mọi thời điểm.
Đồng chí Trần Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, quá trình phát triển của ngành, từ sau ngày tái lập tỉnh (1992), chỉ với 26 cán bộ - nhân viên. Với sự dẫn dắt và lãnh đạo của các đồng chí Giám đốc Sở tiền nhiệm như: đồng chí Trần Văn Thành (1994 - 1997), đồng chí Nguyễn Minh Thương (1998 - 8/2003), là những người đã đặt những “viên gạch” đầu tiên xây dựng đơn vị tiền thân của ngành, với tên gọi Sở Địa chính. Với thời gian 09 năm hoạt động (1994 - 2003), Sở Địa chính đã hoàn thành xuất sắc vai trò và nhiệm vụ của mình, đóng góp một thành quả có ý nghĩa to lớn về chính trị và thực tiễn quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Cụ thể, đã hoàn thành nhiệm vụ đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhân dân với tỷ lệ trên 93% trong toàn tỉnh. Kết quả này, vừa là điều kiện cần, đồng thời vừa là tài liệu pháp lý cơ bản nhất để Nhân dân tiếp cận được với các chính sách của Nhà nước và các nguồn lực về vốn vay tín dụng, góp phần quan trọng cho phát triển cải thiện kinh tế, đời sống của hộ gia đình, cá nhân, đóng góp rất lớn cho thành tựu 10 năm đầu sau ngày tỉnh Trà Vinh tái lập và phát huy đến nay.
Dưới sự lãnh đạo và sự dẫn dắt của các đồng chí Giám đốc Sở trong từng giai đoạn: đồng chí Lâm Thanh Bình (9/2003 - 3/2006), đồng chí Lâm Ngọc Triết (4/2006 - 10/2015), đồng chí Lư Phước Hiệp (11/2015 - 10/2018) và đồng chí Trần Văn Hùng (11/2018 đến nay) đã cùng với toàn thể cán bộ, nhân viên trong toàn ngành, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực bền bỉ, liên tục, không ngừng cải tiến, xây dựng và phát triển ngành trên tất cả các lĩnh vực quản lý mới (môi trường, nước, khoáng sản, biển - đảo, khí tượng thủy văn, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu). 20 năm qua, ngành đã tiếp tục phát huy các thành tựu để đổi mới, củng cố và phát triển về mọi mặt.
ĐVTN Sở Tài nguyên và Môi trường Trà Vinh phát túi tự hoại cho người dân tại các chợ trên địa bàn thành phố Trà Vinh.
Đồng chí Trần Văn Hùng khẳng định, nhiệm vụ quản lý tài nguyên và môi trường là nhiệm vụ khó khăn, nhạy cảm, đầy áp lực và đôi khi có cả những rủi ro nghề nghiệp về pháp lý… Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; sự hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự ủng hộ của Nhân dân; sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được một số thành tựu quan trọng gồm: đối với tổ chức ngành và đội ngũ cán bộ, năm 2003 toàn ngành có 117 cán bộ (đại học: 64, còn lại là cao đẳng, trung cấp); Chi bộ có 26 đảng viên. Đến năm 2023, toàn ngành có 457 cán bộ (thạc sĩ 36, đại học 390, còn lại là cao đẳng, trung cấp) tăng gấp 4 lần; đảng bộ cơ sở có 18 chi bộ, với 292 đảng viên, tăng gấp 11 lần.
Về tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã cấp cho Nhân dân đạt tỷ lệ 99,38%. Về hệ thống lưới tọa độ và độ cao (05 điểm hạng II, 112 điểm hạng III cấp Nhà nước; 939 điểm Địa chính I và 1.692 điểm Địa chính II) hệ VN - 2000 phủ trùm toàn tỉnh; bản đồ địa chính chính quy (1/500, 1/1000, 1/2000, 1/5000) đã xây dựng 08 đơn vị cấp huyện.
Về kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, mỗi ngày giải quyết 760 thủ tục hành chính cho Nhân dân, tỷ lệ trả đúng hạn: > 98%. Đã tham mưu UBND tỉnh để quyết định 1.049 dự án (498 quyết định giao đất, 423 quyết định cho thuê đất, 128 quyết định cho phép chuyển mục đích). Cấp 639 giấy phép tài nguyên nước (385 giấy phép khai thác nước dưới đất, 43 giấy phép khai thác nước mặt, 72 giấy phép thăm dò, 70 giấy phép hành nghề khoan, 69 giấy phép xả thải). Cấp 80 giấy phép khoáng sản (38 giấy phép khai thác cát sông, 04 giấy phép khai thác cát biển, 38 giấy phép thăm dò trữ lượng và 06 quyết định đóng cửa mỏ). Đã tham mưu cơ quan thẩm quyền quyết định 503 dự án/công trình bảo vệ môi trường (231 quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, 272 Kế hoạch bảo vệ môi trường). Giao 16 khu vực biển để phát triển các dự án nhà máy nhiệt điện, điện gió, luồng tàu, bến cảng biển.
Về hỗ trợ xây dựng tiêu chí môi trường trong XDNTM đã hoàn thành cho 85 xã, 08 đơn vị cấp huyện công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; duy trì kết quả 26 chỉ số bảo vệ môi trường (PEPI, PGI) trong các năm 2020, 2021, 2022 với điểm số cao, thuộc Top 5 cả nước.
Bên cạnh, ngành còn hoàn thành 04 quy hoạch, 02 đề án, 05 kế hoạch 05 năm, 180 kế hoạch hàng năm về đất đai, nước, khoáng sản, môi trường, thời kỳ 2001 - 2010 và 2011 - 2020; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh với 779.000 thửa đất; hoàn thành xây dựng hệ thống 21 trạm quan trắc môi trường online; hoàn thành tích hợp thông tin quy hoạch chuyên ngành (khoanh vùng đất đai, môi trường, nước, khoáng sản, tài nguyên biển, đa dạng sinh học) vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030; xây dựng bản đồ khí hậu, các kịch bản, kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, quy hoạch mạng lưới khí tượng thủy văn và đề án tăng cường năng lực bảo vệ môi trường đến 2030; hoàn thành điều tra, lập bản đồ đánh giá tài nguyên đất (thổ nhưỡng); đang triển khai điều tra đánh giá trữ lượng tài nguyên cát sông, kiểm kê tài nguyên nước, xây dựng và tích hợp đồng bộ cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; \
Công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời, tỉnh Trà Vinh không có điểm nóng về khiếu kiện, khiếu nại phức tạp, đông người, góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, xã hội của tỉnh; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (18 máy chủ, 512 máy tính, 23 đường truyền, tổng dung lượng 80Tb), 09 nhà kho lưu trữ, 04 tòa nhà làm việc và nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị được đầu tư, tăng cường.
Với những thành tích đạt được, Sở Tài nguyên và Môi trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng 01 Huân chương Lao động hạng Ba, 01 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 01 bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, 04 bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành; 06 bằng của UBND tỉnh và nhiều cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong nhiều năm.
Kế thừa các thành quả đạt được, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của toàn ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ra sức phát huy các thành tựu đã đạt được, đoàn kết chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào thi đua do tỉnh phát động. Phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội XI của tỉnh Đảng bộ, xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025. Xây dựng và phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường đạt được nhiều thành tích mới và phát triển bền vững.
Bài, ảnh: BÁ THI
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.