28/04/2023 08:19
Các sản vật đặc trưng của bà con vùng cao được mang đến phiên chợ rất hấp dẫn du khách.
Cụ thể, các hoạt động văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, với các đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian của các cộng đồng dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày... nhân dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch và dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5 với chủ đề "Ngày hội non sông thống nhất".
Các hoạt động với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Raglai, Chăm, Ê Đê, Khmer...
Điểm nhấn của sự kiện là Chợ phiên vùng cao "Sắc màu Lào Cai" gây ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao.
Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày...
Trung tâm của chợ vùng cao là các gian hàng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Lào Cai... trưng bày giới thiệu các sản vật dân tộc (rau cải, măng khô, măng tươi, su su, các loại gia vị đặc trưng...); ẩm thực dân tộc Mông (thắng cố, rượu ngô, mèn mén,...); ẩm thực của dân tộc Nùng (xôi nếp bảy màu, gà nướng, thịt lợn, cơm lam, cá nướng,...), giới thiệu văn hóa - du lịch của các tỉnh Lào Cai (trưng bày triển lãm ảnh, sách, tờ rơi quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai); giới thiệu và bán thổ cẩm các dân tộc Mông, Thái, Dao, Nùng,…
Bên cạnh đó là chương trình "Sắc màu chợ phiên" của cộng đồng các dân tộc vùng cao phía Bắc. Đồng bào sẽ biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tham gia tại Chợ vùng cao mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền và các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như đánh quay (tu lu), leo cột, đánh pao, đánh yến, đu dây... tạo không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng.
Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức nghệ thuật khèn Mông của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thái Nguyên. Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện nghi thức, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi thức lễ hội của dân tộc Mông. Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mông gắn liền với chiếc khèn. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình.
Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng sẽ được tái hiện đặc sắc như: Lễ hội Say Sán dân tộc Mông (tỉnh Lào Cai); Tết mừng chiến thắng của đồng bào dân tộc Nùng; Lễ Hạn khuống của đồng bào dân tộc Thái (tỉnh Sơn La).
Đặc biệt, chương trình giới thiệu quảng bá "Không gian trà Thái Nguyên" sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị về văn hóa trà Thái Nguyên với đặc trưng riêng, từ cách pha trà, dâng trà và thưởng trà tưởng như đơn giản nhưng khi tìm hiểu sâu sẽ thấy rất công phu và tỉ mỉ.
Nhân dịp này, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam phối hợp với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung tổ chức triển lãm thơ diễn ca lịch sử "Theo dấu chân Đại tướng". Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, tác giả của 110 bài thơ được giới thiệu trong triển lãm này là người có cơ duyên gặp gỡ, viết nhiều bài báo, nhiều bài thơ về vị tướng tài ba trong suốt hơn 20 năm.
Triển lãm thơ diễn ca lịch sử "Theo dấu chân Đại tướng" nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2023 hướng tới kỷ niệm 69 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2023), 112 năm ngày sinh, 10 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Triển lãm "Theo dấu chân Đại tướng" tái hiện bằng thơ, diễn ca những dấu mốc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như cuộc sống đời thường của vị Tổng tư lệnh quân đội và tình cảm nhân dân dành cho ông, đặc biệt là sau khi Đại tướng qua đời ở tuổi 103.
Trình bày quy mô trên 92 tấm panô với hình ảnh minh họa do Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nghệ sĩ Trần Hồng cung cấp. Triển lãm hy vọng sẽ là món quà ý nghĩa và lời tri ân, tưởng nhớ vị tướng nhân hậu của dân tộc Việt Nam, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự của thế giới với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm,... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Theo baochinhphu.vn
Sáng nay (29/11), Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn Chuyên đề “Phòng, chống ma túy và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc”; có 92 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công quần chúng của 58 công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh tham dự.