10/08/2024 08:24
Đồng chí Trần Ngọc Trang (bìa phải) cùng đoàn đến thăm, tặng quà bà Nguyễn Phước Vân, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tại Khóm 3, Phường 5, thành phố Trà Vinh ngày 03/8/2024. Ảnh: BÁ THI
Phóng viên: Đồng chí hãy cho biết trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện còn bao nhiêu nạn nhân nhiễm chất độc da cam đang được nuôi dưỡng, chăm sóc?
Đồng chí Trần Ngọc Trang: Hiện toàn tỉnh có 4.460 hộ với 10.053 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học; trong đó đối tượng là người hoạt động kháng chiến và con của người hoạt động kháng chiến còn sống là 1.719 người. Trong đó, có 1.205 nạn nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng, gồm 767 nạn nhân là người hoạt động kháng chiến và 438 nạn nhân là con của người hoạt động kháng chiến.
Phóng viên: Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Ngọc Trang: những năm qua, các cấp, các ngành và Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã tích cực quan tâm, tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Cụ thể, từ năm 2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành công văn số để triển khai thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh và công tác chăm sóc, trợ giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Xác định đây không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo mà trên hết là hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Đây còn là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Việc làm này không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn đóng góp vào sự ổn định chính trị, tăng cường “trận địa lòng dân”, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Song song đó, Ban Chấp hành Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Trà Vinh cũng tích cực phối hợp các ngành kịp thời tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với nạn nhân da cam; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động xã hội nêu cao tinh thần tương thân, tương ái; tích cực vận động gây quỹ trợ giúp những gia đình nạn nhân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Các hoạt động trên thường tập trung vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn; tết Nguyên đán và đặt biệt là ngày 10/8 hàng năm với nhiều hoạt động, chương trình như: thăm hỏi, tặng quà, trao tặng xe lăn, xe lắc, hỗ trợ xây dựng nhà ở, chương trình tay chân giả, phẫu thuật tim miễn phí, vay vốn phát triển kinh tế… Kết quả, chỉ riêng trong 06 tháng đầu năm 2024 các cấp Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Nạn nhân chất độc da cam/Dioxhin trong tỉnh đã phối hợp vận động tiền và hiện vật quy thành tiền trên 13,6 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 154.933 lượt người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi.
Đặc biệt từ năm 2021 - 2024 Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh đã chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ An sinh xã hội của tỉnh với số tiền trên 900 triệu đồng để tặng 2.105 nạn nhân chất độc da cam/Dioxin hoàn cảnh khó khăn.
Phóng viên: Trong số những nạn nhân nhiễm chất độc da cam đồng chí nêu trên, có trường hợp nào còn khó khăn và có những tấm gương vượt khó nào điển hình?
Đồng chí Trần Ngọc Trang: Do di chứng của chất độc da cam/Dioxin để lại những dạng tật quái ác trên người, nên phần lớn các nạn nhân không đủ khả năng, điều kiện để tham gia lao động sản xuất vì thế cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Trong đó, đa số các nạn nhân đều rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn cả về kinh tế và sức khỏe.
Mặc dù nỗi đau chất độc da cam/Dioxin vẫn còn hiện hữu và đang đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình. Thế nhưng rất nhiều nạn nhân chất độc da cam vẫn từng ngày cố gắng, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Từ đó có một số trường hợp đã trở thành những tấm gương sáng tiêu biểu để mọi người học tập và noi theo.
Tiêu biểu như chị Hồng Thị Thúy Vân, sinh năm 1978, ngụ ở Khóm 10, Phường 7, thành phố Trà Vinh, hiện đang công tác ở Văn phòng Thành ủy và HĐND - UBND thành phố Trà Vinh. Sinh ra trong gia đình có 05 anh em, cha là thương binh hạng 3/4. Dù bị liệt chân phải, đi lại bất tiện, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng chị Vân vẫn không từ bỏ ước mơ học tập của mình. Minh chứng cho nghị lực và sự phấn đấu không ngừng nghỉ của chị là vị trí việc làm hiện nay cũng như những thành tích mà chị được khen thưởng.
Phóng viên: Đồng chí hãy cho biết, những định hướng cơ bản nhằm tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam trên địa bàn tỉnh thời gian tới là gì?
Đồng chí Trần Ngọc Trang: Thời gian tới, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vấn đề người khuyết tật, nạn nhân da cam và tham gia bảo vệ, hỗ trợ, chăm sóc người khuyết tật, nạn nhân da cam đúng theo các chỉ thị, công văn của Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh…
Cùng với đó, tăng cường kết nối và vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ nguồn lực thực hiện các chương trình trợ giúp đối tượng như: tặng nhà nhân ái; phẫu thuật tim; chương trình tặng xe lăn, xe lắc, tặng quà; khám, chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí... Bên cạnh, Hội sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nạn nhân da cam.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
BÁ THI (thực hiện)
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.