15/07/2024 09:19
Ảnh do Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết, con trai ông Nguyễn Đức Toàn cung cấp.
Nhân 74 năm ngày truyền thống Lực lượng TNXP (15/7/1950 - 15/7/2024), mời bạn cùng tôi “sống lại” với những câu chuyện thấm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng đội, anh em trong 05 năm ông Tổng đội trưởng Nguyễn Đức Toàn cùng cán bộ, chiến sĩ Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam quả cảm xông pha trận mạc.
Ngày 15/7/1950, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập Đội TNXP tại căn cứ kháng chiến tỉnh Thái Nguyên có 225 đội viên với hành trang là lời căn dặn nhiệt huyết của Bác Hồ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên” (1).
Mục đích việc thành lập Đội TNXP là nhằm “Phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đi đến toàn thắng và làm “trường học lớn” đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội tương lai”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam, sau khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập (20/12/1960), theo sự chỉ đạo của Trung ương Cục, các đơn vị chủ lực Quân giải phóng miền Nam Việt Nam như Trung đoàn Bình Giã, Sư đoàn 9, cũng được ra đời. Sự ra đời của lực lượng vũ trang chủ lực, cũng kèm theo sự cần thiết phải có Lực lượng dân công tải thương, tải đạn ngày đêm phục vụ cho lực lượng chủ lực hoạt động tác chiến.
Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam Nguyễn Đức Toàn kể:
Cuối tháng 4/1965, tại căn cứ kháng chiến Tân Biên, Tây Ninh, Trung ương Cục chỉ đạo Trung ương Đoàn vận động thanh niên trong các cơ quan dân chánh của Trung ương Cục được tất cả hơn 100 người, thành lập Lực lượng TNXP phục vụ chiến đấu và lấy tên là C100. Đây là đơn vị đánh dấu sự ra đời của Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, do đồng chí Trần Văn Mãnh (Hai Văn), cán bộ Trung ương Đoàn miền Nam làm chính trị viên. C100 ra đời được Trung ương Cục miền Nam giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trên tuyến đường từ khu VI về miền Đông.
Để đảm bảo nhân lực TNXP phục vụ chiến đấu, lãnh đạo Trung ương Đoàn chỉ thị cho các Tỉnh Đoàn có nhiệm vụ xây dựng Lực lượng TNXP đưa về Trung ương Đoàn, tiếp tục thành lập thêm các C TNXP theo yêu cầu hoạt của các đơn vị vũ trang chủ lực. Chỉ trong thời gian ngắn, Tỉnh Đoàn các tỉnh: Trà Vinh, Bình Dương, Tây Ninh, Bến Tre, Cà Mau, Long An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bà Rịa… đều lần lượt có Lực lượng TNXP đưa lên Trung ương Đoàn. Các đơn vị TNXP mang các mật danh như C Phú Lợi, C198, C2311 được thành lập phục vụ cho hoạt động Sư đoàn 9 - Quân giải phóng miền Nam.
Hoạt động của các đơn vị chủ lực Quân giải phóng miền Nam ngày càng lớn mạnh và rộng khắp các địa bàn. Lực lượng TNXP phục vụ chiến đấu ngày càng đông hơn. Vì vậy, nhất thiết phải có cơ quan lãnh đạo TNXP giải phóng miền Nam để lo nhiệm vụ tuyển quân, giáo dục huấn luyện, tổ chức, hậu cần, công tác chính trị tư tưởng thường xuyên, công tác hợp đồng phục vụ cho các đơn vị bộ đội chủ lực, thực hiện chính sách thương binh, tử sĩ…
Từ thực tế này, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo Ban Thường vụ Trung ương Đoàn thành lập Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam và Nghị quyết phân công đồng chí Trần Mậu Minh (Sáu Dũng) giữ chức chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tổng đội TNXP, tôi (Nguyễn Đức Toàn, lúc đó gọi Tư Dũng - NV), cán bộ Thanh vận tỉnh Trà Vinh rút lên năm 1961, lúc đó là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng đội Trưởng, Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam.
Sau khi nhận nhiệm vụ Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam, từ cơ quan Trung ương Đoàn, tôi đi ngay về C100, bộ phận tiền thân của Tổng đội TNXP thành lập vào 20/4/1965. Đa số cán bộ, đội viên của C100 là thanh niên từ cơ quan Trung ương đoàn miền Nam được phân công về đây, nên gặp nhau như người trong gia đình.
Sau khi nghe anh Sáu Dũng (Chính trị viên - Bí thư Đảng ủy Tổng đội) báo cáo tình hình, tôi quyết định phải lăn lộn với anh em một lúc thì mới hiểu đầy đủ hơn và từ đó mới thấy được những vấn đề cần đề xuất về chính sách, chế độ với Đảng ủy cho lực mới này. Lúc này, C100 đã đi xa, còn lại ở gần Tổng đội là 3 C gồm: C Phú Lợi, C198 và C2311. Do đó, tôi đề nghị cho tôi đi theo chiến dịch một lúc, anh Sáu Dũng chấp nhận ngay. Các anh lãnh đạo Tổng đội bố trí cấp cho tôi một chiến sĩ, mang theo một khẩu súng AK đi bảo vệ và cấp cho đồng chí bảo vệ một ruột tượng gạo, lương khô cần thiết, cấp tiền sinh hoạt phí hai tháng theo chế độ. Sáng hôm sau theo hướng hoạt động của F9, tôi và đồng chí bảo vệ thẳng tiến ra mặt trận. Trên đường đi khi qua chợ Cỏ Trách, tôi lấy tiền lãnh chế độ mua hết kim tây, kim may, chỉ, thuốc hút, trà, 01kg đường, 02 hộp sữa, một ít cục Magi (thứ này lúc đó ngon hơn bột ngọt)… Tôi đã sống ở rừng khá lâu nên biết khi đi chiến dịch lâu ngày anh em sẽ rất thiếu thốn và cần rất nhiều thứ.
Các thứ mua xong tôi giữ rất kỹ trong bồng bột (ba lô), khi nào cần thiết mới xài hoặc tặng cho các đồng chí mình. Tôi biết các đồng chí tuổi đời còn rất trẻ và mới tham gia cách mạng nên các đồng chí chưa có kinh nghiệm về phòng xa; chẳng hạn như khi mang nặng thì muốn ăn hết gạo cho gọn nhẹ.
Đặc điểm của Lực lượng TNXP là tổ chức phải có tinh thần quân sự hóa cao lại vừa có tính chất quần chúng rộng rãi. Đơn vị có cả nam lẫn nữ sống và phục vụ chiến đấu cùng chung với nhau trong một tập thể. Trong phục vụ chiến đấu, phụ nữ hơn hẳn nam giới về tính kiên trì, dẻo dai, tình cảm và sự chăm sóc đối với thương binh. Ngay việc nâng cáng thương binh lên và để cáng thương xuống trong lúc tải thương, phụ nữ làm cũng rất nhẹ nhàng êm thắm hơn nam giới. Khi anh em thương binh đã đến tay anh em TNXP là được anh em bảo vệ đến cùng, ngay cả việc nhường sữa, nhường đường, nhường từng hớp nước cho chiến thương, thậm chí, còn lấy thân mình che đạn cho chiến thương như cô đội viên TNXP Đoàn Thị Liên người nữ công nhân cao su ở C Phú Lợi. Có trận, các đội viên đã sử dụng tất cả trang bị bằng ny-lông, dây võng, dây tăng mà đội có được để làm thành phao bè căng qua 02 bờ sông làm điểm bám, rồi lần lượt nhiều đội viên ngâm mình dưới nước, đẩy chuyển 60 thương binh vượt sông La Ngà an toàn ngay trong đêm. Hay như trận chuyển 40 thương binh vượt suối Bà Hảo, các đội viên thay nhau đứng dưới suối làm trụ cầu, lót cây trên vai cho đồng đội khiêng thương binh qua suối… Cử chỉ và tình thương đó của Lực lượng TNXP đối với bộ đội bị thương, sau này có nhạc sĩ đã viết nên câu hát vô cùng xúc động “Em không để vết thương anh rỉ máu hai lần”. Trong phục vụ chiến đấu đội viên nam sẵn sàng gồng gánh việc nặng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đội viên nữ khi đụng địch phải chiến đấu. Trong khi đó, đội viên nữ lại rất tận tình chăm sóc lo lắng cho đội viên nam từng bát canh rau rừng, vá cho các anh từng cái quần, cái áo…
Đúng như tôi nhận định ban đầu, Lực lượng TNXP hầu hết là các đội viên trẻ, có nhiều đội viên nữ nên chưa có kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị tư trang đi phục vụ chiến trường dài ngày.
Đi phục vụ chiến trường là quần, áo bị rách liên tục. Nhiều đồng chí đội viên nữ trước khi tham gia TNXP ở gia đình nghèo, chỉ có vài ba bộ quần áo. Thế nhưng phổ biến trong một tiểu đội chỉ có một cây kim may, các đồng chí lo sợ chỉ còn cây kim cuối cùng mà bị gãy thì khốn khổ. Do vậy, khi đến các C, mỗi C tôi cho hai vĩ (một vĩ hai lố 24 cây) kim may đít vàng (kim may tay loại tốt vào thời đó), 05 cuồn chỉ, các đồng chí đội viên nữ mừng đến nỗi các cô nhảy tưng tưng như nhận được vàng. Chưa hết, sau đó tôi cho mỗi C thêm 15 cây kim tây, đây là một loại đồ dùng đặc biệt mà chị em phụ nữ rất cần khi có kinh nguyệt. Các cô đồng thanh xúc động: “hoan hô chú Tư, cho cháu xin, cho cháu chia, cháu biết ai còn ai thiếu”; rồi các cô lén nói nhỏ với nhau: “không dè chú Tư hiểu về sinh hoạt của nữ tụi mình và quan tâm đến chúng mình như thế”.
Trường THCS Nguyễn Đức Toàn. Ảnh: TRẦN ĐIỀN
Rồi các cô bắt đầu đàm tếu không ngớt miệng:
- Ổng là Tổng đội Trưởng đó mầy ơi.
- Con xin má, sao mà rành quá vậy.
- Tổng đội trưởng là chức vụ chính quyền, còn về Đảng ổng là Phó Bí thư Đảng ủy Tổng đội đó bà chị ơi !
- Vậy sao? Sao ổng ốm nhom vậy mà cũng dám đi tới đây để thăm chị em tụi mình?
- Ông này làm lớn vậy mà tao thấy không ngán như ông Đại Đội trưởng của mình mầy ơi !
- Tối nay không đi công tác tụi mình kéo lại chỗ ổng chơi, ổng nói chuyện nghe mê lắm, tao nghe ổng nói rồi, bữa ổng huấn thị cho đơn vị ra quân hùng hồn ghê lắm, ổng nói còn lên tay, lên chân, tao dòm ổng không nháy mắt, nghe nói ổng người Trà Vinh…
- Chừng nào hết giặc tao về Trà Vinh làm… dâu ổng được không mậy?
- Ở C mình có nhiều anh chị dưới Trà Vinh lên, các anh toàn dân đẹp trai. Hổng chừng trong mấy anh đó có con trai của ổng, mầy hỏi kỹ rồi cho tao biết với nhe !
Cả nhóm cười khúc khích, đấm nhau thụi thụi. ..
Sau nhiều lần đi hành quân dài ngày cùng với đơn vị, tôi hiểu thấu đáo tinh thần quả cảm và sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam mà tôi là người chỉ huy trực tiếp. Lần này, tôi quyết định trực tiếp tham gia cùng các đồng chí phục vụ một trận đánh để tai nghe mắt thấy một cách tường tận sự hy sinh và tinh thần quả cảm đó của TNXP. Tôi tham gia cùng với đơn vị phục vụ trận đánh Nhà Đỏ Bông Trang.
Trận đánh này đơn vị TNXP của chúng tôi có nhiệm vụ phục vụ cho đội hình Sư đoàn sư đoàn 9 của ta đánh tập kích vào căn cứ của một Lữ đoàn bộ binh Mỹ đóng tại Nhà Đỏ Bông Trang (thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ngày nay), vào đêm 23/02/1966. Hệ thống bố phòng căn cứ quân sự này của Mỹ rất chặt chẽ, có khả năng kềm chế đối phương ở cự ly bán kính đến 40 km. Tôi cùng với một đại đội TNXP đi theo Chỉ huy Sở Hậu cần của Sư đoàn 9. Vào đến trận địa, chúng tôi cử một tổ TNXP nhanh chóng triển khai việc đào hầm cho Chỉ huy sở.
Hầm đào chưa kịp xong thì đúng ba giờ sáng, quân ta bắt đầu nổ súng. Thông thường, khi phục vụ chiến đấu, Lực lượng TNXP đảm nhận các công việc sau đây:
- Tải đạn trên đường hành quân đến địa điểm hợp đồng giao cho bộ đội. Về mặt chiến thuật mà nói, khi đánh với quân Mỹ, quân ta phải dùng hỏa lực nhiều, cơ số đạn lớn nên sức mang vác của một chiến sĩ trên đường hành quân không đủ đáp ứng cho một trận đánh. Lực lượng TNXP đảm nhận nhiệm vụ vận tải này. Trong chiến đấu, hậu cần phục vụ vận tải lương thực, khí tài cho quân đội Mỹ, chúng sử sụng xe hơi và máy bay vận tải hiện đại, còn ta muốn đánh thắng Mỹ thì phải vận tải bằng đôi vai trần và đôi chân vạn dặm của Lực lượng TNXP. Thật là kỳ diệu!
- Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tải đạn ra chiến trường, Lực lượng TNXP trở thành Lực lượng tải thương và chia làm ba tuyến: Tuyến 1 gồm có Lực lượng mạnh khỏe, nhanh nhẹn, quả cảm, quen với bom đạn. Lực lượng này theo sát với đơn vị bộ đội chiến đấu. Khi có thương binh, tử sĩ, TNXP tuyến 1 khiêng ra cho tuyến 2. Tuyến 2 là trung chuyển về tuyến 3. Tuyến 3, ở đây có đội phẫu thuật của quân y gọi là bệnh viện dã chiến (hoặc quân y tiền phương).
- Sau trận đánh, Lực lượng TNXP cuống dần, tiếp tục khiêng thương binh, tử sĩ về phía sau và đưa đến nơi an toàn. Tuyến 3 thông thường có thêm Lực lượng dân công hỏa tuyến. Trong trận đánh này, Sư đoàn 9 phải bố trí lực lượng phòng không kềm chế máy bay Mỹ để bảo vệ đội hình tải thương của Lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến trên đoạn đường thật dài suốt cả ba tuyến.
Đánh với Mỹ, quân ta có phương châm là tập trung hỏa lực giải quyết thật nhanh chiến trường - vì chỉ sau khoảng một giờ nổ súng là chúng có máy bay các loại đến tiếp viện. Trận Nhà Đỏ Bông Trang, ta nổ súng lúc 3 giờ sáng, đến 4 giờ sáng kết thúc. Toàn đơn vị tham chiến và Lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến phải vận động rút hết quân vào rừng trước khi trời mờ mờ sáng. Khoảng 4 giờ 30, khi sương sớm còn đọng dưới trời rạng đông, mây ửng hồng vén bóng đêm, rạng sáng thì máy bay Mỹ đến tiếp cứu đồng bọn bay dày đặc bầu trời như bầy chuồn chuồn. Trời vừa sáng rõ, trực thăng Mỹ đổ quân ngay và pháo bắn cấp tập theo các đường chúng đoán là quân ta rút lui. Tình huống này đơn vị đã tính trước khi sinh hoạt chiến lệ trận đánh.
Các đồng chí trong đơn vị tôi hoàn thành nhiệm vụ khiêng tải chiến thương cho đơn vị tiếp nhận, về đến đơn vị lúc 11 giờ. Về đến đơn vị, các đồng chí ăn cơm xong, chợp mắt tí đến 15 giờ phải thức dậy nấu cơm gói sẵn cho mỗi người rồi cho nước vào bình ton, lại tiếp tục di chuyển thương binh. Thông thường khi phục vụ cho một trận đánh, có trận số thương binh, tử sĩ nhiều phải chuyển tải 4, 5 ngày mới xong, có trận chỉ chuyển tải một, hai ngày là xong.
Đã ra trận thì bom, pháo Mỹ nó không biết phân biệt người đánh nó với người tải thương mà trên thế giới người ta gọi là Hồng thập tự nên bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến đều hứng bom đạn, bị thương vong như nhau.
Mười năm phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm (1965 - 1975), Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, có hơn 600 đội viên hy sinh, hơn 500 đội viên khác bị thương. Máu xương của các đồng chí đã góp phần xây dựng nên “Huyền thoại” của Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam “Phục vụ quên mình - Anh dũng xung phong - lập công vẻ vang”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch nước đã phong tặng Tổng đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam, Đại đội Ấp Bắc và 10 liệt sĩ Thanh niên xung phong danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Với cương vị người từng đảm trách vai trò Tổng đội trưởng TNXP giải phóng miền Nam, tôi cảm thấy hãnh diện với thành tích vẻ vang của đồng đội”(2)
“Tôi có đến 14 năm (1963 - 1977) công tác chung với anh Tư Toàn ở cơ quan Trung ương Đoàn miền Nam với nhiệm vụ là cấp dưới của anh, nhất là trong thời kỳ Trung ương Đoàn hoạt động trên chiến khu miền Đông, tôi và anh Tư Toàn có rất nhiều kỷ niệm đẹp trong đời…
Trong chiến công vẻ vang của Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam có công lao đóng góp đầy nhiệt huyết của anh Tư Toàn - Đồng chí Nguyễn Đức Toàn - Nguyên Tổng đội trưởng, kiêm Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tổng đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam”(3) - Ông Nguyễn Minh Triết nguyên Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cảm tưởng!
Tháng 9/1982, ông Nguyễn Đức Toàn, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam được Ban Bí thư Trung ương Đảng phân công nhiệm vụ Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam tại tỉnh Kompongspư, Campuchia.
Tháng 10/1986, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ IV, ông được bầu giữ chức Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy.
Tại xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải, quê hương ông, có một ngôi trường mang tên ông - Trường THCS Nguyễn Đức Toàn.
TRẦN ĐIỀN
(1) Theo “Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 6”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật 2011, tr 404
(2), (3) Theo “Người con đất Giồng Thị” - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, tháng 8/2017 và tài liệu điền giả của người viế.
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.