16/09/2020 07:40
Cô Nguyễn Thị Kim Phượng trong lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Ảnh: TL |
Tốt nghiệp THPT năm 1988, đến năm 1989 cô Phượng thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Cửu Long (tỉnh Cửu Long) chuyên ngành Sư phạm lịch sử. Năm 1991, cô tốt nghiệp cao đẳng và được phân công giảng dạy tại Trường THCS Mỹ Cẩm cho đến nay. Gần 30 năm gắn bó với nghề, cô Phượng luôn cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.
Cô Phượng chia sẻ: “Những năm chín mươi, cuộc sống của người dân xã Mỹ Cẩm rất cơ cực, phương tiện đi lại chủ yếu là đường thủy, lộ đất thì bùn sình, lầy lội, nhiều cầu khỉ; trình độ học vấn của người dân còn hạn chế. Trăn trở trước những khó khăn của quê hương, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng say mê với nghề, tôi muốn mang kiến thức, đem cái chữ đến với học sinh (HS) vùng quê nghèo. Để ước mơ trở thành hiện thực, tôi luôn ra sức phấn đấu học tập tốt trong thời gian ngồi trên ghế giảng đường và ngay từ những năm đầu về công tác tại Trường THCS Mỹ Cẩm, tôi cố gắng khắc phục mọi khó khăn và đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu, phải cố gắng tự học, tự rèn để trở thành tấm gương sáng cho HS noi theo”.
|
Những năm đầu mới ra trường, kinh nghiệm giảng dạy chưa có, cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn, điều kiện đi lại vất vả, song, cô Phượng vẫn kiên trì bám trụ, không ngừng cố gắng, phấn đấu vượt qua. Trong quá trình giảng dạy, ngoài việc học hỏi đồng nghiệp, cô Phượng tự bồi dưỡng, tự học tập hoàn thành chương trình Đại học sư phạm Lịch sử. Tự tìm tòi học hỏi thêm về chuyên môn, nghiệp vụ qua sách báo, qua các tài liệu và các lớp bồi dưỡng, tích cực dự giờ, thao giảng, đồng thời nhiệt tình tham gia các công tác công tác đội, công tác xã hội của trường học, quản lý tổ chuyên môn, hành chính văn phòng… để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cô Phượng luôn bám sát kế hoạch và nhiệm vụ năm học của ngành, ứng dụng những thành quả từ những năm học trước để xây dựng cho bản thân kế hoạch hoạt động cụ thể, kết hợp lồng ghép giáo dục kỹ năng sống để giáo dục đạo đức, giúp HS hình thành và hoàn thiện nhân cách, hướng cho các em trở thành người có ích cho xã hội.
“Tôi nghĩ, người giáo viên muốn dạy tốt, ngoài việc có kiến thức, có năng lực, đòi hỏi phải có sự kiên trì, nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Để làm được đều này, việc đầu tiên là tôi thu thập đầy đủ thông tin về HS, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng em, thường xuyên đến thăm để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các em, rồi lên kế hoạch giảng dạy và giáo dục phù hợp. Trong quá trình giảng dạy, tôi thường xuyên theo dõi để nắm bắt sự tiến bộ của từng em, từ đó, có kế hoạch bồi dưỡng và giúp đỡ các em kịp thời. Tôi rất chú trọng việc động viên, tuyên dương các em dù chỉ là một thành tích nhỏ nhằm khích lệ tinh thần, để các em ra sức phấn đấu nhiều hơn. Trong giảng dạy, tôi luôn tìm tòi, học hỏi, trau dồi và áp dụng những phương pháp mới, sáng tạo phù hợp với các em, luôn lấy lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo làm đầu, tạo sự thoải mái, nhẹ nhàng để các em thực sự cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui, mỗi ngày đến trường là một niềm hạnh phúc” - cô Phượng chia sẻ.
Không dừng lại đó, hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” do ngành giáo dục phát động, quá trình giảng dạy, cô Phượng tự bồi dưỡng, tìm hiểu và vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, tổ chức nhiều hình thức học tập khác nhau, tự làm đồ dùng dạy học, tìm hiểu năng lực học tập của từng HS, khơi dậy cho các em sự hứng thú, say mê học tập, tự tìm tòi, khám phá kiến thức và vận dụng vào bài học sinh động hơn. Cùng với đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề từng năm luôn là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình công tác và trong cuộc sống của cô Phượng, nhất là thực hành tiết kiệm, không lãng phí, không chạy theo thành tích, chú trọng tính công bằng, khách quan trong dạy và học, trong đánh giá kết quả học tập của HS.
Trong công tác quản lý tổ chuyên môn và thực hiện nhiệm vụ Phó Chủ tịch Công đoàn trường, cô luôn hòa đồng, thương yêu giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau tiến bộ, lắng nghe và mạnh dạn đề xuất ý kiến, áp dụng nhiều phương pháp, đổi mới hình thức trong sinh hoạt tổ chuyên môn và sinh hoạt công đoàn, đa dạng hóa các hình thức hoạt động nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào dạy học của tổ chuyên môn và hoạt động công đoàn ngày càng phát triển, góp phần xây dựng nhà trường phát triển (năm học 2016 – 2017; 2017 - 2018, Trường THCS Mỹ Cẩm được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua; Công đoàn trường đạt vững mạnh xuất sắc hàng năm). Năm 2019, Trường THCS Mỹ Cẩm được công nhận “Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1”.
Cô Nguyễn Thị Kim Phượng (bên trái) cùng với giáo viên, nhân viên Trường THCS Mỹ Cẩm vệ sinh trường lớp chuẩn bị cho năm học 2020 - 2021. Ảnh: KL
Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Cẩm cho biết: “Gần 30 năm đứng trên bục giảng, cô Phượng luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Cô Phượng rất có tài năng sư phạm, có công trong sự nghiệp giáo dục, giảng dạy ở Trường THCS Mỹ Cẩm nói riêng, của ngành giáo dục nói chung; chất lượng giảng dạy tốt, hiệu quả cao. Bên cạnh đó, cô Phượng còn có nhiều đóng góp trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho trường nhiều HS giỏi, giáo viên giỏi, bản thân cô có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm được áp dụng đạt hiệu quả trong công tác giảng dạy. Với năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục HS, luôn gương mẫu, hoàn thành xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cô Phượng luôn được đồng nghiệp, HS và Nhân dân thương yêu, kính trọng, cô thực sự là tấm gương sáng cho HS và đồng nghiệp noi theo”.
Với kinh nghiệm gần 30 năm đứng trên bục giảng, cô Phượng cho biết, không có thành công nào đến dễ dàng ngoài con đường học tập, rèn luyện và trải qua thử thách. Theo cô Phượng, đầu tiên phải nêu cao ý chí, tự lực, tự cường, tự rèn luyện, trau dồi và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, hết lòng, hết sức với nghề; luôn giữ gìn phẩm chất chân chính của một nhà giáo, sắp xếp việc nhà, việc trường một cách chu đáo để khi đứng trên bục giảng có một tâm thế vững vàng, tự tin. Bí quyết trong nghề nghiệp giáo viên của cô chính là lắng nghe, chia sẻ với HS dù chỉ là những vấn đề rất nhỏ, tạo cho các em niềm tin yêu và từ đó chia sẻ, gửi gắm những ước mơ, hoài bão trong thế giới của trẻ thơ, của lứa tuổi học trò.
Cô Phượng vui vẻ nói: “Đạt được những kết quả trên, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, tôi còn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp, sự hỗ trợ hết mình của lãnh đạo nhà trường, của các tổ chức đoàn thể ở địa phương cùng tất cả bạn bè đồng nghiệp… đó là sự động viên, cổ vũ rất lớn về mặt tinh thần để tôi vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi sẽ phấn đấu, tiếp tục tự học tập và tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và chuyên môn để xứng đáng với niềm tin yêu của đồng nghiệp và của HS. Tôi nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của địa phương nói riêng và cho ngành giáo dục nói chung, để xứng đáng là tấm gương sáng cho HS học tập và noi theo”.
KIM LOAN
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.