03/02/2024 08:56
Triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cùng với việc thành lập lực lượng vũ trang làm nòng cốt hỗ trợ phong trào Nhân dân nổi dậy diệt ác ôn, phá thế kềm kẹp của chính quyền Mỹ - Diệm, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Văn Long (Mười Dài, 1925 - 2008), quê quán xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú chỉ đạo ngành Tuyên huấn và Tổ chức Tỉnh ủy đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ nhằm nâng cao trình độ nhận thức, tư tưởng, trình độ lãnh đạo, tuyên truyền, tổ chức vận động Nhân dân cùng với Đảng đứng lên làm cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Xuất phát từ quyết tâm đó, giữa năm 1959, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh nghị quyết thành lập Trường Đảng trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh và phân công đồng chí Tăng Hồng Phúc (Sáu Đức), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn - Tổ chức Tỉnh ủy phụ trách.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn - Tổ chức tỉnh Tăng Hồng Phúc phân công đồng chí Lê Thanh Nhàn (Ba Râu), 1932 - 2014, quê quán xã Nhị Long huyện Càng Long, Trà Vinh, cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh lúc bấy giờ, biên soạn tài liệu tập huấn học viên Trường Đảng tỉnh với một số nội dung có thể kể:
- Tình hình nhiệm vụ cách mạng miền Nam.
- Phương châm tổ chức đấu tranh cách mạng trong tình hình mới theo Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II.
- Nhiệm vụ đảng viên.
- Năm bước công tác vận động quần chúng của Đảng.
- Công tác xây dựng Đảng bộ, kiện toàn chi bộ.
- Khí tiết của người cộng sản.
Qua những lớp huấn luyện như vậy, Trường Đảng thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh đã kịp thời trang bị cho cán bộ ở cơ sở những kiến thức về đường lối cách mạng ở miền Nam, phương pháp cách mạng của Đảng và những chỉ đạo cụ thể của Tỉnh ủy Trà Vinh đối với tình hình cách mạng ở địa phương (Theo: “Lịch sử tỉnh Trà Vinh Tập Ba (1954 - 1975)” - Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh ấn hành năm 2005, trang 61).
Tài liệu huấn học cho Trường Đảng về công tác quần chúng của Chi bộ trong kháng chiến đã được Ban Tuyên huấn tỉnh dịch sang chữ Khmer 17 trang khổ 20 x 30cm (ảnh bên phải) - Hiện vật lưu trữ tại Bảo tàng văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Trần Điền |
Sau lớp học đầu tiên được mở tại căn cứ kháng chiến xã Long Toàn, huyện Duyên Hải (nay là thị xã Duyên Hải), Trường Đảng tỉnh liên tiếp mở các lớp huấn luyện cán bộ, mỗi lớp có từ 20 đến 30 học viên là cán bộ cốt cán các ngành tỉnh, huyện và Bí thư, cấp ủy viên Chi bộ xã từ các địa phương trong tỉnh gởi về. Thời gian mỗi lớp học kéo dài tứ 01 tháng rưỡi đến 02 tháng.
Sau khi thành lập Trường Đảng tỉnh, Tỉnh ủy chỉ đạo tách Ban Tuyên huấn - Tổ chức Tỉnh ủy ra làm hai Ban - Ban Tuyên huấn và Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Đồng chí Tăng Hồng Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy tiếp tục giữ chức Trưởng Ban Tuyên huấn, đồng chí Lê Thành Nhàn được Tỉnh ủy đề bạt giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, được phân công phụ trách Trường Đảng. Đầu năm 1960, đồng chí Phạm Văn Kiết (Năm Vận, 1929 - 1996), quê quán xã Long Điền, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy được Khu ủy đề bạt chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, thay đồng chí Tăng Hồng Phúc được Khu ủy điều động về Khu ủy nhận công tác khác.
Căn cứ vào thực tế tình hình công tác tuyên huấn ở địa phương trong kháng chiến, từ năm 1960, Tỉnh ủy Trà Vinh thành lập 07 tiểu ban/bộ phận chuyên môn trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh theo tinh thần Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 29/6/1951, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về việc thành lập các tiểu ban trong Ban Tuyên huấn Trung ương”, trong đó có Tiểu ban Huấn học. Trường Đảng tỉnh được đặt trong Tiểu ban Huấn học do đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh Lê Thanh Nhàn trực tiếp phụ trách.
Năm 1961, đồng chí Lê Thanh Nhàn, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn - Phụ trách Trường Đảng tỉnh được đề bạt vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1961 - 1965. Năm 1962, Tỉnh ủy điều động đồng chí Lê Thanh Nhàn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn - Phụ trách Trường Đảng tỉnh về giữ chức Bí thư Huyện ủy Châu Thành (tỉnh Trà Vinh), đồng chí Bùi Duy Quang (Tư Đế, 1920 - 1971), quê quán xã Long Hữu, huyện Cầu Ngang (nay thị xã Duyên Hải), được Tỉnh ủy đề bạt giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh và được Tỉnh ủy phân công phụ trách Tiểu ban Huấn học - Phụ trách Trường Đảng tỉnh thay đồng chí Lê Thanh Nhàn.
Mật độ chiến tranh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cứ mỗi năm tăng thêm sự ác liệt qua 04 chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ - Chiến lược “Chiến tranh đơn phương” (1954 - 1960); Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965); Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968); Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1972), Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn tỉnh chỉ đạo Tiểu ban Huấn học - Trường Đảng tỉnh khắc phục khó khăn, liên tiếp mở các lớp đào tào cán bộ về tư tưởng và tổ chức cho phong trào cách mạng trong tỉnh.
Năm 1963, Tỉnh ủy điều động đồng chí Nguyễn Văn Thới (Việt Quốc, 1917 - 1996), quê quán xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn huyện Vũng Liêm về Ban Tuyên huấn tỉnh và được phân công làm cán bộ Tiểu ban Huấn học - Trường Đảng tỉnh. Năm 1970, đồng chí Bùi Quang Huy (Chín Nhỏ - 1941), quê quán xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Văn phòng Ban Tuyên huấn, được Tỉnh ủy đề bạt giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh, thay đồng chí Bùi Duy Quang, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh được tổ chức điều động nhận nhiệm vụ khác tại Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ; Đồng chí Nguyễn Văn Thới được Tỉnh ủy đề bạt giữ chức Ủy viên Ban Tuyên huấn, Trưởng Tiểu ban Huấn học - Phụ trách Trường Đảng tỉnh.
Năm 1974, đồng chí Nguyễn Văn Thới, Trưởng Tiểu ban Huấn học - Phụ trách Trường Đảng tỉnh được Khu ủy điều động về công tác tại Trường Đảng Ban Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ, đồng chí Lê Văn Cơ (Tư Rẫy), cán bộ từ miền trung vào, Phó Tiểu ban Huấn học được Tỉnh ủy đề bạt giữ chức Ủy viên Ban Tuyên huấn, Trưởng Tiểu ban Huấn học - Phụ trách Trường Đảng tỉnh.
Cùng với Trường Đảng tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức Tỉnh ủy chỉ đạo Huyện, Thị ủy và Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức các Huyện, Thị ủy thành lập ở mỗi địa phương một Trường Đảng cấp huyện trực thuộc Huyện/Thị ủy, đào tạo cán bộ, đáp ứng phong trào cách mạng ở mỗi địa phương.
Hàng trăm lượt đồng chí cấp ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện được Tiểu ban Huấn học - Trường Đảng tỉnh, huyện mời làm cán bộ “thỉnh giảng” của Trường Đảng suốt thời gian trường tồn tại hoạt động trong căn cứ phục vụ kháng chiến.
Đội bảo vệ vũ trang Tiểu ban Huấn học - Trường Đảng tỉnh, ngoài nhiệm vụ đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp, chỗ nơi ăn, ở, lương thực, thực phẩm, công sự tránh bom, pháo cho cán bộ thỉnh giảng và học viên, các đồng chí còn chiến đấu rất anh dũng, cùng quân dân địa phương bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của quân địch, bảo vệ an toàn căn cứ, cán bộ thỉnh giảng và học viên của Trường Đảng tỉnh.
16 năm (1959 - 1975) làm công tác huấn luyện cán bộ về tư tưởng, chính trị và tổ chức, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và Ban Tuyên huấn/Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong sự đùm bọc, che chở của Nhân dân các địa phương Tiểu ban Huấn học - Trường Đảng tỉnh đóng quân như: ấp Phước Bình, xã Long Toàn; Ấp 15, xã Long Hữu; ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải; ấp Rạch Cát, xã Đại Phước, huyện Càng Long; ấp Rạch Đùi, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, ấp Nhì, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần..., 23 cán bộ, chiến sĩ (23 cán bộ, chiến sĩ Tiểu ban Huấn học - Trường Đảng tỉnh trong kháng chiến (chưa đầy đủ, còn đang sưu tập), gồm:
Lê Thanh Nhàn, (Ba Râu), Bùi Duy Quang (Tư Đế), Nguyễn Văn Thới, (Việt Quốc), Trần Văn Mưu, Lê Văn Cơ (Tư Rẫy), Nguyễn Hữu Thế (Năm Bình), Nguyễn Hữu Đấu, Phan Thành Công (Sáu Thợ), Achar Kim Sim (Chín Soái), ...Văn Chín Thành, Võ Thành Có, Trần Văn Cao, Trần Bách Chiến, Nguyễn Ngọc Tiếp, Nguyễn Thị Hoài Thơ, ... Văn Năm Tiến, ... Văn Vụ, Huỳnh Văn Tiến (Rễ ông Hai Thanh Duyên Hải),...Văn Phương, ... Văn Hiểu,... Thị Năm Dương, ... Văn Chậm...) Tiểu ban Huấn học - Trường Đảng, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng quân dân miền Nam đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Ngọc Tiếp (1950 - 2015), Trưởng đội bảo vệ và bà Nguyễn Thị Hoài Thơ (1950), y tá Tiểu ban Huấn học - Trường Đảng tỉnh, kết hôn với nhau khi hai người công tác chung với nhau tại Trường Đảng tỉnh, hiện nay bà đang sinh sống tại Phường 7, thành phố Trà Vinh. Trò chuyện với tôi, ôn lại tình cảm đồng chí trong những năm công tác tại Tiểu ban Huấn học - Trường Đảng tỉnh, bà Nguyễn Thị Hoài Thơ nhắc tên rành rẽ từng đồng đội như nhắc người thân trong gia đình.
Sau năm 1975, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Tiểu ban Huấn học - Trường Đảng tỉnh, Trường Đảng các huyện, thị đều đã được Chính phủ tặng, truy tặng Huân, Huy chương các hạng.
TRẦN ĐIỀN (sưu khảo)
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.