31/03/2021 07:00
Tỉnh Trà Vinh gồm cộng đồng dân cư các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa có truyền thống đấu tranh vẻ vang, oai hùng được hình thành và phát triển bởi sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư trong suốt chiều dài lịch sử: khai phá, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Trà Vinh. Trong chiến tranh, Nhân dân Trà Vinh cùng Nhân dân cả nước đã chiến thắng những kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Trong hòa bình, Nhân dân Trà Vinh đã chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Đồng bào các dân tộc đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo để vùng đất mà họ khai phá từ những thế kỷ trước dần thay da đổi thịt.
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" vốn tồn tại trong mạch nguồn văn hóa dân tộc và phương châm "ôn cố tri ân", nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về đất đai, về quê hương cội nguồn, về các bậc tiền bối cho các thế hệ hôm nay và mai sau, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo biên soạn tập sách "Nhân vật chí tỉnh Trà Vinh" nghiên cứu về những nhân vật hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Trà Vinh hoặc sinh ra ở Trà Vinh đã thành danh ở nơi khác.
Quyển sách "Nhân vật chí tỉnh Trà Vinh" (tập 2) tiếp tục giới thiệu chân dung của 43 nhân vật vốn là những người con tiêu biểu của quê hương Trà Vinh đã sống và chiến đấu anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Mỗi nhân vật được ghi chép ngắn gọn súc tích, cô đọng với những nét đại thể giúp người đọc hình dung trọn vẹn về cuộc đời và chiến công của nhân vật lịch sử đất Trà Vinh. Bên cạnh đó tập thể biên soạn cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc sưu tầm ảnh chân dung của một số nhân vật còn lưu lại di ảnh nhằm làm sinh động thêm cho tài liệu.
Trong số các nhân vật được giới thiệu người đọc có dịp tìm hiểu thêm về hành trạng của những người anh hùng đất Trà Vinh đã được trân trọng đặt tên đường ở nội thị thành phố Trà Vinh như: Kiên Thị Nhẫn, Tô Thị Huỳnh… một số nhân vật khác đã được chọn đặt tên cho trường học như: Đoàn Công Chánh, Hồ Thị Nhâm, Nguyễn Văn Hai…
Ngoài việc đề cập đến những anh hùng trong đấu tranh chống giặc, "Nhân vật chí tỉnh Trà Vinh" (tập 2) cũng đã đề cập đến những nhân vật trên địa hạt văn hóa, như Nhà văn Trần Hữu Độ, tác giả nhiều sách viết bằng chữ Quốc ngữ vào buổi đầu và các tác phẩm của ông có ảnh hưởng rất lớn trong sinh hoạt học thuật nước ta với các tác phẩm chính: Cách làm giàu (1924), Cây dù gãy của nước Việt Nam (1925), Tiếng chuông truy hồn (1925), Anh hùng tạo thời thế (1926), Hồi trống tự do (1926), Tờ cớ mất quyền tự do (1926), Thần quyền lợi (1927). Tinh thần tự trợ (1927), Thanh niên tu độc (1928). Biện chứng pháp (1936), Mười một công thức của Karl Marx làm cơ sở Duy vật sử quan (1936), Đế quốc chủ nghĩa (1937)…
Nhạc sư Hai Phát (Hồng Tấn Phát) đã sáng tác nhiều bài hát trên nền những bài bản có sẵn, kể cả việc sáng tác nhiều bài hát mới, trong đó có bài Bình sa lạc nhạn… Nhân vật Nguyễn Phước Cường (Sáu Cường) là cảm hứng cho nhiều nhà văn sáng tác truyện ký như Đặng Tấn Đức, Trần Dũng…
Cuốn sách "Nhân vật chí tỉnh Trà Vinh" (tập 2) góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu cho các cuốn sách Lịch sử tỉnh Trà Vinh đã xuất bản trước đó. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
TRẦM THANH TUẤN
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.