13/04/2024 09:11
Ông Thạch Voi (bên phải), quê quán xã Đại An, huyện Trà Cú, và Achar Kim Sim (Chín Soái), quê quán xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, vận động, tổ chức, huấn luyện, thành lập Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh năm 1963. (Ảnh tư liệu truyền thống Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh - Trần Điền chụp lại)
Chị Trần Thị Hồng Thu (sinh năm 1950), Trưởng văn phòng Chi bộ xã Ngũ Lạc, bước sang phòng làm việc Đài Minh Ngữ tỉnh Trà Vinh, bộ phận xã Ngũ Lạc (xem thêm: “Đài Minh ngữ Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh: 15 năm vững vàng cánh sóng kháng chiến”), gặp tôi và nói:
- Tối nay, Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh biểu diễn phục vụ ông lục (sư sãi, chư tăng) chùa Trà Khúp mừng vô năm mới (Chôl Chnam Thmây), chú Năm (ông Nguyễn Minh Vĩnh, Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ xã Ngũ Lạc năm 1972 - 1974 - người viết), mời anh đi dự để đưa tin về Đài Phát thanh giải phóng.
Tôi giật mình. Chùa Trà Khúp đang trong vùng giặc kiểm soát (vùng kềm) thuộc ấp Trà Khúp, xã Ngũ Lạc. Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh vào trong đó bằng cách nào đảm bảo an toàn cho diễn viên để biểu diễn văn nghệ phục vụ ông lục được. Lạ quá, tôi sốt sắng nhận lời.
Người sinh hoạt “chiến lệ” cuộc hành quân đưa Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh vào biểu diễn phục vụ ông lục chùa Trà Khúp, là đồng chí xã đội trưởng - Anh báo cáo tình hình tự tin và dứt khoát:
- Chùa Trà Khúp là địa điểm Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh biểu diễn, đã có đồng chí Thạch Khanh, Phó Bí thư Chi bộ bí mật “ém” sẵn trong đó cùng với ông Lục cả tổ chức sân khấu và đèn “măng song”. Để tránh đồn bót địch, một bộ phận thật gọn diễn viên Đoàn Ánh Bình Minh tập trung tại bến xuồng Ấp 15, xã Long Hữu chờ trời tối khuất mình, đoàn sẽ bắt đầu hành quân băng đồng qua Ấp 14, xã Long Hữu rồi đi xuống chùa Trà Khúp phía mặt trời lặn.
- Kế hoạch bảo vệ an toàn cho đoàn phục vụ được các đơn vị địa phương quân huyện Cầu Ngang, một đơn vị Tiểu đoàn 509, địa phương quân tỉnh và du kích xã Long Hữu, canh gác các hướng địch có thể xuất phát. Đại đội du kích xã Ngũ Lạc làm nhiệm vụ “nằm đường” từ Ấp 15 qua Ấp 14, đưa đoàn vào đến chùa Trà Khúp. Trong lúc đoàn biểu diễn phục vụ ông lục và đồng bào Khmer trong chùa, địch kéo đến từ hướng nào thì đơn vị canh gác hướng đó nổ súng ngăn chặn địch. Tức thời, đoàn sẽ ngưng biểu diễn rút ra theo hướng vào, trên đường rút lui có lực lượng du kích “nằm đường” yểm trợ. Ám hiệu quân ta trong đêm “khăn trắng buộc cánh tay trái”, mật hiệu “tròn bảy”...
Cuộc hành quân đưa một bộ phận diễn viên Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh vào biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào và sư sãi chùa Trà Khúp bắt đầu khi màn đêm vừa buông xuống.
Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi 14/9/1960, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã mở ra giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân miền Nam. Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh cũng được thành lập ngay sau đó trong niềm hân hoan, tin tưởng vào sự tất thắng trong cuộc kháng chiến chồng Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Acha Lovis Sarath (À cha Lui sa rat) 1928 - 1998 - một trí thức dân tộc trong Phật giáo Khmer tiêu biểu được suy cử giữ chức Chủ tịch và chọn chùa Bãi Xào Chót, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú làm trụ sở giao tiếp. Khắp xóm thôn vùng giải phóng Trà Vinh lúc bấy giờ, đâu đâu cũng vang lên lời ca:
“…Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng
Vùng lên xông pha vượt qua bảo bùng
Thề cứu lấy nước nhà
Thề hy sinh đến cùng
Cầm gươm, ôm súng ta xông tới
Vận nước đã đến rồi
Bình minh chiếu khắp nơi
Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”.
Để khơi dậy tinh thần yêu nước, động viên sức người, sức của cho kháng chiến, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh lúc bấy giờ căn cứ tại xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, thành lập hai Đoàn văn công Việt - Khmer của tỉnh nhằm cổ vũ phong trào kháng chiến và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ cách mạng của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Việt - Khmer vùng giải phóng trong tỉnh.
Thực hiện quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ năm 1962, đồng chí Thạch Voi, quê quán xã Đại An, huyện Trà Cú, Phó Ban Tuyên huấn tỉnh và Achar Kim Sim (Chín Soái), quê quán ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, huyện Cầu Ngang (nay huyện Duyên Hải), là một tu sĩ trí thức trong Phật giáo người dân tộc Khmer vừa hoàn tục đi kháng chiến, đang là cán bộ văn nghệ Ban Tuyên huấn tỉnh, được Tỉnh ủy phân công thành lập Đoàn văn công Khmer thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh.
Sau gần 01 năm, vận động, tổ chức, huấn luyện, trên cơ sở phong trào văn nghệ dù kê của thanh niên ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, quê hương của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út (Út Tịch), Đoàn văn công Khmer tỉnh Trà Vinh có gần 40 diễn viên nam nữ là con, em đồng bào Khmer trong tỉnh có năng khiếu và đam mê nghệ thuật dân tộc, ra mắt khán giả xuất diễn đầu tiên tại ấp Rùm Sóc, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, quê hương nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Thạch Thị Thanh đúng vào dịp lễ Chôl Chnam Thmây năm 1963 (14/4/1963), với nhiều kịch mục, trong đó có vỡ tuồng “Nghĩa tình trong giông tố” của soạn giả Thanh Lam (Hai Ốm), cán bộ Tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn tỉnh, được đồng chí Thạch Voi chuyển thể sang tiếng Khmer, đồng chí Kim Sim vận động Lục tà Khun ở ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè tổ chức dàn nhạc.
Xuất diễn đầu tiên do nghệ sĩ Thạch Nhất (Hai Nhất) thủ vai kép nam, nữ diễn viên Năm Tiến, giữ vai đào nữ, diễn viên Thạch Tưa đóng vai người nông dân nghèo, ông Năm Tri đạo diễn, hoạ sĩ Phong Ba vẽ cảnh trí, Lục Tà Khun nhạc trưởng, ông Hai Thi (Lê Văn Tuất) đảm trách âm thanh, ánh sáng, được đồng bào và sư sãi ấp Rùm Sóc hết sức hoan nghênh.
Sau xuất diễn đầu tiên, hai đồng chí Thạch Voi và Kim Sim đặt tên Đoàn văn công Khmer tỉnh Trà Vinh là đoàn “Krôm Sil Lpah Reah Smay Pro Tip”, có nghĩa là Đoàn văn công “Ngọn đèn”(1).
Trong khi đó, Đoàn văn công tỉnh thành lập tháng 10/1961 được Ban Tuyên huấn tỉnh đặt tên Đoàn văn công Ánh Hồng, do vậy, Ban lãnh đạo Đoàn văn công “Ngọn đèn” thống nhất theo gợi ý của lãnh đạo Ban Tuyên huấn tỉnh, đổi tên thành Đoàn văn công Ánh Bình Minh và đề cử nghệ sĩ Kim Dứt giữ chức Trưởng đoàn (1963).
Sau Khi thành lập, Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh hoạt động hiệu quả, Achar Kim Sim được Ban Tuyên huấn tỉnh điều động sang công tác khác, đồng chí Thạch Voi, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh được Khu ủy điều động về Ban Tuyên huấn khu và được Ban Tuyên huấn khu phân công vận động, tổ chức, huấn luyện thành lập Đoàn văn công Khmer Tây Nam Bộ thuộc Ban Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ. Năm 1969, Đoàn văn công Khmer Tây Nam Bộ ra đời, do nghệ sĩ Thạch Chân, sinh năm 1941, quê quán ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, huyện Cầu Ngang (nay huyện Duyên Hải), tỉnh Trà Vinh làm Trưởng đoàn.
Sau 09 năm (1963 - 1971) hoạt động của Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh và 03 năm (1969 - 1971) hoạt động của Đoàn văn công Khmer Tây Nam Bộ, trong bom đạn ác liệt của chiến tranh, cán bộ, diễn viên của hai Đoàn văn công hy sinh nhiều, Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh có 02 Trưởng đoàn (Kim Dứt, Thạch Tês) và 03 diễn viên hy sinh(2) địa bàn hoạt động cả hai đoàn bị thu hẹp, khả năng và điều kiện hoạt động của đoàn gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, năm 1971, đồng chí Nguyễn Tấn Liềng (Bảy Sách, 1929 - 1980), quê quán xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh chỉ đạo phân công các đồng chí diễn viên Huỳnh Văn Lựu, diễn viên Ngô Phương Viễn, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Quang (Hai Ớt), nhạc công Huỳnh Thanh Vân (Bảy Thi), Đoàn văn công Ánh Hồng, Achar Kim Sim (Chín Soái), cán bộ Tiểu ban Thông tấn báo chí, sang hỗ trợ hoạt động Đoàn văn công Ánh Bình Minh, Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh chỉ định diễn viên Huỳnh Văn Lựu giữ chức Trưởng Đoàn văn công Ánh Bình Minh (1971).
Cũng trong năm 1971, Đoàn văn công Khmer Tây Nam Bộ, Ban Tuyên huấn khu giải thể, đưa 09 diễn viên quê quán tỉnh Trà Vinh, trong đó có soạn giả Thạch Chân, nguyên Trưởng Đoàn văn công Khmer Tây Nam Bộ về bổ sung lực lượng cho Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh.
Trong đạn bom ác liệt thời kỳ đế quốc Mỹ triển khai thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1972), cũng như Đoàn văn công Ánh Hồng, Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh chủ động phân tán nhỏ thành 02 đến 03 đội, nhóm, không chỉ phục vụ chiến sĩ, đồng bào vùng giải phóng, mà đoàn còn phục vụ các đơn vị lực lượng vũ trang bên chiến hào, phục vụ sư sãi, đồng bào Khmer ngay trong “vùng kềm” do địch kiểm soát như đêm biểu diễn văn nghệ tại chùa Trà Khúp, xã Ngũ Lạc, bạn đang nghe tôi kể.
Sau khi được chỉnh huấn về chính trị, tăng cường về lực lượng, Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh chủ động phân tán trong hoạt động, Ban Tuyên huấn tỉnh đề bạt diễn viên Thạch Chêng giữ chức Trưởng Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh, thay Trưởng Đoàn Huỳnh Văn Lựu được Ban Tuyên huấn tỉnh điều động sang công tác khác (1972 - 1974).
Nhờ chủ động phân tán nhỏ nên Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh thường xuyên phục vụ các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh tại các mặt trận, bên chiến hào đánh “bình định” của địch, được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Trà Vinh tôn vinh là một điển hình trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trong lực lượng vũ trang.
Bước sang năm 1974, soạn giả Thạch Chân, nguyên Trưởng Đoàn văn công Khmer Tây Nam Bộ, được Ban Tuyên huấn tỉnh đề cử giữ chức Trưởng Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh, đến ngày cách mạng thành công 30/4/1975, thay nghệ sĩ, Trưởng Đoàn Thạch Chêng được Ban Tuyên huấn tỉnh điều động sang công tác khác(3).
Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh vào phục vụ sư sãi và đồng bào tại chùa Trà Khúp năm đó gọn nhẹ đến mức chỉ có đồng chí Trưởng Đoàn, diễn viên và nhạc công. Sân khấu, âm thanh ánh sáng, nhạc cụ đều do các nhà sư chùa Trà Khúp chuẩn bị theo sự chỉ đạo của đồng chí Thạch Khanh, Phó Bí thư Chi bộ xã Ngũ Lạc. Viên trưởng đồn Trà Khúp cũng được Lục cả dặn:
- Đêm nay có đoàn dù kê Việt cộng vào chùa hát cho ông lục nghe “vô năm mới”, họ canh gác cẩn mật lắm, Trưởng đồn không cho lính ra ngoài để tránh đụng độ với Việt cộng - Viên Trưởng đồn vâng lời.
Đêm biểu diễn văn nghệ “trong vùng địch” nhân dịp “vô năm mới” của Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh tại chùa Trà Khúp kết thúc thắng lợi, không một tiếng súng địch chen vào. Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh và các đơn vị lực lượng vũ trang phối hợp trở về vị trí đóng quân an toàn, tiếng gà cũng vừa gáy sáng.
Sáng sớm, trưởng đồn Trà Khúp ra chợ Cây Da (Ngũ Lạc) khoe:
- Đêm hôm nghe Việt cộng hát dù kê đã luôn - dân hỏi:
- Sao ông không cho lính bắn họ:
- Hát hay quá để nghe chơi, ngu gì bắn.
Nói vậy chớ Trưởng đồn nghe lời Lục cả còn hơn cả chỉ huy.
Trước đó, vào đêm ngày 05/12/1967, tại chùa Xoài Xiêm, huyện Trà Cú, Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ hàng ngàn khán giả là sư sãi và đồng bào Khner khắp các xã trong huyện được tập hợp về đây chuẩn bị cuộc đấu tranh chính trị với quy mô lớn vào Dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình. Lính dân vệ đóng đồn gần chùa cũng “án binh bất động” để nghe hát.
Tưởng mới đó, vậy mà năm mươi mấy năm đã trôi qua. Mọi việc đều có thể đổi thay theo thời gian. Trong thời đại các hình thức nghệ thuật từ dân tộc đến hiện đại đều được nhanh chóng lưu hành trên mạng internet, nhưng sân khấu dù kê của Đoàn văn công (nay là Đoàn Nghệ thuật) Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh không chỉ được bảo tồn, tỏa sáng mà còn có sức hút khán giả đến kỳ lạ trong phong trào văn hóa nghệ thuật dân tộc của đồng bào Khmer Nam Bộ, thật xứng danh Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
TRẦN ĐIỀN (sưu khảo)
(1) Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong “Sự hình thành và phát triển đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh” của tác giả Sang Sết.
(2) Liệt sĩ là cán bộ, diễn viên đoàn văn công Ánh Bình Minh giai đoạn 1963 - 1975: Thạch Tês (hy sinh 1967), Kim Dứt (hy sinh 1968), Sa Von (hy sinh 1970), Chac Sô (hy sinh 1970), Kim Quân (hy sinh 1970), Thạch Thị Sa Ry (hy sinh 1972), Thạch Thị SôRia (hy sinh 1975) - Tư liệu tại Phòng truyền thống Đoàn nghệ thuật Khmaer Ánh Bình Minh
(3) Trưởng Đoàn văn công Ánh Bình Minh giai đoạn 1963 - 1975: Nghệ sĩ Kim Dứt (1963 - 1964), Nghệ sĩ Thạch Tês (1964 - 1967), Nghệ sĩ Thạch Y (1968), Nghệ sĩ Sơn Tho (1969), Nghệ sĩ Huỳnh Văn Lựu (1970 - 1971), Nghệ sĩ Thạch Chêng (1972 - 1974), Soạn giả Thạch Chân (1974 - 1975) - Tư liệu tại Phòng truyền thống Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh.
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.