19/05/2024 19:11
Nhân dân xã Long Đức đến dự lễ khánh thành Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trần Điền chụp lại từ tập ảnh “Đồng bằng sông Cửu Long - Nơi chiến tranh đã đi qua” - Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau chủ biên - Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2003).
Tỉnh trưởng Vĩnh Bình (chính quyền Sài Gòn) cho một chiếc máy bay L19, bay khắp bầu trời Trà Vinh loan tin Bác Hồ từ trần kèm theo lời bình ảm đạm, gây tác động xấu đến tâm lý cán bộ và Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra lệnh cho lực lượng vũ trang nhân dân toàn miền Nam ngưng bắn 03 ngày và yêu cầu “chính quyền Sài Gòn” lệnh cho binh sĩ ngụy ngừng bắn 03 ngày để quân, dân ta chịu tang Bác Hồ.
Tỉnh ủy Trà Vinh phân công Ban Tuyên huấn tỉnh làm nòng cốt phối hợp với các ngành, các huyện, tổ chức truy điệu Người và hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng “biến đau thương thành sức mạnh, dốc hết tinh thần và sức lực, đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”.
Trung tuần tháng 10/1969, trong điều kiện đạn bom ác liệt của “Việt Nam hóa chiến tranh”, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh dưới thời Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam (Năm Đạt, 1927 - 1995), kiêm chức Trưởng Ban đã chỉ đạo triển khai Chỉ thị số 173-CT/TW, ngày 29/9/1969, của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch” - Nội dung Chỉ thị nêu rõ:
“…Hồ Chủ tịch qua đời, nhưng Người đã để lại cho chúng ta một di sản rất quý báu. Đó là sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người. Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta là đoàn kết chặt chẽ chung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết tâm làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch, kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà, ra sức thi đua đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân thế giới.
Theo tinh thần đó, Bộ Chính trị quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị: "Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch".
Mục đích của đợt sinh hoạt chính trị này là: làm cho mọi người thấy rõ hơn công lao và sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch đối với Đảng ta, dân tộc ta và đối với cách mạng thế giới, thấy rõ hơn phẩm chất cách mạng cao đẹp, trong sáng của Hồ Chủ tịch; do đó tăng thêm lòng tự hào, phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm vươn lên tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch, thực hiện bằng được Di chúc của Người.
Đoàn cán bộ, biên tập viên, phóng viên Báo Cần Thơ đến viếng Người tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: VB
Về công lao và sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch, làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta thấy rõ:
- Hồ Chủ tịch là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đồng thời là chiến sĩ kiên cường và lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là người tiêu biểu cho phong trào giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, giành độc lập và tự do của các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong thế kỷ XX này.
- Hồ Chủ tịch là người sáng lập, xây dựng và rèn luyện Đảng ta, sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, Nhà nước dân chủ nhân dân, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo hai cuộc cách mạng ở nước ta: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân ta chống thực dân Pháp trước đây và đế quốc Mỹ ngày nay.
Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh đến viếng Bác dịp 02/9 hàng năm. Ảnh: Bá Thi
- Tư tưởng, đạo đức và tác phong của Hồ Chủ tịch là kết tinh những truyền thống tốt đẹp và tinh hoa của dân tộc Việt Nam trong hơn bốn nghìn năm lịch sử, kết hợp với tư tưởng cách mạng triệt để của giai cấp công nhân, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chủ tịch là một chiến sĩ cộng sản vĩ đại, suốt đời hy sinh phấn đấu, kiên cường bất khuất vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị, đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, yêu thương và gần gũi đồng chí, đồng bào.
Toàn Đảng, toàn dân ta vô cùng tự hào có được một lãnh tụ vĩ đại là Hồ Chủ tịch. Càng tự hào về Hồ Chủ tịch, chúng ta càng phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm phấn đấu vươn lên, vì nhận rõ rằng:
- Nhờ có sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và của Đảng, ngày nay lực lượng cách mạng của nước ta đã trở thành to lớn và không ngừng phát triển. Đảng ta có đường lối đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo; cán bộ, đảng viên ta đoàn kết nhất trí và đã được rèn luyện, thử thách nhiều; nhân dân ta rất tin tưởng ở Đảng, đoàn kết và giác ngộ chính trị khá. Nhà nước ta ngày càng vững mạnh, quân đội ta rất anh hùng. Đảng ta, Nhà nước ta và nhân dân ta có uy tín lớn trên thế giới.
- Những thành quả cách mạng từ mấy chục năm nay của nhân dân ta là do có sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Hồ Chủ tịch, do Hồ Chủ tịch và Đảng ta có đường lối đúng đắn, do Đảng ta đoàn kết nhất trí, nhân dân ta đoàn kết một lòng, hăng hái chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và của Đảng. Bên cạnh Hồ Chủ tịch, có Ban Chấp hành Trung ương Đảng đoàn kết, sáng suốt, trung thành tận tụy với sự nghiệp cách mạng của nhân dân.
- Trong điều kiện hiện nay, mỗi người chúng ta đều cố gắng, quyết tâm đem hết sức mình ra phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân thì nhất định sẽ tạo ra được bước tiến mới, chất lượng mới trong tổ chức Đảng và Nhà nước ta và thúc đẩy được phong trào cách mạng của toàn dân ta tiến lên mạnh mẽ, kế tục một cách vẻ vang sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch…”. (Theo “Văn kiện Đảng toàn tập” - NXB Chinh trị quốc gia,2004, tập 30, trang 283 - 289).
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các tầng lớp Nhân dân Trà Vinh quyết tâm thể hiện tình cảm thương nhớ Bác Hồ bằng hành động, việc làm thiết thực, từ bí mật đến công khai để tang, truy điệu Bác Hồ; chủ động phòng ngừa, đập tan âm mưu chiến tranh tâm lý của kẻ thù hòng lợi dụng sự kiện đau thương của cả dân tộc để gây hoang mang, dao động tư tưởng.
Tỉnh ủy phân công Ban Tuyên huấn tỉnh phối hợp với các ngành, trong mọi điều kiện thuận lợi, nói chuyện về tiểu sử, sự nghiệp của Bác Hồ cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nghe, tạo nên phong trào thi đua noi gương Bác Hồ đánh thắng kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc. Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Trà Vinh chuyền tay nhau đọc Di chúc thiêng liêng của Người và càng trào dâng niềm xúc động, tôn kính - mở đầu Di chúc, Bác Hồ kính yêu của chúng ta khẳng định:
“Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn…”.
Ngay trong tháng 10/1969, chấp hành sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn tỉnh và các Huyện ủy triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về mở đợt sinh hoạt lớn “Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, với nội dung noi gương Bác, giữ gìn khí tiết người cộng sản, nâng cao tinh thần cách mạng, phẩm chất chính trị, đạo đức và khí phách anh hùng của cán bộ, đảng viên toàn tỉnh. Ban Tuyên huấn tỉnh chỉ đạo Nhà in Anh Dũng in tập Di chúc của Bác Hồ khổ nhỏ, vừa để vào túi áo với số lượng lớn, cấp phát cho mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân để đọc khi thích hợp. Ở đơn vị du kích xã Ngũ Lạc, huyện Cầu Ngang (lúc đó), có một chiến sĩ tên Lục Vênh, anh thuộc lòng và đọc không cần cầm văn bản Di chúc Bác Hồ.
Báo Anh Dũng và tập san văn nghệ Lữa Hồng thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh phát hành tháng 10/1969 đăng trang trọng bài thơ nhan đề “Bác ơi” của tác giả Lê Tân (1946), cán bộ báo chí Ban Tuyên huấn tỉnh. Vào thời điểm này, nhiều tác giả trong nước làm thơ thương tiếc Bác Hồ có cùng tựa đề “Bác ơi”, nhưng tiếng “Bác ơi” thốt lên tận đáy lòng thương tiếc của tác giả Lê Tân, một người con miền Nam đã “thẩm thấu” qua người đọc tỉnh nhà chung một niềm tiếc thương vô bờ đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Sau khi Bác Hồ từ trần, thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân thị xã Trà Vinh, Bí thư Thị ủy kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn thị xã Trà Vinh Trần Văn Tư (Tư Tranh - Tỉnh ủy viên), quyết định xây dựng Đền thờ Bác Hồ tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, vùng ven thị xã, chỉ cách đồn tiền tiêu tiểu khu Vĩnh Bình vài trăm mét.
Đồng chí Nguyễn Văn Khuyên (Sáu Súng), Phó Trưởng Ban Tuyên huấn thị xã được Thị ủy phân công phối hợp với Xã ủy Long Đức trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đền thờ. Đền thờ được khởi công ngày 10/3/1970 và khánh thành đúng vào ngày 30 tết Tân Hợi (ngày 26/01/1971), có kết cấu đơn sơ bằng vật liệu tre lá, trên một diện tích khiêm nhường - 16 mét vuông.
Họa sĩ Liêu Tử Phong (Phong Ba, 1940 - 2022), được Ban Tuyên huấn tỉnh cử đến thị xã Trà Vinh vẽ phóng tác bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bức ảnh thờ đặt tại ngôi đền thiêng liêng này.
Phóng viên báo chí của tỉnh được Ban Tuyên huấn tỉnh cử đến liên tục đưa tin về kết quả đóng góp của nhân dân thị xã xây dựng và lễ khánh thành đền thờ Bác Hồ, đăng trên báo Anh Dũng, Tập san Lửa Hồng của tỉnh, phát về Thông Tấn xã giải phóng và Đài Phát thanh giải phóng, được đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước lưu tâm. Sau lễ khánh thành Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn văn công Ánh Hồng biểu diễn văn nghệ phục vụ hơn 1.000 khán giả, cách đồn địch chưa đầy 300m, đến gần 03 giờ sáng.
Người viết bài này rất danh dự được Ban Tuyên huấn tỉnh phân công viết bài tường thuật lễ khánh thành Đền thờ Bác Hồ phát về Thông Tấn xã giải phóng, phát trên Đài Phát thanh giải phóng và đăng trên báo Anh Dũng tỉnh Trà Vinh số phát hành tháng 02/1971.
Cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Tân An cùng gia đình bà Kim Thị Nguyền, ấp Long Hội thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân lễ giỗ của Người được tổ chức vào ngày 02/9/2023). Ảnh: KIM LOAN |
Nhiều gia đình nông dân ấp Chánh hội A, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần; ấp Long Hội, xã Tân An, huyện Càng Long, lập bàn thờ, xây nhà thờ, để được cùng nhau họp mặt bà con trong ấp cúng giỗ Bác Hồ hàng năm từ ngày Bác mãn phần đến ngày nay.
Đoàn văn công Ánh Hồng dàn dựng bài ca vọng cổ “Bác Hồ của chúng con ơi” của tác giả Lê Ngọc Phái, hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh đang triển khai học tập Di chúc Bác Hồ - Bài hát có câu tràn dâng niềm xúc động, như sau:
“…Đồng bào ơi, anh em đồng chí chúng ta ơi! Tôi đứng nghiêm trên tuyến đầu Tổ quốc, tôi chỉ xin cho được khóc một lần này…”.
Nhân 134 năm ngày sinh (19/5/1890 - 19/5/2024) và 55 năm ngày giỗ Bác Hồ kính yêu (02/9/1969 - 02/9/2024), nhắc lại đôi dòng về tấm lòng của người Trà Vinh khi hay tin Bác qua đời vào những ngày xa ấy!
TRẦN ĐIỀN
Cựu cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến).
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.