03/05/2021 05:22
Là người từng tham gia trận đánh giải phòng tỉnh lỵ Trà Vinh, ông Nguyễn Thành Trạng (Út Trạng), nguyên Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 4, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Trà Vinh (nay là Bộ CHQS tỉnh), nguyên Chỉ huy Trưởng Bộ CHQS tỉnh không thể nào quên được những ký ức hào hùng, những hiểm hách trong trận chiến cũng như những cảm xúc vỡ òa niềm hạnh phúc khi chiến thắng thuộc về quân giải phóng, tỉnh Trà Vinh được giải phóng.
Trận đánh đã diễn ra 46 năm nhưng đối với ông Nguyễn Thành Trạng câu chuyện như mới hôm qua. Ông bồi hồi nhớ lại: để giải phóng tỉnh lỵ Trà Vinh, Ban Chỉ huy chiến dịch điều động 05 mũi tiến công, từ các hướng đánh chiếm các mục tiêu và hiệp đồng đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng Vĩnh Bình (Trà Vinh). Tiểu đoàn 4 do ông Nguyễn Thành Trạng chỉ huy được biên chế 03 Đại đội Bộ binh, 01 Trung đội hỏa lực và được tăng cường Đại đội biệt động 67, có nhiệm vụ tiến công hướng thứ yếu. Ông Nguyễn Thành Trạng nhớ rõ: “Đơn vị chúng tôi tiến công từ bờ sông Long Bình đánh lên lô cốt lộ Quang Trung, đánh Ty Thuế vụ và Ty Công chánh, cuối cùng hiệp đồng với các đơn vị bạn đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng”. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn quán triệt mệnh lệnh chiến đấu, phân công giao nhiệm vụ cho từng đại đội và các trung đội trực thuộc về đường hướng, mục tiêu tấn công đánh chiếm. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều quán triệt tinh thần khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, mỗi đại đội đều tổ chức một phân đội cảm tử.
Đúng 00 giờ, đêm 29 rạng sáng 30/4/1975, Đại đội đặc công 513 nổ súng tấn công trận địa pháo binh của địch, nằm sát sân bay Trà Vinh, tiếng nổ tấn công trận địa pháo cũng là tiếng pháo hiệu, các đơn vị đồng loạt nổ súng tấn công các mục tiêu trên toàn chiến dịch. Tiểu đoàn 4 tiến đánh các mục tiêu được phân công, trên đường tiến quân, tiểu đoàn gặp phải sự kháng cự quyết liệt của Tiểu đoàn 473 và Tiểu đoàn 404 của địch. Đôi bên giằng co ác liệt, đánh giành giật nhau từng góc đường, từng lô cốt. Dưới sự chỉ huy của Ban Chỉ huy tiểu đoàn, sự phối hợp tác chiến và tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tiểu đoàn đã đánh bật hệ thống phòng ngự của địch, chiếm hoàn thành các mục tiêu được giao, kịp phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị bạn đánh chiếm Dinh Tỉnh trưởng và kết thúc thắng lợi chiến dịch giải phóng tỉnh Trà Vinh.
Cựu chiến binh Võ Chinh Khoa, nguyên Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 501 kể lại về ngày 30/4 lịch sử. Ông nhớ như in những giây phút thiêng liêng mà đời binh nghiệp ông được trải qua. Khi ấy, ông là Đại đội trưởng Đại đội 516, thuộc Tiểu đoàn 501. Chiều 29/4/1975, tại ấp Phú Phong, xã Bình Phú, huyện Càng Long, đơn vị ông được Ban Chỉ huy tiểu đoàn quán triệt, phân công nhiệm vụ. Chiều cùng ngày, đơn vị đến ấp Tân Định, xã Đại Phước, huyện Càng Long làm lễ ra quân, hạ quyết tâm chiến đấu, trên ngực áo chỉ huy các cấp đề dòng chữ “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, đối với các chiến sĩ thì đề dòng chữ “Quyết thắng”. Đại đội do ông Võ Chinh Khoa chỉ huy được phân công đánh chiếm các mục tiêu trên đường Quang Trung, Đình Thanh Lệ, qua Nhà thờ Trà Vinh và khu vực chùa Ông Mẹt tiến lên phối hợp với các đơn vị đánh chiếm Dinh Tỉnh trưởng. Đại đội 516 tiến công nhanh, tiêu diệt gọn các lô cốt, chiếm giữ các mục tiêu quan trọng, địch điều Tiểu đoàn 470 và Tiểu 404 bọc hậu, đánh thọc sườn đội hình đại đội làm chậm bước tiến của đại đội. Ông Khoa đã chỉ huy cán bộ, chiến sĩ đánh trả quyết liệt, đánh bật nhiều đợt phản kích của địch bảo vệ các mục tiêu đã chiếm được. Bên kia chuyến tuyến, chỉ huy Đại đội 3, Tiểu đoàn 404 địch đến thương lượng với Chỉ huy Đại đội 516 để xin nhận xác binh sĩ, Đại đội trưởng Đại đội 3 của địch nói một câu mà ông Khoa còn nhớ rõ đến bây giờ “mấy anh là quân giải phóng dễ nói chuyện với dân, nhờ mấy anh vô nhà dân mượn dùm cái võng để tụi tui khiêng xác. Tụi tui là lính bên này khó nói chuyện với dân lắm”.
Từ câu chuyện kể của ông Khoa cho chúng ta hiểu được nhiều điều, những người chiến sĩ giải phóng luôn trong lòng Nhân dân mà cả đối phương là những người lính chế độ cũ cũng công nhận điều đó. Chính họ chứ không ai khác đã mặc nhiên thừa nhận tầm ảnh hưởng của quân cách mạng trong lòng Nhân dân, điều mà họ chưa bao giờ có được. Kể cho chúng tôi nghe về trận đánh, ông Khoa không giấu nỗi niềm xúc động, ông nhớ từng chi tiết, từng diễn biến của trận đánh, với ông trận đánh giải phóng tỉnh lỵ Trà Vinh với cảm xúc dâng tràn không thể nào tả xiết.
Chiến thắng 30/4/1975 ở Trà Vinh là kết quả của công tác lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh, vận dụng phương pháp 03 mũi giáp công: chính trị, quân sự và binh vận. Đó là kết quả của sự tổng hòa của công tác lãnh đạo, tổ chức chiến đấu và chiến đấu có hiệu quả, dựa vào sức mạnh quân sự của các lực lượng vũ trang, sức mạnh, tinh thần đoàn kết của quần chúng Nhân dân. Trong chiến dịch, vai trò của quần chúng Nhân dân được đẩy lên cao, khi các lực lượng quân sự hoàn thành đánh chiếm mục tiêu tiến sát Dinh Tỉnh trưởng, lực lượng cách mạnh kết hợp nhiều biện pháp đấu tranh, như: phát thanh gọi hàng, các đoàn thể và Nhân dân tổ chức xuống đường tuần hành, vận động binh sĩ địch buông súng đầu hàng, đồng thời, biểu dương lực lượng, sức mạnh lượng quân sự. Với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Ban chỉ huy chiến dịch và kết hợp phương pháp 03 mũi giáp công đã mang về thắng lợi vẻ vang, một thắng lợi lịch sử, giải phóng tỉnh Trà Vinh, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bài, ảnh: THANH NHÃ
Ngày 25/11/2024, đồng chí Bùi Thống Nhứt, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông ký ban hành Công văn số 2990/STTTT-BCVTCNTT về việc phát động Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 (năm 2025).