11/10/2024 08:27
Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Rạch Lọp, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần được xem là hình mẫu làm ăn theo mô hình kinh tế hợp tác do hội viên CCB quản lý. Được thành lập từ năm 2016, vốn điều lệ 02 tỷ đồng, HTX nông nghiệp Rạch Lọp có trên 500 thành viên tham gia góp vốn, trong đó có 80 thành viên là hội viên CCB.
Các thành viên HTX nông nghiệp Rạch Lợp kiểm tra sự phát triển của ruộng lúa. Ảnh: ĐĂNG KHOA
HTX nông nghiệp Rạch Lọp hoạt động đa dạng về ngành nghề, trong đó tập trung nhiều vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương với các ngành nghề như: cung ứng vật tư nông nghiệp, các dịch vụ thủy lợi nội đồng, cung cấp lúa giống, kinh doanh lúa thương phẩm, quản lý khai thác chợ, vệ sinh môi trường nông thôn… HTX liên kết với các đơn vị cung ứng dịch vụ, các vật tư đầu vào và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho thành viên và người dân địa phương, HTX đã có năng lực bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên của HTX. Qua đó, HTX đã góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, hình thành các vùng hàng hóa tập trung, có quy mô, giúp cho các thành viên và người dân giảm đáng kể chi phí sản xuất, ổn định đầu ra và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX nông nghiệp Rạch Lọp, cho biết: mục tiêu hoạt động của HTX là nhằm phát triển kinh tế tập thể, gắn với phát triển kinh tế - xã hội và XDNTM của địa phương; nâng cao khả năng thích nghi của kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, từ đó tạo được sức lan tỏa, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể của địa phương. Từ đầu năm đến nay, HTX đạt doanh thu trên 5,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng. HTX nông nghiệp Rạch Lọp giải quyết việc làm toàn thời gian cho 16 lao động, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 40 - 50 lao động.
Bên cạnh việc tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX nông nghiệp Rạch Lọp còn thực hiện tốt chức năng đào tạo, tập huấn kỹ năng quản lý HTX và khuyến nông, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho thành viên. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội hảo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, kỹ năng điều hành quản lý như: tham dự lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ quản lý HTX do Liên minh HTX tỉnh tổ chức, tham dự lớp đào tạo tập huấn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, tham gia chương trình “Hội thảo thành viên tại HTX”, với nội dung khái niệm về HTX và vai trò của thành viên, kinh nghiệm dẫn đến thành công của HTX, hội thảo do Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Tổ chức Sting ching Agriterra (Hà Lan) thực hiện…
Theo đồng chí Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Hùng, HTX nông nghiệp đạt được kết quả như trên là nhờ vào sự quản lý, điều hành hiệu quả của Hội đồng Quản trị HTX. Trong đó nổi bật là vai trò của đồng chí Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX, bản thân đồng chí là hội viên CCB có tâm huyết phát triển kinh tế hợp tác của địa phương. Đồng chí đã rất tâm huyết điều hành, quản lý HTX hoạt động theo đúng định hướng và phát huy được sự đoàn kết, tự lực tự cường trong tập hợp hội viên CCB và Nhân dân trong phát triển kinh tế hợp tác.
Mô hình sản xuất hiệu quả của CCB Bùi Văn Thương
Đồng chí Lâm Sơn Tuyền (bên trái), Chủ tịch Hội CCB xã Phong Thạnh tham quan vườn tắc thương phẩm của CCB Bùi Văn Thương.
Thời gian qua, phong trào thi đua CCB gương mẫu, nhất là thi đua lao động sản xuất trong tập thể hội viên ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè được đẩy mạnh, nhiều hội viên nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Trong số đó phải kể đến mô hình sản xuất hiệu quả của CCB Bùi Văn Thương, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Cả Chương, xã Phong Thạnh với mô hình vườn - ao - chuồng kết hợp đã cho thu nhập cao và ổn định.
Khi 17 tuổi, thanh niên Bùi Văn Thương tham gia lực lượng bộ đội địa phương, tham gia chiến đấu nhiều trận lớn nhỏ và tham gia chiến dịch giải phóng tỉnh lỵ Trà Vinh (ông bị thương và được công nhận thương binh hạng 4/4). Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, CCB Bùi Văn Thương tiếp tục tham gia trong lực lượng quân đội đến năm 1978 thì phục viên trở về địa phương.
Trở lại với cuộc sống đời thường, được gia đình cho 04 công đất ruộng, CCB Bùi Văn Thương trồng lúa để nuôi sống gia đình. Mặc dù chăm chỉ lao động sản xuất nhưng do diện tích đất có hạn nên cuộc sống gia đình CCB Bùi Văn Thương vẫn gặp không ít khó khăn. Với quyết tâm thay đổi cuộc sống, CCB Bùi Văn Thương càng ra sức lao động, ông nuôi thêm bò, heo để tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ mở rộng sản xuất, chăm chỉ lao động và tiết kiệm trong chi tiêu, CCB Bùi Văn Thương đã mua được 13 công đất để sản xuất, phát triển đàn bò sinh sản, đàn heo thịt hàng chục con.
Gần đây nhất, vào năm 2022, sau khi được cùng Hội CCB huyện Cầu Kè tham quan, học tập các mô hình sản xuất hiệu quả ở các tỉnh bạn, CCB Bùi Văn Thương ấn tượng với mô hình trồng tắc thương phẩm. Nhận thấy mô hình trồng tắc cho hiệu quả kinh tế cao, CCB Bùi Văn Thương quyết tâm chuyển đổi 07 công đất lúa sang trồng tắc. Sau một năm trồng, chăm sóc vườn tắc của CCB Bùi Văn Thương đã cho thu hoạch, cứ mỗi tháng cho thu hoạch một lần khoảng 01 tấn, với giá bán giao động từ 5.000 - 10.000/kg.
Khi chúng tôi đến thăm vườn tắc của gia đình, CCB và một số người dân vừa thu hoạch xong gần 03 tấn tắc thương phẩm với giá bán 5.000 đồng/kg. CCB Bùi Văn Thương cho biết, cây tắc có lợi thế là vốn đầu tư ban đầu thấp, công và chi phí chăm sóc rất nhẹ, cây phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên cây phát triển tốt cho trái có phẩm chất tốt, được thương lái thu mua dễ dàng.
Đồng chí Lâm Sơn Tuyền, Chủ tịch Hội CCB xã Phong Thạnh cho biết, CCB Bùi Văn Thương là cán bộ Hội tâm huyết với công tác Hội, với sự quản lý, điều hành của ông hàng năm Chi hội CCB ấp Cả Chương đều được công nhận hoàn thành tốt công tác Hội. Ngoài ra CCB Bùi Văn Thương còn là một tấm gương trong lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Mô hình sản xuất của CCB Bùi Văn Thương đã giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 04 - 05 lao động địa phương.
Những năm qua phong trào thi đua lao động sản xuất trong cán bộ, hội viên CCB trên địa bàn xã phát triển mạnh với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Thông qua các mô hình làm ăn hiệu quả của cán bộ, hội viên CCB cho thấy tinh thần vượt khó, vươn lên của cán bộ, hội viên CCB, các anh, các chú không chỉ anh dũng trong chiến đấu mà nay trong thời bình, cũng đã phát huy phẩm chất người lính trong mặt trận kinh tế. Qua đó, giúp cho đời sống của cán bộ, hội viên CCB trên địa bàn xã từng bước ổn định từ ngang bằng đến cao hơn mức sống trung bình của địa phương, hiện xã Phong Thạnh không còn hộ CCB nghèo, tỷ lệ hộ CCB khá giàu đạt trên 70% so với tổng số hộ hội viên.
Bài, ảnh: THANH NHÃ
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.