19/11/2021 13:40
Bài 2:
Hội LHPN huyện Cầu Kè: Nhân rộng mô hình mua bảo hiểm xã hội tự nguyện trong hội viên
Thông qua câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ tiết kiệm mua BHXH tự nguyện” được các chi, tổ hội phát triển, thành lập gắn với các buổi sinh hoạt định kỳ trong. Qua hơn 02 năm triển khai, từ mô hình điểm ở ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú đến nay “Phụ nữ tiết kiệm mua BHXH tự nguyện” đã lan tỏa đến 11/11 cơ sở Hội LHPN xã, thị trấn của huyện Cầu Kè…
Bà Triệu Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Kè cho biết: đến cuối tháng 10/2021, các hội cơ sở đã vận động được 744 hội viên mua BHXH tự nguyện (đạt 4,31% so số hội viên toàn huyện). Về các mô hình giúp nhau mua BHXH tự nguyện, đã thành lập 03 tổ với 49 thành viên và 03 mô hình “nuôi heo tiết kiệm mua BHXH tự nguyện" với 39 thành viên, để thực hiện mua cho 50 thành viên trong gia đình.
Ghi nhận tại mô hình vận động hội viên tham gia mua BHXH tự nguyện ở Chi hội Phụ nữ ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú. Mô hình CLB được thành lập vào tháng 5/2020, từ 25 thành viên ban đầu tại ấp Đồng Khoen, đến ngay đã được Hội LHPN xã Phong Phú phát triển, nhân rộng thêm 02 CLB ở ấp Kinh Xáng và Ấp II, với 24 thành viên.
Bà Trần Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Phú cho biết: “CLB Phụ nữ tiết kiệm mua BHXH tự nguyện” là mô hình do Ban Thường vụ Hội LHPN xã chỉ định thành lập, hoạt động dưới sự hướng dẫn, điều hành của Hội LHPN xã Phong Phú. Mục đích hoạt động của CLB là các thành viên tham gia CLB tiết kiệm tiền bỏ ống heo để tự mua BHXH tự nguyện cho bản thân hoặc người thân trong gia đình. Đồng thời, tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Thông qua mô hình, hội đã vận động được 152 người tham gia BHXH tự nguyện (hội viên dân tộc Khmer tham gia BHXH là 84/152 chị).
“Tích thiểu thành đa” là một trong những hình thức hoạt động của CLB là mỗi thành viên tham gia vào CLB sẽ được hội LHPN xã tặng 01 con heo mũ, qua đó các chị tiết kiệm mỗi ngày vào heo ít nhất là 5.000 đồng bằng các nguồn do hội viên tiết kiệm được... Thông qua đó, hàng tháng số tiền tiết kiệm trên được sử dụng mua BHXH tự nguyện cho bản thân hoặc cho người thân trong gia đình. Đồng thời, thành viên tham gia vào CLB còn có nhiệm vụ tuyên truyền vận động thêm người thân, mọi người xung quanh tham gia mua BHXH tự nguyện để khi về già, được nghỉ hưu, có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn, hoặc chẳng may qua đời thì gia đình có thêm phần hỗ trợ mai táng phí giảm bớt khó khăn cho gia đình, người thân…
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang (trái) một trong những hội viên có số tiền tham gia BHXH tự nguyện đóng hàng tháng cao nhất trong ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú.
Lần đầu tiên tham gia BHXH tự nguyện, chị Nguyễn Thị Huyền Trang, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú chia sẻ: là phụ nữ sống ở vùng nông thôn, chúng tôi trước đây chưa nghĩ đến việc tham gia chế độ này để về già có lương hưu. Hàng tháng, gia đình dành dụm số tiền tích cóp từ nguồn thu nhập của quầy bán tạp hóa để đóng phí BHXH tự nguyện, với số tiền 1,161 triệu đồng/tháng và gia đình tham gia từ năm 2020 đến nay. Việc tham gia đóng phí trong tham gia BHXH tự nguyện cũng khá linh hoạt, có thể đóng hàng tháng hay hàng quý hoặc 06 tháng, 01 năm. Hiện gia đình đang dự tính mua thêm 01 suất BHXH tự nguyện cho ông xã để khi lớn tuổi, có nguồn thu lo cho cuộc sống hàng ngày, như vậy an tâm hơn.
Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Lệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Đồng Khoen cho biết: lúc đầu hội triển khai mô hình này để những người có điều kiện được tiếp cận và tham gia chính sách BHXH tự nguyện, đồng thời giúp chị em khác thực hiện tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện. Trong từng cuộc họp được Hội triển khai về các quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện cũng như sự linh hoạt trong đóng phí; nhờ thế mà nhiều chị có điều kiện tham gia. Có tiền thì đóng nhiều, chưa có thì đóng hàng tháng. Sau này có lương hưu, rồi có cả thẻ BHYT nữa cũng đỡ được phần nào gánh nặng cho con cháu. Đến nay, trong ấp có 141 người tham gia BHXH tự nguyện, riêng hội viên Hội LHPN có 66 người.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Thời gian qua, ĐVTN huyện Cầu Kè không ngừng cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, vượt khó thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá giàu ở địa phương. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương ĐVTN tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp trong phát triển kinh, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Anh Phạm Thanh Nhiên, Bí thư Chi đoàn ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu vượt khó làm kinh tế giỏi để thoát nghèo.