26/02/2025 07:30
Bài cuối:
Nơi cung cấp dịch vụ nghề cá lớn nhất ở Trường Sa
Khi vực tránh trú bão và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây A.
Theo dòng lịch sử, đảo Đá Tây được hình thành từ sự phun trào của các dãy núi lửa dưới đáy biển nên cấu tạo của dãi san hô trải dài có hình quả trám, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Diện tích thềm san hô đảo Đá Tây rộng khoảng 51km², chiều dài của bãi Đá Tây khoảng 15km, chiều rộng khoảng 03km. Ở giữa có hồ hình vành khuyên, chiều dài hồ khoảng 06km, chiều rộng khoảng 3,5km, độ sâu của hồ từ 18 - 35m. Thềm san hô của bãi Đá Tây có thể phân thành 04 bãi riêng biệt, giới hạn ngăn cách giữa các bãi là luồng vào hồ, độ cao trung bình các cụm bãi từ 0,2 - 0,3m. Ở phía Đông của bãi san hô có doi cát nổi lên, chỗ cao nhất khoảng 0,7m. Tại đây, ngoài âu tàu rất lớn để tàu thuyền tránh trú bão, còn có trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp dịch vụ để ngư dân khai thác ngư trường biển xa.
Về điều kiện khí hậu, thời tiết ở Đá Tây cũng như các đảo khác có 02 mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 02 đến tháng 04, mùa mưa từ tháng 05 đến tháng 01 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26ºc - 30ºc, trong đó thấp nhất khoảng 15ºc và cao nhất có khi lên đến 36°c. Độ ẩm trung bình hàng từ 76 - 80%. Mỗi năm ở đây có hơn 130 ngày có gió mạnh từ cấp 06 trở lên. Gió Đông Bắc thổi từ tháng 10 đến tháng 03 năm sau, gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 05 đến tháng 10. Riêng tháng 04 là tháng có gió nhẹ nhất, đây là thời điểm chuyển tiếp từ gió mùa Đông Bắc sang gió mùa Tây Nam. Từ tháng 07 đến tháng 12 hàng năm thường có bão đi qua khu vực, có những tháng cao điểm mưa to, gió lớn thì âu tàu đảo Đá Tây là nơi trú, tránh an toàn của các tàu cá của ngư dân từ đất liền ra đánh bắt hải sản.
Cán bộ, chiến sĩ và học sinh vui chơi trước Nhà đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trên đảo Đá Tây A.
Thực hiện chủ chương của Quân chủng Hải quân, tháng 4/1988, lực lượng công binh Hải quân đã tiến hành xây dựng một nhà cao chân. Đến tháng 7/1988, Phòng Bảo đảm hàng hải Quân chủng Hải quân đã tiến hành thả 02 phao đánh dấu luồng vào ở phía Đông và thả 03 phao buộc tàu ở phía trong lòng hồ. Tận dụng lợi thế lòng hồ tự nhiên ở phía Đông của đảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư xây dựng dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá với diện tích 7,5ha, âu tàu 13ha, từ khi hoạt động, trung tâm đã cung ứng nhiều dịch vụ hậu cần cho ngư dân đánh bắt trên ngư trường Trường Sa như: cung cấp nước ngọt, đá lạnh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm; sửa chữa tàu thuyền; cùng các lực lượng của Quân đội tham gia cứu hộ tàu thuyền gặp nạn trên biển. Tiếp tục phát triển mở rộng quy mô, Trung tâm đã đưa vào sử dụng nhà kho lạnh, nhà phân loại hải sản, nhà ăn, nhà máy phát điện và bể chứa nước ngọt 3.000m³, xây dựng thêm trạm cung ứng xăng dầu, hệ thống đường dân sinh, đường công vụ. Đây được xem là nơi cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất ở Trường Sa, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày để khai thác hải sản.
Phía Tây của đảo Đá Tây là ngọn hải đăng do Công ty Bảo đảm Hàng hải Việt Nam quản lý, khai thác. Ngọn hải đăng sừng sững hiên ngang giữa biển trời, ngày đêm sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Hải quân vững tay súng bảo vệ bình yên cho các chuyến tàu Việt Nam và bạn bè thế giới đi qua. Đá Tây là đảo đầu tiên của huyện đảo Trường Sa thực hiện dự án xây nhà cộng đồng trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” giai đoạn 1 do báo Tuổi trẻ tổ chức, được bạn đọc cả nước quyên góp, ủng hộ với số tiền trên 17 tỷ đồng để xây dựng.
Theo đó, tại điểm B và điểm C cũng đã được Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dành cho sự quan tâm đặc biệt. Đã đầu tư xây dựng nhà cộng đồng, đưa vào sử dụng góp phần ổn định cuộc sống sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ. Trong những năm qua, đảo Đá Tây đã trở thành địa chỉ đỏ cho ngư dân nghỉ ngơi, chăm sóc y tế, giúp ngư dân ấm lòng hơn, phấn khởi, an tâm bám biển.
Cũng như các đảo trong quần đảo Trường Sa, nguồn điện sử dụng cho sinh hoạt, học tập, công tác và thực hiện các nhiệm vụ khác trên đảo Đá Tây chủ yếu là nguồn điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Khi màn đêm xuống, nhìn từ xa, cụm đảo Đá Tây như một thành phố nhỏ, ngọn hải đăng lung linh, vững chắc giữa biển nước bao la. Hiện nay, các điểm đảo được trang bị đầy đủ hệ thống ti-vi, Karaoke kỹ thuật số hiện đại, trạm thu phát sóng FM, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam và phủ sóng mạng điện thoại, tủ sách, báo... giúp cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo nâng cao đời sống tinh thần, rút ngắn khoảng cách giữa đất liền với đảo. Qua đó nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một góc đảo Đá Tây C.
Nguồn nước ngọt ở đảo Đá Tây được khai thác chủ yếu từ nước mưa. Trong thời gian qua, nhờ được đầu tư trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động và bảo đảm được nhu cầu nước sinh hoạt. Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đảo Đá Tây quán triệt và thực hiện có hiệu quả chương trình “Xanh hóa Trường Sa” do đó những hàng cây xanh tươi ngày càng lớn lên cùng năm tháng và những vườn rau xanh mướt cũng đâm chồi, tươi tốt giữa môi trường khí hậu khắc nghiệt. Đó được xem là thành quả từ công sức và tinh thần tiết kiệm trong sử dụng nước ngọt của cán bộ chiến sĩ đảo Đá Tây.
Phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng; đoàn kết chủ động; khắc phục khó khăn; giữ vững chủ quyền” của Đoàn Trường Sa anh hùng. Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đảo Đá Tây luôn đoàn kết một lòng, hiệp đồng chặt chẽ giữa các điểm đảo với các lực lượng, làm chủ vùng biển, đảo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Nhân dân và các lực lượng trên đảo luôn gắn chặt tình đoàn kết để xây dựng đảo Đá Tây “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”.
Bài, ảnh: BÁ THI
Theo lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với gió mạnh, trong 02 ngày 01-02/4 đã gây sạt lở, vỡ bờ bao và sập nhà của hộ dân trên địa bàn các huyện Cầu Kè, Càng Long và Duyên Hải.