21/06/2024 11:09
Để có được những ấn phẩm báo chí ngày càng hoàn thiện về nội dung, chỉnh chu về hình thức đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc như ngày hôm nay, chúng ta không thể không nhắc đến những cống hiến của những cựu Nhà báo tâm huyết với nghề. Họ được ví như những cánh chim đầu đàn, góp phần khai sáng báo Trà Vinh chữ Khmer.
Ông Sơn Cưa - Nhà báo mặc áo cà sa
Cựu Nhà báo Sơn Cưa.
Năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng cựu Nhà báo Sơn Cưa vẫn nhớ như in ngày đầu đến công tác tại Báo Trà Vinh. Cựu Nhà báo Sơn Cưa kể: tôi công tác ở Báo Trà Vinh chữ Khmer từ năm 1978, lúc đó Báo còn là Tập san và bộ phận làm Báo Trà Vinh chữ Khmer chỉ có tôi và anh Tư Niện (Thạch Niện). Điều đặc biệt là chúng tôi đều là tu sĩ.
Cựu Nhà báo Sơn Cưa cho biết thêm: thời điểm báo viết tay bằng mực tre trên giấy bóng mờ, trước khi trình bày dàn trang báo, tôi phải tính toán chia cột, canh lề, đếm số chữ thật tỉ mỉ. Nếu tính toán sai thì phải bỏ hết trang báo và viết lại từ đầu. Trường hợp đặc biệt khi có tin nóng hoặc văn bản hỏa tóc được Ban Tuyên huấn (nay là Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy) chỉ đạo tuyên truyền thì tôi phải viết lại các trang báo cả ngày lẫn đêm để kịp giao nhà in.
Những ngày đầu tập tành làm báo, để có được ấn phẩm báo chí, Cựu Nhà báo Sơn Cưa phải cất công viết tay từ 04 - 06 ngày mới hoàn thành sản phẩm. Rồi ông cũng tốn chừng ấy thời gian ấy để đi in báo ở tỉnh Vĩnh Long.
Để đáp ứng đội ngũ làm báo, năm 1984 Báo Trà Vinh chữ Khmer tuyển thêm 02 nhân sự mới. Niềm vui có thêm đồng nghiệp cùng chia sẻ công việc chưa được bao lâu thì do hoàn cảnh và điều kiện làm báo khó khăn nên lần lượt cả hai người đều xin nghỉ việc. Còn với cựu Nhà báo Sơn Cưa vẫn “bám nghề”. Ông nói: Tôi tìm thấy niềm vui mỗi khi phát hành báo, được đến thăm các chùa Khmer, được giao lưu với độc giả, được tìm hiểu về đời sống văn hóa đồng bào Khmer, đặc biệt được học hỏi cách trình bày và cải tiến công nghệ làm báo mới từ đồng nghiệp. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là động lực giúp tôi gắn bó cả cuộc đời mình với Báo Trà Vinh chữ Khmer cho đến ngày nhận quyết định nghỉ hưu.
Cựu Nhà báo Thạch Phách - Địch nói không ta nói có, địch nói có ta nói không
Cựu Nhà báo Thạch Phách.
Báo Trà Vinh chữ Khmer, ra đời từ năm 1960, thời điểm này báo viết trên giấy sáp quay rô-nê-ô, phát hành trong bà con người dân tộc vùng giải phóng và len lỏi vào bà con trong vùng ấp chiến lược. Toà soạn di động liên tục từ rừng Long Vĩnh về Càng Long, Cầu Kè, có khi qua Trà Ôn, rồi lại về Càng Long. Cán bộ, phóng viên của báo phải làm việc dưới bom đạn giặc và tự đảm bảo cuộc sống bằng cách đi đặt trúm, cắm câu.
Đến ngày giải phóng, sau khi sáp nhập hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long, Báo Cửu Long chữ Khmer tiếp tục được phát hành, mặc dù kỹ thuật in ấn vẫn còn lạc hậu, những người làm báo vẫn còn nhiều vất vả trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh Cửu Long những năm đầu giải phóng còn nhiều khó khăn vất vã. Thế nhưng, Báo Trà Vinh chữ Khmer vẫn phát hành đều đặn, cung cấp thông tin kịp thời đến bạn đọc, đến cán bộ, đảng viên, chư tăng và đồng bào Khmer trong tỉnh. Những ấn phẩm Báo Trà Vinh chữ Khmer không đơn thuần chuyển ngữ từ Báo phổ thông, mà có lực lượng phóng viên riêng biệt, có cách thức trình bày, nội dung gần gũi với đời sống của đồng bào Khmer.
Với cựu Nhà báo Thạch Phách thì cơ duyên đến với Báo Trà Vinh chữ Khmer khi tái lập tỉnh. Ông chia sẻ: Trước đó, tôi công tác ở Đài Truyền thanh huyện Châu Thành. Đầu tháng 4/1992 tôi nhận nhiệm vụ về công tác ở Báo Trà Vinh chữ Khmer với vai trò là Trưởng Phòng Biên tập Khmer. Đến năm 1996 là Phó tổng Biên tập Báo Trà Vinh.
Tôi còn nhớ, những ngày trước và sau khi tỉnh Trà Vinh mới tái lập, tư tưởng bạn đọc vẫn chưa ổn định và cơ hội cho các thế lực thù địch tuyên truyền những thông tin xấu, độc xuyên tạc, nói xấu về chủ trương, đường lối của Đảng ta. Lúc này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo và định hướng nội dung tuyên truyền phù hợp cho Báo Trà Vinh chữ Khmer. Với phương châm “Địch nói không ta nói có và địch nói có ta nói không” Báo Trà Vinh chữ Khmer đã thực sự là kênh để tiếp nhận thông tin, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc Khmer góp phần ổn định tư tưởng, tình hình chính trị tại địa phương và phát huy tốt tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Công tác trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, chế độ đãi ngộ thấp, thế những cựu nhà báo Trà Vinh chữ Khmer vẫn bám nghề. Họ đã âm thầm góp những viên gạch hồng tạo nền móng vững chắc để Báo phát triển và nhận được sự tin yêu của bạn đọc như ngày hôm nay. Không chỉ là cánh chim đầu đàn góp phần khai sáng Báo Trà Vinh chữ Khmer mà họ còn là những người thầy tận tâm diều dắt các thế hệ Nhà báo hôm nay trưởng thành hơn với nghề.
Những Tờ tin của Báo Trà Vinh chữ Khmer viết tay được Bảo tàng văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh lưu giữ đến ngày nay.
Ngay sau khi tái lập tỉnh, cơ quan Báo Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 703/QĐ-TU, ngày 16/3/1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long; thực hiện theo Công văn số 118/CV-TT, ngày 12/5/1992 của Cơ quan Thường trú Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao tại Thành phố Hồ Chí Minh“Về việc cấp giấy phép tạm thời cho Báo Trà Vinh”. Qua đó, cơ quan báo Trà Vinh được phép hoạt động xuất bản định kỳ mỗi tuần 02 số Báo Trà Vinh chữ Việt và 01 số Báo Trà Vinh chữ Khmer, báo in 4 trang, 2 màu. Đến năm 2001, Báo Trà Vinh chữ Khmer, tăng lên 03 kỳ/tháng; Năm 2008, tăng lên 04 kỳ/tháng. Năm 2016, báo tiếp tục tăng lên 02 kỳ/tuần với số lượng phát hành 2.350 tờ/kỳ và 01 số báo đặc biệt mừng Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây. Ngoài việc phát hành trong cán bộ, đảng viên và đồng bào Khmer, Báo Trà Vinh chữ Khmer còn phát hành đến 143 ngôi chùa Khmer trên địa bàn tỉnh. |
Bài, ảnh: SỐC KHA
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.