26/04/2024 13:17
Đường vào thị trấn Trà Cú được trang trí cờ hoa, chuẩn bị Lễ công nhận huyện NTM.
Nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và Nhân dân
Trà Cú có tổng diện tích tự nhiên 317,53km², có 17 đơn vị hành chính cấp xã (15 xã và 02 thị trấn), 124 ấp, khóm, 43.369 hộ, với 147.419 nhân khẩu (trong đó có 26.857 hộ dân tộc Khmer, chiếm 61,93%). Nay về Trà Cú, dễ thấy rõ bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, sản xuất phát triển, thu nhập của người dân nâng cao.
Các tuyến đường nội ô thị trấn Trà Cú được đầu tư chỉnh trang, tạo điểm nhấn của huyện NTM.
Theo đồng chí Lê Thanh Bình, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện: khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Trà Cú có điểm xuất phát thấp, hạ tầng hạn chế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đầu năm 2011, qua rà soát 19 tiêu chí xây dựng xã NTM, huyện có 02 xã Ngọc Biên và Tân Sơn đạt 10 tiêu chí, xã Long Hiệp đạt 07 tiêu chí, có 03 xã đạt từ 05 - 09 tiêu chí, 09 xã đạt dưới 05 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12,3 triệu đồng/năm. Đặc biệt, hộ nghèo chiếm 33,28%, cao nhất trong tỉnh, huyện có 05 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.
Thời gian qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ giúp đỡ của các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, với quyết tâm chính trị cao nhất, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân, Trà Cú đã xây dựng thành công huyện NTM.
Tuyến đường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp thuộc xã NTM Tân Hiệp.
Thay đổi rõ nét là hệ thống giao thông đã được nhựa hóa và bê-tông hóa với tổng chiều dài 778,16km đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. 15/15 xã có 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa đảm bảo ô-tô đi lại thuận tiện quanh năm, trên 97% đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo ô-tô đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện cả trong mùa mưa. Trong đó, trên 143km đường được trồng cây xanh, trồng hoa các loại, số lượng hơn 100.000 cây, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn, giúp cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch đẹp. Hệ thống thủy lợi của huyện được đầu tư, thực hiện khép kín, chủ động phục vụ tưới, tiêu cho 97,4% diện tích nông nghiệp toàn huyện, 99,92% hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn, trường học, cơ sở y tế đảm bảo các tiêu chuẩn, phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân. Các công trình, phần việc XDNTM đều có sự đóng góp tích cực từ Nhân dân.
Công trình bờ kè thị trấn Trà Cú.
Phát huy thế mạnh nông nghiệp, thủy sản, làng nghề
Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, do đó huyện đã mạnh dạn định hướng người dân chuyển đổi đất trồng lúa, mía kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng sản xuất. Bên cạnh, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ, bố trí lại cây trồng vật nuôi phù hợp với từng mùa vụ, từng thời điểm thích hợp. Bình quân năng suất lúa đạt 5,8 tấn/ha, giá trị sản xuất bình quân trên 01ha đất nông nghiệp 148 triệu đồng/năm, riêng đất nông nghiệp - thủy sản đạt 266,5 triệu đồng/năm.
Bên cạnh, huyện phát huy thế mạnh khai thác đánh bắt thủy, hải sản xa bờ, với 188 tàu, trong đó có 90 tàu công suất lớn, sản lượng đánh bắt hàng năm đạt 28.450 tấn. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh theo quy hoạch, với diện tích 1.770ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt 55.090 tấn. Tổng sản lượng nuôi và đánh bắt thủy, hải sản hàng năm của huyện đạt 83.540 tấn, tạo nguồn thu lớn cho người dân.
Sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Đại An.
Ngoài ra, huyện có 03 làng nghề: làng nghề tiểu thủ công nghiệp (xã Đại An), làng nghề dệt chiếu (xã Hàm Tân) và làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang (sản xuất các mặt hàng từ tre, trúc, tầm vông). Sản phẩm chính của 03 làng nghề hoạt động theo nhóm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: nhóm hàng thủ công mỹ nghệ như đan đát bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ từ nguyên liệu trúc; dệt chiếu nguyên liệu từ cây lác; đóng giường tre, bàn ghế tre, salon tre từ nguyên liệu tre. Sản xuất tại 03 làng nghề được duy trì ổn định, tổng doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng/năm, thu hút gần 3.000 lao động (trên 2.100 lao động thường xuyên), thu nhập bình quân của các lao động từ 6,8 - 7,6 triệu đồng/tháng, góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập và nâng mức sống cho người dân ở nông thôn, tác động tích cực đến thực hiện các tiêu chí XDNTM.
Đồng chí Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết: tương ứng với mỗi tiểu vùng sản xuất, huyện xác định cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực và tập trung các giải pháp chỉ đạo phát triển phù hợp. Đến nay sản xuất nông, ngư nghiệp của huyện phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, trong đó, nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là thế mạnh của huyện. Đồng thời, phát huy thế mạnh các làng nghề, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 62,83 triệu đồng/năm (tăng 35,96 triệu đồng/năm so với năm 2016).
Khai thác hải sản là một trong những thế mạnh kinh tế của huyện Trà Cú.
XDNTM mang đậm nét văn hóa Khmer Nam Bộ
XDNTM được các tầng lớp Nhân dân huyện Trà Cú nhiệt tình hưởng ứng và đồng thuận cao, trong đó đồng bào Khmer đóng vai trò tích cực. Với gần 62% đồng bào Khmer, Trà Cú xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội gắn với XDNTM mang đậm nét văn hóa Khmer Nam Bộ.
Huyện có 37 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo vừa là nơi bảo tồn, lưu giữ di sản văn hóa của đồng bào Khmer qua các thời kỳ. Đặc biệt, là nơi tuyên truyền hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, dạy học ngữ văn Khmer, Pali Khmer cho con em đồng bào dân tộc, góp phần tích cực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào Khmer, hình thành nên các sản phẩm văn hóa, du lịch để thu hút và giới thiệu tới du khách gần xa.
Ngoài tuyên truyền, đồng bào Khmer chung sức, đồng lòng XDNTM, thực hiện vệ sinh môi trường, các vị chức sắc tôn giáo, trụ trì các chùa còn tích cực vận động đóng góp thực hiện các công trình, phần việc XDNTM. Ngoài vận động người dân, các chùa còn hiến trên 9.000m2 đất làm đường nông thôn, mua chậu hoa trang trí một số tuyến đường, ủng hộ bóng đèn chiếu sáng… với tổng số tiền trên 03 tỷ đồng. Bên cạnh, vận động xây dựng 92 căn nhà đại đoàn kết tặng cho gia đình khó khăn về nhà ở, xây dựng 15 cây cầu giao thông nông thôn…
Thượng tọa Trương Văn Biển, trụ trì chùa Phnô Đung (xã Đại An) là người có nhiều thành tích đóng góp XDNTM. Hàng năm, Thượng tọa vận động khoảng 300 triệu đồng duy trì thực hiện các hoạt động an sinh xã hội như: vận động xây nhà ở cho hộ nghèo, tặng quà, bảo hiểm y tế cho học sinh, người dân có hoàn cảnh khó khăn…
Thượng tọa Trương Văn Biển tâm đắc: quá trình XDNTM, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở rất quan tâm, đầu tư xây dựng đường nông thôn, thủy lợi, trường học, điện thắp sáng, xây dựng nhà ở, hướng dẫn sản xuất… giúp đời sống người dân nâng lên, trong đó có Phật tử Khmer. Đặc biệt, tổ chức nhiều hoạt động thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy.
Nông dân Trà Cú đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Trải qua 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM với nhiều khó khăn, thách thức, nay đạt kết quả đáng tự hào. Diện mạo nông thôn của huyện nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên.
Đồng chí Lê Thanh Bình khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Trà Cú sẽ tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt được. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, trường học, thiết chế văn hóa cơ sở. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tiếp tục thu hút và kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp huyện, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch nông thôn, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong giai đoạn tới.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.