24/09/2022 08:04
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh trong buổi tiếp nhận hiện vật do ông Sơn Minh Thắng (trái), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trao tặng cho Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh.
Ông Lê Thành Vinh, Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Trà Vinh cho biết, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thiên nhiên, con người, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm... của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh qua các giai đoạn. Qua đó, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của Nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, Bảo tàng Tổng hợp có trên 12.000 hiện vật các chất liệu. Trong đó có 01 bảo vật quốc gia đã công nhận năm 2016 và 05 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Cúng biển Mỹ Long, Lễ hội Ok Om Bok, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, nghệ thuật múa Rô Băm và nghệ thuật Chằm Riêng Chà Pây của dân tộc Khmer).
Thực hiện kế hoạch hoạt động, hàng năm Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh tiếp tục công tác sưu tầm, trưng bày, kiểm kê và bảo quản hiện vật theo quy định; tham mưu xây dựng các hồ sơ văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh để đưa và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Đăng ký thực hiện nội dung chương trình mục tiêu quốc gia bảo tồn Văn hóa Dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 theo Hướng dẫn số 677/HD-BVHTTDL, ngày 03/03/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đang có nguy cơ mai một.
Những cá nhân đóng góp hiện vật cho bảo tàng được biểu dương năm 2021.
Theo đó, ông Lê Thành Vinh cho biết thêm, từ đầu năm 2022 đến nay đơn vị đã sưu tầm được 408 hiện vật các loại, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bên cạnh, lập danh mục sưu tầm ra hội đồng khoa học 45 hiện vật; khảo sát sưu tầm hiện vật nghề rèn tại ấp Ba Se B, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành; khảo sát sưu tầm hiện vật bộ phận máy bay tại xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long...
Về công tác trưng bày, triển lãm, trong 9 tháng năm 2022 đã thực hiện trưng bày, triển lãm được 03 cuộc với 04 chuyên đề gồm: Trưng bày, triển lãm mừng Đảng, mừng Xuân với 02 nội dung “Văn hóa Óc Eo di tích cấp quốc gia tỉnh Trà Vinh” và “Văn hóa dân tộc Chăm”, với trên 150 hiện vật và 33 hình ảnh, tư liệu khác. Trưng bày, triển lãm kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh với nội dung “Chặng đường hình thành và phát triển sau 30 năm trên vùng đất Trà Vinh”, tại Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ với 198 hình ảnh tư liệu và hiện vật. Thực hiện công tác trưng bày, triển lãm chuyên đề di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cúng biển Mỹ Long với 48 hình ảnh và 18 hiện vật.
Bà Sơn Thị Hiền, viên chức Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh, gắn bó với đơn vị từ ngày thành lập đến nay cho biết, bà rất tự hào mỗi khi thuyết minh cho khách về những nét độc đáo lưu giữ tại bảo tàng. Bên cạnh việc thuyết minh, bà Hiền cảm thấy rất vui khi quảng bá những nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam nói chung và ở tỉnh Trà Vinh nói riêng.
Đối với những hiện vật của đồng bào dân tộc Khmer hiện trưng bày tại bảo tàng, bà Hiền rất tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Hơn nữa, bà Hiền cảm thấy rất vinh dự khi được Đảng, nhà nước rất quan tâm đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa trong thời gian qua.
Cụ thể, mỗi khi có dịp đến Trà Vinh các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đến tham quan bảo tàng; động viên tinh thần cán bộ, viên chức đang công tác tại cơ quan. Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân còn đóng góp những hiện vật quý, góp phần phong phú hơn các hiện vật trưng bày tại bảo tàng.
Về lượng khách tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng, theo ông Lê Thành Vinh, đơn vị thường đón khách tham quan cao điểm vào các dịp lễ, tết và những ngày nghỉ cuối tuần… vào những ngày thường, Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh cũng tiếp đón gần 100 khách/ngày. Ngoài đối tượng du khách, bảo tàng thường đón các đoàn học sinh đến từ các trường dân tộc nội trú, các đoàn khách nước ngoài đến tìm hiểu, nghiên cứu…
Riêng chúng tôi, dù có nhiều lần đến với Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh, nhưng mỗi lần đến là một lần trải nghiệm khá đặc biệt. Bởi tại bảo tàng này, chúng tôi có thể tận mắt xem lại các loại ngư cụ của người nông dân xưa; có thể xem những bộ trang phục, những điệu múa truyền thống hay các loại nhạc cụ của đồng bào Khmer…
Đặc biệt, tại bảo tàng còn lưu giữ 01 bảo vật quốc gia được công nhận vào năm 2016. Đó là ngẫu tượng Linga - Yoni (tượng trưng cho bộ phận sinh thực khí Nam - Nữ) chất liệu bằng đá thủy tinh trong suốt (Crystal rock). Bảo vật này được các nhà khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện trong quá trình khai quật di chỉ khảo cổ học Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú vào năm1986.
Phát huy những kết quả đã đạt được, ông Lê Thành Vinh cho biết trong 03 tháng còn lại của năm 2022, đơn vị dự kiến tiếp tục thực hiện trưng bày, triển lãm khoảng 05 cuộc gồm: Tham gia trưng bày, triển lãm nhân Ngày hội Văn hóa Dân tộc Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng; Trưng bày, triển lãm trang phục truyền thống dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh nhân Tuần lễ Văn hóa, du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ, gắn với Lễ hội Ok Om Bok của tỉnh năm 2022; Trưng bày, triển lãm các hoạt động kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11). Tham gia hoạt động nhân sự kiện “Miền Tây quê em” tại làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam năm 2022; Tham gia hoạt động triễn lãm “Không gian văn hóa Việt Nam” tại Quảng Nam. |
Về hoạt động bảo tồn, những tháng cuối năm 2022, Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh sẽ hoàn chỉnh hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của dân tộc Khmer. Cùng với đó, sẽ tiếp tục thực hiện hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vu Lan Thắng hội, huyện Cầu Kè. Đây là 02 hồ sơ sẽ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh, sẽ xây dựng dự toán, kế hoạch, tờ trình xin chủ trương xây dựng hồ sơ văn hóa phi vật thể nghề dệt chiếu Cà Hom - Bến Bạ tại xã Hàm Tân, huyện Trà Cú để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong năm 2023.
Bài, ảnh: BÁ THI
Vào khoảng 18 giờ ngày 01/4, do ảnh hưởng của đợt triều cường đầu tháng 3 (âm lịch) dâng cao đã làm sạt lở và vỡ 10 đoạn, với chiều dài 130m trên tuyến đê bao Thâm Đưng đoạn đi qua địa bàn ấp Hội An và An Bình, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè đã gây ngập úng cục bộ hơn 10ha diện tích vườn cây ăn trái, hoa màu, ao cá, chuồng trại chăn nuôi và nhà ở của 20 hộ dân ở địa phương.