20/10/2024 06:02
Hội LHPNGP miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có trụ sở chính ở Hà Nội, trở thành thành viên Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với vai trò tập hợp phụ nữ miền Nam Việt Nam đoàn kết chung quanh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng Nhân dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Sau khi Hội LHPNGP miền Nam Việt Nam thành lập (08/3/1961), Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo thành lập Ban vận động thành lập Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh, Ban vận động có 15 thành viên, do đồng chí Phạm Thị Anh, sinh năm 1931, quê quán xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre giữ chức Trưởng Ban vận động. 02 đồng chí: Nguyễn Thị Kiếm (Hai Mỹ) và Nguyễn Thị Ngọc Nga (Ba Rượu), quê quán tỉnh Trà Vinh, làm Phó Trưởng Ban.
Song song với việc vận động thành lập Hội LHPNGP tỉnh, các huyện, thị xã trong tỉnh cũng được Huyện - Thị ủy chỉ đạo đồng thời tiến hành vận động thành lập Hội LHPNGP huyện, thị xã và các xã.
Đồng chí Phạm Thị Anh (bên trái) và đồng chí Võ Thị Đào (02 đồng chí Hội Trưởng Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến chống Mỹ 1963 - 1975). Ảnh tư liệu Hội LHPN tỉnh Trà Vinh
Ngày 08/3/1963, tại ấp Láng Cháo, xã Trường Long Hòa (nay là xã Dân Thành), thị xã Duyên Hải, Ban vận động thành lập Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh tổ chức Đại hội lần thứ nhứt, bầu Ban Chấp hành Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh có 15 thành viên… (Theo: Lịch sử đấu tranh cách mạng của phụ nữ tỉnh Trà Vinh 1930 - 1975 - trang 1959, 1960).
Đồng chí Phạm Thị Anh được bầu giữ chức Hội trưởng.
Đồng chí Nguyễn Thị Kiếm (Hai Mỹ), được bầu giữ chức Phó Hội trưởng.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Nga (Ba Rượu), được bầu giữ chức Ủy viên Thường vụ.
Đồng chí Sơn Thị Xiết (Hai Chánh), được bầu giữ chức Ủy viên Thường vụ.
Đồng chí Trần Thị Xinh (Tư Vân), được bầu giữ chức Ủy viên Thường vụ.
Đồng chí Lê Thị Quế (Mười Thanh), được bầu giữ chức ủy viên Thường vụ.
Đồng chí… (Tám Mừng), được bầu giữ chức Ủy viên Thường vụ.
Đồng chí Lê Thị Huê, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH), giữ chức Hội Trưởng Hội LHPNGP huyện Càng Long.
Đồng chí Ngô Thị Sang (Hai Nhung), Ủy viên BCH, giữ chức Hội Trưởng Hội LHPNGP huyện Trà Cú.
Đồng chí Hà Thị Nhạn (Minh Kiều), Ủy viên BCH, giữ chức Hội Trưởng Hội LHPNGP thị xã Trà Vinh.
Đồng chí Nguyễn Thị Xuyến, Ủy viên BCH, giữ chức Hội trưởng Hội LHPNGP huyện Châu Thành.
Đồng chí Lương Thị Phướng (Út Hợp), Ủy viên BCH, giữ chức Hội Trưởng Hội LHPNGP huyện Duyên Hải (sau đó được thay bởi đồng chí Trần Thị Nhỉ, do đồng chí Lương Thị Phướng được Hội phân công công tác khác)
Đồng chí Trương Thị Nhị, Ủy viên BCH, giữ chức Hội Trưởng Hội LHPNGP huyện Vũng Liêm.
Đồng chí Nguyễn Thị Hai (Hai Lục), Ủy viên BCH, giữ chức Hội Trưởng Hội LHPNGP huyện Cầu Ngang.
Đồng chí Lưu Thị Mai, Ủy viên BCH, giữ chức Hội Trưởng Hội LHPNGP huyện Cầu Kè.
Tại Đại hội lần thứ nhất Hội LHPNGP miền Nam (tháng 3/1965), đồng chí Phạm Thị Anh, Hội trưởng Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh được bầu vào BCH Hội LHPNGP miền Nam Việt Nam. Sau Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí Võ Thị Đào, (1931 - 2006), quê quán xã Long Hữu, huyện Cầu Ngang (nay thị xã Duyên Hải), Tỉnh ủy viên, phụ trách Ban Giao bưu vận tỉnh được Tỉnh ủy điều động sang giữ chức Phó Hội trưởng Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh. Năm 1969, đồng chí Phạm Thị Anh, Hội trưởng Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh được Đảng điều động sang công tác khác tại tỉnh Cần Thơ, đồng chí Võ Thị Đào, Tỉnh ủy viên, Phó Hội trưởng Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh, được Tỉnh ủy chỉ định giữ chức Hội trưởng Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh.
Năm 1965, Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh hưởng ứng phong trào thi đua “5 tốt” do Trung ương Hội LHPNGP miền Nam Việt Nam phát động với nội dung:
Đoàn kết đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận tốt;
Lao động sản xuất, tiết kiệm tốt;
Chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh tốt;
Học tập văn hoá, chính trị, chuyên môn tốt;
Rèn luyện tư cách đạo đức tốt.
Ra đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân miền Nam Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, những người làm công tác Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh đã cùng Nhân dân vùng căn cứ xã Trường Long Hòa, lạc quan hát vang những lời ca giữ vững niềm tin trong bom đạn:
“Vang tiếng sấm rền, rừng xanh muôn ánh sao
Duyên Hải oai hùng toàn dân nức lòng son sắt
Qua bao gian nguy, vượt bao nguy nan, xem thường bon đạn Mỹ
Theo Đảng dẫn đường, ta quyết chiến bảo vệ quê nhà
Kìa xem, bao chiến công ta tô thắm nương khoai đượm tình quê hương
Ngày nay, ta quyết chăm lo sản xuất nuôi quân
Nguyền bám lấy quê hương này
Hoan hô quân dân Trà Vinh hiên ngang
Hoan hô hoan hô, Trường Long Hòa chiến thắng”.
Hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động (năm 1965), Nhạc sĩ Hoàng Vân lấy cảm hứng từ hoạt động kết nghĩa giữa ba tỉnh Thái Bình - Vĩnh Long - Trà Vinh, sáng tác bài hát “Hai Chị Em”, được Đài Tiếng nói Việt Nam phổ biến trên sóng phát thanh và nhanh chóng nằm lòng của hầu hết cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến:
“Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh,
Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình.
Hai chị em trên hai trận tuyến,
Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang.
Trang sử vàng chống Mỹ cứu nước,
Sáng ngời tên những cô gái Việt Nam”.
...
“Tay không cướp bót giết giặc trừ gian,
Một sương hai nắng đi gặt dưới bom đạn.
Mỗi trận thắng em nghe chị hát,
Vui mùa lúa chín nghĩa cả tình sâu.
Em hiểu rằng mỗi gánh thóc mới,
Có mồ hôi lẫn xương máu của ta”.
Tháng 4/1975, đồng chí Võ Thị Đào, Tỉnh ủy viên, Hội trưởng Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh được Bí thư Tỉnh ủy chỉ định làm thành viên Ban Chỉ huy khởi nghĩa cùng với các đồng chí: Trần Văn Tư (Tư Tranh, sinh năm 1933, Tỉnh ủy viên), Thạch Nhân (Tư Nhân, Tỉnh ủy viên - Phó Trưởng Ban An ninh tỉnh), Thạch Minh Mẫn (Ba Thành, Ủy viên Thường vụ Thị ủy), trong Ban chỉ huy Tổng công kích tổng khởi nghĩa giải phóng thị xã Trà Vinh đã kiên cường bên cạnh các cánh quân ta, lãnh đạo phong trào phụ nữ binh vận, bất chấp hiễm nguy, xông vào lửa đạn lôi kéo chồng, con, em, không chống lại khi bị quân giải phóng tiến công, bỏ hàng ngũ địch về với gia đình, hạn chế thấp nhất thương vong cho hai phía ta và địch khi chiến sự diễn ra sáng ngày 30/4/1975 tại mặt trận thị xã Trà Vinh.
Phụ nữ tỉnh Trà Vinh đào chiến hào cùng lực lượng võ trang bao vây đồn bót địch (Ảnh: Trần Điền chụp lại từ tập ảnh “Đồng bằng sông Cửu Long - Nơi chiến tranh đã đi qua” - Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau chủ biên - Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2003).
Mười tám năm (1963 - 1975), lãnh đạo phong trào cách mạng của phụ nữ và xây dựng tổ chức Hội, Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ cùng quân dân tỉnh Trà Vinh, quân và dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, thống nhất nước Việt Nam.
Đóng góp máu xương vào chiến công vẻ vang của dân tộc, Hội LHPNGP các cấp tỉnh Trà Vinh có 109 cán bộ Hội hy sinh được công nhận liệt sĩ, 222 cán bộ Hội bị thương được công nhận thương binh, 415 liệt sĩ, 725 thương binh, là nữ cán bộ, chiến sĩ các ngành, các địa phương trong tỉnh. Tỉnh Trà Vinh có 09 nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Theo: Lịch sử đấu tranh cách mạng của phụ nữ tỉnh Trà Vinh 1930 - 1975 - NXB), 3.380 mẹ liệt sĩ được Chủ tịch nước phong, truy tặng Danh hiệu cao quý: Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Theo Trang tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh ngày 24/7 2024).
Tháng 6/1976, Hội LHPNGP miền Nam Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thống nhất trong cả nước thành một tổ chức là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Ấp Láng Cháo, xã Trường Long Hòa (năm 1963) là căn cứ đầu tiên của cơ quan Hội LHPNGP tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến chống Mỹ. Ấp Láng Cháo, xã Dân Thành ngày nay là “căn cứ” của Trung tâm Điện lực Duyên Hải.
Theo tác giả Mộng Huyền, Văn phòng Công ty Nhiệt điện Duyên Hải trên Trang tin điện tử Công đoàn điện lực Việt Nam ngày 23/02/2024, thì: “Vào lúc 00 giờ 19 phút ngày 17/02/2024, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã chính thức cán mốc sản lượng điện sản xuất đạt 100 tỷ kWh. Đây là dấu mốc quan trọng của Công ty sau hơn 09 năm thành lập, đóng góp tích cực trong việc cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia”. Cũng theo nguồn tin trên, tính đến hết năm 2023, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước tỉnh Trà Vinh hơn 9.871 tỷ đồng.
Ấp Láng Cháo nay thuộc xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, đang trong tiến trình cùng thị xã xây dựng đô thị văn minh.
TRẦN VĂN ĐIỀN (sưu khảo)
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.