02/06/2023 07:45
Cây thanh long ruột đỏ ở Càng Long.
Càng Long hiện có 21.269 hội viên nông dân, đạt 89,13% so với hộ nông nghiệp; có 9.678 hội viên nòng cốt. Chất lượng hoạt động của cơ sở Hội, chi tổ hội được nâng lên, hàng năm có từ 95% trở lên cơ sở Hội, chi tổ hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có cơ sở Hội, chi tổ hội không hoàn thành nhiệm vụ. |
Đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Càng Long cho biết: nông dân huyện Càng Long luôn có tinh thần đoàn kết, hợp tác phát triển trong lao động sản xuất. Hội viên nông dân luôn phấn đấu vượt qua khó khăn, chủ động tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương và nhu cầu của thị trường… Nhờ vậy đời sống vật chất lẫn tinh thần của hội viên nông dân ngày càng được nâng lên.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân huyện Càng Long tiếp tục đề ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất. kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đưa phong trào từng bước phát triển cả về chất và lượng. Trong nhiệm kỳ, toàn huyện có hơn 76.100 hộ đăng ký danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, qua bình xét, có 42.888 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG.
Nhiều tấm gương nông dân vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, nguồn vốn để phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả. Nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm triệu đồng, thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng, trở thành những hộ nông dân SXKDG.
Điển hình như mô hình nuôi gà kết hợp với trồng màu của ông Nguyễn Văn Hỗ, ấp Phú Phong, xã Bình Phú; mô hình trồng thanh long ruột đỏ của bà Nguyễn Thị Tặng, ấp Phú Hưng 1, xã Bình Phú; mô hình trồng lúa chất lượng cao của ông Nguyễn Văn Đảm, ấp Cây Cách, xã Bình Phú; mô hình trồng gấc của ông Phan Trung Hòa, ấp Phú Hưng 1, xã Bình Phú… bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống, ổn định xã hội, tạo lòng tin của nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tổ chức Hội.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW, ngày 27/7/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Hội nông Dân Việt Nam về “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025”, toàn huyện hiện có 23 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động với 532 thành viên, 130 tổ hợp tác có 2.071 thành viên. Các ngành nghề truyền thống như: se lõi lác, se tơ xơ dừa, đan đát, làm bánh… đang được khôi phục và phát triển trở thành các tổ hợp tác, HTX góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi có thu nhập ổn định từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày.
Điển hình như mô hình trồng lúa kết hợp chăn nuôi heo của ông Nguyễn Tấn Thảo, ấp Mỹ Hiệp, xã Đức Mỹ mang lại thu nhập trên 600 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động; mô hình trồng bưởi da xanh của ông Phan Văn Huệ, ấp Nhuận Thành, xã Đức Mỹ cho thu nhập 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động; mô hình trồng lác và nuôi bò của ông Nguyễn Văn Quyên, ấp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ cho thu nhập 440 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, mô hình trồng thanh long ruột đỏ, chanh dây leo kết hợp trồng màu, nuôi thủy sản của ông Nguyễn Văn Nguyên và ông Nguyễn Văn Hiện, ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho từ 15 - 20 lao động.
Nông dân Càng Long thu hoạch lúa.
05 năm qua, Hội Nông dân huyện và cơ sở Hội vận động đóng góp xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân trên 1,168 tỷ đồng. Đến nay, hội viên nông dân được tiếp cận vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đầu tư là 42 dự án, đang theo dõi đầu tư 21 dự án, số tiền 7,125 tỷ đồng cho 265 hộ vay thực hiện các mô hình sản xuất như: nuôi bò sinh sản, nuôi cua đinh, trồng cây có múi.
Các dự án từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hộ vay vốn. Thông qua dự án, Hội lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, hội viên nông dân; tập hợp nông dân có cùng ngành nghề sản xuất vào các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; định kỳ hàng tháng, các tổ vay vốn duy trì sinh hoạt để các hộ vay trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ thông tin thị trường đầu vào, đầu ra sản phẩm hàng hóa nông sản.
Cùng với đó, Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở Hội duy trì giao dịch và họp giao ban thường xuyên với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để củng cố và nâng cao hiệu quả 67 tổ tiết kiệm và vay vốn với 2.589 hộ vay, tổng dư nợ 70,917 tỷ đồng với 11 chương trình cho vay. Thông qua các dự án chương trình vay vốn, có nhiều tấm gương nông dân vượt qua khó khăn, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, nguồn vốn để phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Văn Khoa cho biết: phát huy những kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Nông dân huyện Càng Long tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tập trung hướng về hội viên nông dân, sát với hội viên nông dân, củng cố nâng cao chất lượng tổ chức Hội; Phối hợp và thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề cho hội viên nông dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Vận động hội viên hùn vốn xoay vòng giúp nhau trong sản xuất, vận động hội viên chuyển đổi từ đất vườn tạp và đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao; tăng cường xây dựng tổ hội nông dân nghề nghiệp kiểu mẫu, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, xây dựng thành lập chi, tổ hội nông dân trong tổ hợp tác, HTX hiện có… qua đó tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát huy tính năng động sáng tạo, tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ về giúp vốn, vật tư, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh… để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. |
Bài, ảnh: KIM LOAN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.