21/06/2021 08:36
Phải tự học để nâng cao tay nghề
Năm 2008, Nhà báo Thạch Thị Sốc Kha nhận nhiệm vụ công tác và được phân công làm phóng viên Phòng Biên tập Khmer, Báo Trà Vinh. Trước đó 02 năm, Nhà báo Thạch Thị Sốc Kha làm phóng viên của VTV5 (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Cần Thơ). Với nhiệm vụ là phóng viên, công việc chính của chị là tiếp cận thông tin, đưa tin, viết bài, biên dịch các tin, bài từ chữ Việt sang chữ Khmer. Vì đặc thù là Báo Trà Vinh chữ Khmer, nên chị cũng thường xuyên đi đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào Khmer để tiếp cận, nắm bắt và kiểm chứng thông tin, thường xuyên tiếp xúc với đồng bào Khmer để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những vấn đề “nóng” của xã hội đang diễn ra trên địa bàn để viết bài phản ánh.
Ban đầu, do chưa tiếp cận được cơ sở nên chị thấy có phần áp lực nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo cụ thể của những anh, chị phóng viên đi trước là nguồn động viên giúp chị dần tiếp cận được với cơ sở và gắn bó với nghề. Theo chị Sốc Kha, để “trụ” được với nghề, ngoài lòng đam mê, những nhà báo nữ phải giải quyết tốt áp lực giữa công việc chuyên môn và gia đình, công việc đột xuất, không ổn định giờ giấc và nguy cơ đối mặt với những vấn đề phức tạp của xã hội… Chị chia sẻ: tuy nghề báo rất vất vả, nguy hiểm nhưng đã đem đến cho tôi rất nhiều niềm vui, những trải nghiệm trong cuộc sống, giúp tôi nâng cao kiến thức, hiểu biết xã hội... Chia sẻ về quá trình công tác chị Sốc Kha cho biết: bản thân tôi luôn trăn trở “Làm thế nào để có được tác phẩm báo chí hay, chất lượng cao?”. Để tìm được câu trả lời là cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, đặc biệt không bỏ cuộc trước những thất bại của bản thân. Có được những tác phẩm tâm huyết, được sự khích lệ của đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan tôi bắt đầu tham gia các cuộc thi do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hàng năm như: Giải báo chí Nêu gương “Người tốt - Việc tốt”, giải Báo chí chất lượng cao… tuy nhiên, kết quả những lần đầu tham gia không như mong đợi. Không nản lòng, không vì thế mà chùn bước, chị bắt đầu tìm đọc những bài viết của đồng nghiệp đã đạt giải cao, những tác phẩm hay từ báo bạn để nâng cao kiến thức, qua đó học hỏi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề và tiếp tục tham gia các cuộc thi.
Để có được nguồn tư liệu dồi dào, ngoài các tài liệu sẵn có, các thông tin trên mạng internet, sách báo, chị thường xuyên học hỏi đồng nghiệp cách thu thập thông tin, khai thác đề tài và lựa chọn nội dung nổi bật để tạo tác phẩm báo chí mang phong cách riêng của mình. Với mỗi nhà báo, mỗi cuộc thi là một lần thử sức, để từ đó trưởng thành hơn với nghề, có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng làm hành trang để từng bước nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí không chỉ là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, mà còn là đòi hỏi cấp bách được các cơ quan báo chí đặc biệt chú trọng. Đó không chỉ là lương tâm, trách nhiệm, mà còn là sự khẳng định vị thế, uy tín và sự tồn tại của mỗi cơ quan báo chí.
Nhà báo truyền hình và kỷ niệm khó quên
Hiện nay, báo chí truyền thông tỉnh nhà đang có một đội ngũ làm báo trẻ kế thừa. Với sức trẻ năng động, dưới sự dìu dắt của đơn vị, cơ quan báo chí, các bạn trẻ đã tích cực dấn thân trên các mặt trận, góp phần thực hiện công tác tuyên truyền cho tỉnh nhà. Trong số đó có thể kể đến nhà báo Trần Thị Xuân Thảo, phóng viên tác nghiệp ở mảng thời sự - chuyên đề thuộc Phòng Thời sự - Chuyên đề, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh.
“Năm 2016, “chập chững” bước vào nghề làm báo, đặc biệt là báo truyền hình với nhiều bỡ ngỡ về nghề nghiệp, non nớt về kinh nghiệm nên tôi luôn thấy áp lực, khó khăn về nghiệp vụ, từ cách liên hệ với cơ sở, khả năng thu thập, xử lý thông tin đến kỹ năng viết tin, bài...”. Đó là chia sẻ của phóng viên Xuân Thảo về những ngày đầu bước vào nghề phóng viên truyền hình.
Theo Xuân Thảo, vai trò của nhà báo trẻ trong bối cảnh báo chí hiện đại ngày nay là phải kế thừa được truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam và phát triển cho hợp xu thế hiện đại. Với vai trò là phóng viên, người làm báo cần trau dồi và rèn luyện nhiều hơn nữa về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức xã hội và tu dưỡng bản thân để góp sức tuyên truyền, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đổi mới và phát triển.
Chia sẻ về những kỷ niệm trong nghề làm báo, Xuân Thảo kể lại: hơn 04 năm làm phóng viên truyền hình, kỷ niệm khó quên nhất với tôi là chuyến công tác tại huyện Cầu Kè vào dịp tết Nguyên đán xuân Mậu Tuất năm 2018. Khi ấy Thảo chọn đề tài về nhà vườn chuẩn bị trái cây phục vụ Tết. Sau khi liên hệ với cơ sở, Xuân Thảo cùng với phóng viên quay phim xuống tận nhà vườn để ghi hình và phỏng vấn trực tiếp nhà vườn. Khi đi qua các cây cầu khỉ bắt tạm để sang vườn trái cây thì Xuân Thảo bị rơi xuống nước, ướt cả người lẫn sổ tay… nhưng với sự say mê công việc Xuân Thảo vẫn tiếp tục thực hiện nốt chương trình theo kịch bản đã chuẩn bị từ trước.
Nghề báo là công việc của những người “không bao giờ biết mệt”, do tính chất công việc nên ít được nghỉ ngơi mà phải luôn sẵn sàng với công việc để kịp thời đưa thông tin chính xác đến độc giả. Tuy nghề báo là nghề vất vả, nguy hiểm nhưng nó đã đem đến cho những người làm báo rất nhiều niềm vui, những trải nghiệm trong cuộc sống, tạo điều kiện trau dồi thêm nhiều kiến thức, hiểu biết xã hội...
Vẫn biết, sẽ còn những chông gai ở phía trước, dù có khó khăn thì những người làm báo, nhất là nhà báo nữ vẫn không lùi bước mà tiến về phía trước tiếp tục dấn thân trên mặt trận tuyên truyền, góp phần đưa thông tin đến với độc giả.
KIM NGÂN
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.