17/12/2020 13:10
Khui heo đất vào kỳ sinh hoạt lệ của Chi hội hàng tháng.
Hàng tháng khi đến kỳ sinh hoạt lệ của Chi hội, nhiều hội viên phụ nữ ở ấp Rạch Đập, xã Nhị Long mang theo những con heo đất tiết kiệm được tích lũy số tiền trong 01 tháng qua, để cùng nhau khui ra và đóng tiền tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân hoặc cho cả người thân theo từng gói bảo hiểm tương thích với mức thu nhập có được. Những con heo tiết kiệm được BHXH huyện Càng Long hỗ trợ nhằm khơi dậy tinh thần tích lũy và việc tổ chức thu cũng được hỗ trợ thực hiện tại chỗ nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân.
Bà Phạm Thanh Thưởng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Rạch Đập, xã Nhị Long tâm sự: “Hồi xưa cán bộ đi làm mới có lương hưu, còn giờ Nhà nước mở rộng ra trong dân để tự nguyện tham gia để có lương hưu, qua phát động thấy lợi ích nên vận động và được chị em hưởng ứng…”.
Mỗi con heo tiết kiệm được tặng, gắn kèm thông điệp “ích nước lợi nhà khi tham gia BHXH tự nguyện” nhằm tuyên truyền cho người dân có thêm cách thức tiết kiệm hàng ngày để chăm lo cho bản thân khi tuổi về già. Thấu hiểu ý nghĩa từ việc tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân, dù kinh tế gia đình vẫn còn gặp khó khăn nhưng chị Huỳnh Thị Thu, hội viên Chi hội phụ nữ ấp Rạch Đập vẫn chắt chiu một phần thu nhập để làm “của để dành” khi có tuổi. Chị Thu cho biết thêm: “giờ mình không khá giả nhưng nhính chút để tham gia, về sau con cháu đỡ lo…”.
BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta, được Nhà nước đảm bảo, quản lý và hỗ trợ. Do đó, cho dù điều kiện cuộc sống hiện tại của gia đình đang khá ổn định, có “của ăn của để” nhưng chị Nguyễn Thị Phương Thảo ở ấp Dừa Đỏ 1, xã Nhị Long vẫn tự nguyện đăng ký tham gia BHXH cho bản thân. Chị Thảo cho rằng tham gia BHXH là để “phòng thân” khi về già.
Ngoài đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì mọi thành phần công dân Việt Nam đều có thể tham gia và người dân được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng cho phù hợp với mức thu nhập, điều kiện của mình. Đồng thời, khi tự nguyện tham gia, được Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất nếu không may xảy ra và được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Bà Ngô Thị Sẩm ở ấp Rạch Rô 2, xã Nhị Long cho biết: “gia đình chị có 01 đứa con bị bệnh từ 6 tuổi, nay 22 tuổi. Hàng tháng từ tiền bảo trợ xã hội, chị trích ra phân nửa để tham gia BHXH cho con để phòng khi về già, thấy cũng an tâm”.
Từ ý nghĩa và hiệu quả mang lại, đến nay phong trào nuôi heo tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện đã được lan tỏa ra 04 ấp của xã Nhị Long, huyện Càng Long và thu hút ngày càng đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Theo BHXH huyện Càng Long, qua thời gian phát động từ tháng 07/2020 đến nay toàn huyện đã thành lập được 04 tổ heo đất tiết kiệm và vận động được gần 300 người tham gia BHXH tự nguyện.
Để phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2021, có khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 01% lực lượng lao động trong độ tuổi. Ngành BHXH huyện Càng Long xác định nhiều giải pháp thiết thực mang tính đột phá và bền vững lâu dài để triển khai. Theo đó, việc duy trì và mở rộng mô hình “Tặng heo đất tiết kiệm tiền tham gia BHXH tự nguyện” cho mỗi người dân khi đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện lần đầu đang được ngành chú trọng khai thác và phát huy.
Bài, ảnh: KIM TRÀ
Tại chương trình, Chi hội Xanh yêu thương phối hợp tổ chức các trò chơi dân gian dành cho học sinh và thành viên chi hội tham gia. Qua đây, Chi hội Xanh yêu thương tặng 50 phần quà, mỗi phần trị giá 1,2 triệu đồng. Tổng kinh phí quà tặng 60 triệu đồng.