23/08/2021 06:02
Đặc biệt là việc tổ chức và lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là ông Hoàng Minh Châu - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng và là một đại biểu Quốc hội làm rạng danh vùng đất bên dòng sông Đồng Nai anh dũng.
Ông Hoàng Minh Châu. |
Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công tại Sài Gòn - Gia Định, Xứ ủy và Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ chỉ định Hoàng Minh Châu, người phụ trách Tỉnh ủy Biên Hòa kiêm nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh. Dưới sự chủ trì của ông, Tỉnh ủy và Ủy ban Khởi nghĩa đã nhanh chóng vạch kế hoạch và huy động lực lượng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn tỉnh, mà trước hết là tại tỉnh lỵ Biên Hòa.
Theo đó, sáng ngày 26/8/1945, lực lượng Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt cùng đông đảo quần chúng các huyện kéo về, hỗ trợ lực lượng quần chúng tỉnh lỵ, nổi dậy khởi nghĩa. Đúng 11 giờ cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Hoàng Minh Châu dẫn đầu đoàn Thanh niên Tiền phong đến Tòa bố (Dinh Tỉnh trưởng), buộc Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Quý giao chính quyền cho Nhân dân, mà đại diện là Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh.
Chính quyền nhân dân tỉnh Biên Hòa được thành lập vào đêm 26/8/1945, với tên gọi là Ủy ban Hành chánh Lâm thời (gọi tắt là Lâm ủy Hành chánh), do Hoàng Minh Châu làm Chủ tịch, thực hiện chức năng quản lý và điều hành xã hội, trực tiếp lãnh đạo các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh xây dựng cuộc sống mới và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ. Sáng ngày 27/8/1945, tại Quảng trường Sông Phố, hàng ngàn người dân thuộc mọi tầng lớp, các đoàn thể cứu quốc, chức sắc tôn giáo, dân tộc, kể cả công chức và binh lính chế độ cũ kéo về dự buổi mittinh ra mắt chính quyền. Chủ tịch Lâm ủy Hành chánh Hoàng Minh Châu trịnh trọng tuyên bố: “Kể từ nay, chánh quyền cách mạng của Việt Minh là của nhơn dân. Lâm ủy Hành chánh Biên Hòa kêu gọi đồng bào trong tỉnh cùng chung sức với chánh quyền xây dựng chế độ mới!”.
Ngày 06/01/1946, cử tri Biên Hòa, trong điều kiện ra sức chống thực dân Pháp tái xâm lược, vẫn tham gia thực hiện quyền làm chủ của mình tại cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên. Hoàng Minh Châu là một trong năm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của tỉnh Biên Hòa. Cuối tháng 02/1946, Hoàng Minh Châu ra Hà Nội dự phiên họp thứ nhất của Quốc hội, bầu ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, bầu Ban Soạn thảo Hiến pháp và quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước, diễn ra vào ngày 02/3/1946. Trên đường về Nam, đại biểu Hoàng Minh Châu bị mật thám Pháp bắt, giải về bót Catinat (Sài Gòn). Trước những trận đòn tra tấn dã man, chết đi sống lại, Hoàng Minh Châu vẫn kiên cường, bình tĩnh vận dụng luật pháp quốc tế đấu tranh: “Tôi là Nghị sĩ Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nước độc lập, có chủ quyền, được quốc tế thừa nhận. Theo luật quốc tế, nghị sĩ quốc hội được quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Tôi nay bị các ông còng trói, khắp thân thể đầy thương tích. Như vậy, nước các ông tự xưng là dân chủ, văn minh được sao?”.
Được tin, báo chí và dư luận tiến bộ Sài Gòn, rồi không bao lâu sau lan cả sang báo chí và dư luận tiến bộ Pháp đồng loạt lên tiếng phản đối vụ bắt giữ trái phép Nghị sĩ Quốc hội Hoàng Minh Châu. Từ Hà Nội, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gởi Công hàm tới Toàn quyền Đông Dương tại Sài Gòn và Chính phủ Pháp tại Paris, phản đối vụ bắt giữ này, xem như hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vi phạm Hiệp định Sơ bộ mà hai bền vừa ký kết. Cuộc đấu tranh đòi thả Hoàng Minh Châu phát triển thành cuộc đấu tranh công nhận tính pháp lý quốc tế của đại biểu quốc hội và Quốc hội nước Việt Nam buổi đầu thành lập, cũng có nghĩa là đấu tranh công nhận nền độc lập của nước Việt Nam non trẻ.
Không để sự kiện diễn biến theo chiều hướng bất lợi kéo dài, cuối cùng, thực dân Pháp buộc phải đưa Hoàng Minh Châu ra thả vô điều kiện tại Hà Nội.
Về nước sau chuyến đi Pháp, tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Phòng Nam Bộ (một cơ quan của Chính phủ phụ trách về tình hình miền Nam) thăm và khuyên Hoàng Minh Châu an tâm ở lại Hà Nội chữa bệnh và công tác tại Ban Thường trực Quốc hội. Tuy nhiên, Hoàng Minh Châu đã đề đạt lên Người nguyện vọng được trở về miền Nam, trực tiếp cầm súng chiến đấu chống thực dân xâm lược. Thể theo nguyện vọng đó, cuối năm 1946, Hồ Chủ tịch đã cử Hoàng Minh Châu làm Đặc phái viên của Quốc hội và Chính phủ bên cạnh Ủy ban Kháng chiến Hành chánh các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Thực hiện trọng trách đó, Đặc phái viên Hoàng Minh Châu có mặt từ chiến khu Tháp Mười đến vùng căn cứ U Minh; từ các tỉnh bên Sông Tiền đến miền đất bên sông Hậu… cùng Ủy ban Kháng chiến Hành chánh các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ổn định đời sống Nhân dân, xây dựng cuộc sống mới, xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức cuộc kháng chiến lâu dài với thực dân xâm lược.
Đầu năm 1948, do di chứng từ những trận đòn thù tàn bạo, sức khỏe Hoàng Minh Châu dần suy kiệt. Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Vĩnh Long đưa ông về Quân y viện điều trị với chế độ đặc biệt. Ngày 19/8/1948 Đặc phái viên Hoàng Minh Châu từ trần tại khu Điều dưỡng thuộc xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Thi hài ông được Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Trà Vinh đưa về chôn cất tại quê nhà, Ấp 4, xã An Trường, huyện Càng Long.
Tháng 7/1998, đúng 50 năm sau ngày Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh tỉnh Biên Hòa Hoàng Minh Châu hy sinh, Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức chuyến hành hương về xã An Trường, xây lại ngôi mộ khang trang và tặng quà tri ân gia đình ông. Những người làm công tác nghiên cứu tại Trà Vinh mới biết về thân thế, sự nghiệp của người chiến sĩ cách mạng kiên cường ấy.
Hoàng Minh Châu, tên thật là Nguyễn Thành Vĩ (Tư Vĩ), sinh năm 1912, tại An Trường (Càng Long) trong một gia đình trung nông có đất ruộng, đất vườn, đời sống phong lưu khá giả. Sau khi học hết bậc tiểu học tại tỉnh lỵ Trà Vinh, Nguyễn Thành Vĩ được gia đình đưa lên học trung học tại Collège de Mytho và lấy bằng Diplome năm 17 tuổi. Thời gian học ở Mỹ Tho, ông được nhà cách mạng đàn anh Phạm Văn Thiện (Tức Phạm Hùng) giác ngộ lý tưởng, giao công tác và kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.
Trở về An Trường, Nguyễn Thành Vĩ tiếp tục hoạt động và khi Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội chuyển thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (mùa Xuân 1930), Nguyễn Thành Vĩ là một trong những đảng viên đầu tiên. Sau cuộc biểu tình ngày 01/8/1930, Nguyễn Thành Vĩ bị thực dân bắt, kết án một năm tù.
Ra tù, Nguyễn Thành Vĩ được rút lên công tác tại Đặc khu ủy Hậu Giang (bao gồm các tỉnh phía nam sông Tiền), phụ trách công tác tuyên truyền. Năm 1934, trước tình hình phong trào cách mạng miền Đông gặp nhiều khó khăn, Xứ ủy Nam kỳ quyết định rút một số cán bộ cán tỉnh miền Tây, thực hiện chuyến “Xuyên Đông”, tăng cường cho các tỉnh miền Đông Nam bộ. Trong đó, Nguyễn Thành Vĩ, với bí danh Hoàng Minh Châu được Xứ ủy phân công về phụ trách phong trào hai tỉnh Biên Hòa và Đồng Nai Thượng. Đầu năm 1935, Hoàng Minh Châu cùng với một đảng viên địa phương là Lưu Văn Viết trực tiếp bám quần chúng, xây dựng cơ sở và phong trào, thành lập Chi bộ Bình Phước - Tân Triều, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Đồng Nai ngày nay. Từ Chi bộ Bình Phước - Tân Triều, phong trào cách mạng vô sản phát triển dần sang các huyện và tỉnh lỵ Biên Hòa. Một số Chi bộ, rồi các Quận ủy được thành lập, tổ chức và lãnh đạo quần chúng trong tỉnh đấu tranh chống thực dân, phong kiến trong phong trào Mặt trận Dân chủ 1936 - 1939 sôi động.
Tháng 9/1939, Thế chiến thứ hai nổ ra, chính quyền thực dân Pháp áp dụng pháp luật thời chiến, thẳng tay đàn áp, khủng bố các phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng. Đầu năm 1940, theo chỉ đạo của Xứ ủy, Hoàng Minh Châu tập hợp một số cán bộ cốt cán, củng cố lại Tỉnh ủy Biên Hòa, do ông trực tiếp phụ trách (sau Khởi nghĩa tháng 8/1945, Tỉnh ủy Biên Hòa được củng cố lại lần nữa. Do yêu cầu công tác, Hoàng Minh Châu là Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh tỉnh). Hoàng Minh Châu cùng Tỉnh ủy Biên Hòa đã lãnh đạo phong trào cách mạng hai tỉnh Biên Hòa, Đồng Nai Thượng vượt qua giai đoạn khó khăn, ác liệt, dưới chính sách khủng bố trắng của thực dân Pháp, xây dựng lực lượng, tiến tới cuộc khởi nghĩa dậy sóng Đồng Nai mùa thu năm 1945.
Tưởng nhớ nhà cách mạng từng làm dậy sóng cách mạng Đồng Nai, tên tuổi người trai nghĩa dũng An Trường Hoàng Minh Châu được trân trọng đặt tên cho một con đường tại trung tâm thành phố Biên Hòa.
TRẦN DŨNG
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.