20/04/2022 09:08
Ông Lê Thanh Bình. |
Phóng viên: Thưa ông, ông có thể điểm lại khái quát những khó khăn của Trà Cú những năm trước đây?
Ông Lê Thanh Bình: Năm 2009, Trà Cú là một trong 62 huyện nghèo của cả nước (theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ “về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững”). Năm 2011, thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu XDNTM, Trà Cú là một trong 07 huyện của cả nước có tỷ lệ hộ nghèo cao được hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương theo Quyết định số 615/QĐ-TTg, ngày 25/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Thời điểm đó, tuy địa phương rất nỗ lực, nhưng do kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhiều vùng đất bị nhiễm phèn, mặn, kém màu mỡ, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp chậm, cơ cấu kinh tế chưa chuyển đổi phù hợp, tiềm năng đất đai chưa được phát huy. Bên cạnh, khả năng huy động vốn đầu tư còn hạn chế. Do đó, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, kinh tế tăng trưởng thiếu đồng bộ, sức cạnh tranh còn thấp.
Phóng viên: Những nỗ lực của Trà Cú trong chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM?
Ông Lê Thanh Bình: Cuối năm 2020, Trà Cú thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước, bộ mặt nông thôn Trà Cú đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hiện Trà Cú có 12/15 xã đạt danh hiệu xã NTM; trong đó, 02 xã (Ngọc Biên và Đại An) đạt 20/20 tiêu chí xã NTM nâng cao, huyện đạt 06/09 tiêu chí huyện NTM. Phấn đấu năm 2022, xây dựng 03 xã còn lại (Ngãi Xuyên, Kim Sơn, Hàm Giang) đạt chuẩn xã NTM và huyện thực hiện 03 tiêu chí còn lại trong xây dựng huyện NTM.
Cơ cấu kinh tế dần chuyển đổi phù hợp, qua hơn 10 năm XDNTM nổi bật là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Toàn huyện có 99,57% hộ sử dụng điện an toàn, 99,99% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, 92,82% nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng, trường học được kiên cố hóa (có 19 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia).
Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng được triển khai. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện có các tuyến Quốc lộ 53, 54 (dài 40,1km), các tuyến Đường tỉnh 914, 915 (dài 21,63km), các tuyến Đường huyện 12, 17, 18, 25, 27, 28 (90,225km), 100% đường trục xã được nhựa hóa, các đường liên ấp, nội đồng được cứng hóa gần 60%. Các tuyến giao thông đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thu hút, mời gọi đầu tư những năm qua phát triển, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng.
Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022?
Ông Lê Thanh Bình: Tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện năm 2021 đạt được một số kết quả nhất định. Tổng giá trị sản xuất 10.382 tỷ đồng, đạt 88,68% kế hoạch (tăng 214,2 tỷ đồng và tăng 2,11% so năm 2020), huy động vốn đầu tư toàn xã hội 2.750 tỷ đồng, thu nhập bình quân 49 triệu đồng/người/năm (tăng 3,5 triệu đồng/người so năm 2020). Qua rà soát, đánh giá kết quả, có 28/34 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 06 chỉ tiêu không đạt kế hoạch do nguyên nhân khách quan, nhưng kết quả thực hiện tăng so cùng kỳ.
Nhiều nhà khang trang được xây dựng trên địa bàn huyện Trà Cú cho thấy đời sống người dân ngày càng phát triển. Ảnh: NX
Năm 2022, dự báo còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, phát huy những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, Trà Cú quyết tâm chỉ đạo và đề ra 34 chỉ tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu giá trị sản xuất tăng 15,54% so năm 2021, thu nhập bình quân 53 triệu đồng/người/năm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.570 tỷ đồng; xây dựng 03 xã đạt chuẩn NTM và 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao…
Bên cạnh đó, giảm 1,86% hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều, trong đó giảm 1,84% hộ nghèo dân tộc Khmer (so với tổng số hộ Khmer), giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong quý I/2022, huyện thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tổng giá trị sản xuất thực hiện 3.080,7 tỷ đồng (đạt 26,3% nghị quyết), là tiền đề cho sự phát triển những tháng còn lại trong năm.
Phóng viên: Để đạt mục tiêu nêu trên, UBND huyện đề ra những giải pháp nào trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và định hướng đến năm 2025?
Ông Lê Thanh Bình: UBND huyện đã đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo, khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, lĩnh vực kinh tế - xã hội, Trà Cú xác định 02 nhiệm vụ tập trung: chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và tập trung nâng chất các tiêu chí, phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM trước năm 2023; thực hiện nhiệm vụ đột phá “phát triển vùng nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn và đảm bảo môi trường; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và phát triển du lịch mang dấu ấn Trà Cú”.
Chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả giúp người dân Trà Cú phát triển kinh tế (trong ảnh: Trồng rau an toàn trong nhà lưới tại xã An Quảng Hữu). Ảnh: NX
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, XDNTM. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, phát triển vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn, ưu tiên tăng tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ - thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, giảm dần tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt chú trọng thu hút và mời gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 03 cụm công nghiệp: ấp Chợ, Xoài Lơ (xã Lưu Nghiệp Anh) và xã An Quảng Hữu, khởi động Cảng tổng hợp Hàm Tân.
Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng vào Khu Kinh tế Định An, đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp các xã ven Sông Hậu dọc theo Tỉnh lộ 915, mời gọi đầu tư phát triển du lịch, xem đây là lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Phát huy những tiềm năng, lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Trà Cú nỗ lực thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Trà Cú, đề cao phương châm chia sẻ tiềm năng cùng phát triển, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, đưa diện mạo nông thôn Trà Cú ngày càng khởi sắc.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
NGỌC XOÀN (thực hiện)
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.