04/09/2021 06:55
Với bề dày kinh nghiệm công tác và trách nhiệm của người đảng viên, ông Nguyễn Thanh Phong (Hai Phong), sinh năm 1941, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, hiện đang sinh hoạt Đảng tại Chi bộ Khóm 3, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long không những gương mẫu, đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, mà còn tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Phong.
Ông Hai Phong năm nay đã 80 tuổi đời, 59 năm tuổi Đảng. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông Hai Phong vẫn luôn tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến sát đáng góp phần xây dựng Chi bộ Khóm 3, xây dựng Đảng bộ thị trấn Càng Long, Đảng bộ huyện Càng Long và không ngơi nghỉ với việc sưu tầm, biên soạn lịch sử của các xã, thị trấn và huyện Càng Long anh hùng.
Ông Hai Phong xuất thân trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, nhà của ông lúc đương thời là cơ sở nuôi giấu, bảo vệ cán bộ. Từ nhỏ, ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Ngày 22/12/1962, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông kể: tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình và quê hương Bình Phú (huyện Càng Long) vốn có truyền thống yêu nước trong thời điểm Nam Kỳ khởi nghĩa và vận động chuẩn bị Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945. Lớn lên, tôi được học văn hóa ở một trường học trong vùng giải phóng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do vậy bản thân có điều kiện tiếp thu tinh thần cách mạng, sớm nhận ra con đường mà lứa tuổi thanh niên phải tham gia là đấu tranh cách mạng, chống áp bức bất công. Cuối năm 1954, đầu năm 1955, hai cụ thân sinh của tôi nuôi chứa đồng chí Trần Thành Đại, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh và đồng chí Nguyễn Đức Toàn, thư ký của đồng chí Trần Thành Đại. Thời điểm này, tôi được các đồng chí giáo dục giác ngộ cách mạng và được phân công nhiệm vụ nắm tình hình địch, canh gác, bảo vệ khi có cuộc họp, ngoài ra, tôi còn được giao nhiệm vụ đi giao thơ cho các điểm căn cứ lân cận trên địa bàn huyện Càng Long do đồng chí Đại, đồng chí Toàn phân công. Một thời gian sau, tôi được phân công tham gia Phong trào Đồng Khởi năm 1960 và sau đó thoát ly gia đình tham gia cách mạng.
Dấu ấn của ông Hai Phong đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân Khóm 3, thị trấn Càng Long nói riêng và huyện Càng Long nói chung khi ông đã nghỉ hưu là tinh thần đầy nhiệt huyết, “làm những việc có thể tham gia theo điều kiện sức khỏe trong thời gian còn lại của tuổi đời, có thể giúp ích cho xã hội” - ông Hai Phong chia sẻ.
Năm 2001, với cương vị Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông Hai Phong nghỉ hưu. Năm 2002, ông tham gia sinh hoạt tại Chi bộ Khóm 3, thị trấn Càng Long. Nhớ lời gửi gắm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh khi ông về hưu là nghiên cứu, giúp Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long trong công tác xây dựng Đảng, nhất là tại nơi tham gia sinh hoạt Đảng. Trong sinh hoạt lệ, ông thực hiện rất tốt nhiệm vụ được Chi ủy giao là nắm công tác tư tưởng đảng viên và chọn nội dung, chủ đề công tác tư tưởng, thông tin công tác tư tưởng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Càng Long.
Qua thời gian sinh hoạt Đảng, nắm tình hình, nhận thấy còn có những hạn chế, ông đề xuất với Chi ủy Khóm 3, Đảng ủy thị trấn Càng Long biện pháp nâng chất lượng sinh hoạt Chi bộ, nâng sức chiến đấu của đảng viên. Trên cơ sở đó, ông cùng với Chi ủy rà soát đời sống, tư tưởng của đảng viên hưu trí và đảng viên trẻ, qua đó có biện pháp chấn chỉnh hiệu quả. Chi bộ giải quyết thấu đáu các trường hợp miễn, giảm công tác, sinh hoạt lệ, trường hợp vắng mặt, nhất là vắng mặt do đi làm ăn xa của từng đảng viên. Với sự nhiệt tình, tâm huyết của ông Hai Phong và nỗ lực của Chi ủy, Chi bộ Khóm 3, qua đánh giá chất lượng hàng năm, Chi bộ Khóm 3 từ trung bình yếu vươn lên trong sạch, vững mạnh trong những năm gần đây. Tình hình hoạt động, sức chiến đấu của từng đảng viên của Chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực, hàng năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Gắn liền với công tác sinh hoạt Đảng tại Chi bộ Khóm 3, thị trấn Càng Long, sau mấy năm sinh hoạt lệ tạm bợ, ông Hai Phong đề xuất vận động kinh phí xây dựng trụ sở Ban Nhân dân Khóm 3. Việc xây dựng trụ sở nhằm tạo điều kiện cho đảng viên Chi bộ có nơi sinh hoạt Đảng nghiêm túc, trang trọng. Ý kiến chính đáng của ông được Đảng ủy thị trấn Càng Long chấp thuận, liền theo đó, UBND thị trấn thành Càng Long lập ban vận động, sau hơn 01 tháng vận động, nhờ sự đồng lòng của Đảng bộ thị trấn Càng Long, có gần 30 cơ quan, doanh nghiệp, công ty và 100 cá nhân ủng hộ tiền, hiện vật trị giá trên 100 triệu đồng xây dựng trụ sở Ban Nhân dân Khóm 3 khang trang với khoảng 60 chỗ ngồi.
Trong quá trình tham gia cách mạng, ông Hai Phong được tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì; Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 55 năm tuổi Đảng; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận, thành tích xuất sắc trong phong trào “tuổi cao gương sáng”, thành tích xuất sắc trong phong trào tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở…
|
Trong công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử cho các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể của huyện và tỉnh, ông Hai Phong có công lao đóng góp rất lớn. Ông không chỉ tham gia ban chỉ đạo, ban biên tập, mà còn tự nguyện làm “cầu nối” mời các tác giả trong huyện, trong tỉnh tham gia sưu tầm, biên soạn trong lĩnh vực này. Ông Hai Phong đóng vai trò nòng cốt, đôn đốc, theo dõi tiến độ thực hiện, tham gia biên tập, chủ yếu nghiên cứu giải pháp khắc phục khó khăn trong quá trình biên soạn lịch sử ở từng nơi. Từ năm 2003 đến nay, ông tham gia biên soạn hơn 15 quyển lịch sử các xã, thị trấn, ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó, ông còn tham gia Ban Chỉ đạo thực hiện đề tài khoa học “Phong trào yêu nước của đồng bào Khmer Trà Vinh dưới sự lãnh đạo của Đảng”, tham gia sưu tầm và biên soạn 03 di tích lịch sử cấp quốc gia: Nhà truyền thống nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Ấp 3 (nay là Ấp 3A, xã An Trường), chùa ấp Sóc (xã Huyền Hội) và chùa Ba Si (xã Phương Thạnh).
Cũng trong thời gian nghỉ hưu, ông Hai Phong tích cực tham gia thành viên tổ tham vấn cho ban chỉ đạo tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Hơn 03 năm thực hiện chính sách này, đã góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở rất lớn cho đồng bào Khmer nghèo trong tỉnh. Ông tích cực nắm tình hình việc tổ chức triển khai thực hiện của chính quyền, đoàn thể, tổ chức tôn giáo, nhất là việc công khai dân chủ, đưa ra dân bình nghị danh sách hộ được chọn hỗ trợ nhà từng đợt trong năm, vận động người thân, cộng đồng đóng góp kinh phí, vật liệu xây dựng… từ đó tạo được sinh khí mới, tạo được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước đã quan tâm chăm lo cho đồng bào nghèo.
Cùng với đó, được sự gợi ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh, trong thời gian 05 năm (2007 - 2012) tham gia thành viên tổ công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh trong lĩnh vực thực hiện chính sách dân tộc - tôn giáo của Đảng, ông Hai Phong được phân công phụ trách địa bàn huyện Càng Long và Cầu Kè. Thời điểm này, ông tích cực phối hợp với các ngành tổ chức cho các chức sắc tôn giáo, ban quản trị chùa, đồng bào phật tử học tập về lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách tôn giáo, các quyết định của Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đề án, kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện, ông xây dựng được nhiều cơ sở nồng cốt, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Càng Long và Cầu Kè, góp phần nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng của đồng bào, kịp thời uốn nắn những sự việc mới phát sinh trong cuộc sống, giáo dục ý thức nâng cao cảnh giác cách mạng trong tình hình mới.
Quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, giáo dục truyền thống cách mạng ở địa phương, năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930- 03/02/2020), ông Hai Phong mạnh dạn đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long tổ chức buổi tọa đàm kỷ niệm 90 năm ngày Thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Trà Vinh tại Ấp 3 (nay là Ấp 3A), xã An Trường, huyện Càng Long, một hoạt động chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay. Qua xem xét đề xuất của ông, Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long đồng tình nhất trí cao. Buổi tọa đàm được tổ chức một cách trang trọng, nghiêm túc tại Nhà Truyền thống của huyện, Ấp 3A, xã An Trường với mục đích nhằm sưu tầm, củng cố thêm những tư liệu, chứng minh, đánh giá sức chiến đấu của các thế hệ đảng viên nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Trà Vinh tại Ấp 3A, xã An Trường và của huyện Càng Long; làm rõ thêm vai trò lịch sử của các thế hệ đảng viên đi trước, xứng đáng là chiếc nôi cách mạng của tỉnh Trà Vinh; giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, làm tư liệu lịch sử, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân Trà Vinh nói chung, Nhân dân huyện Càng Long nói riêng, đây cũng là cơ sở khoa học thống nhất chọn ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Trà Vinh và ngày thành lập Huyện ủy Càng Long.
Ông Hai Phong cho biết: Bác Hồ từng nói việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Chính tinh thần đó mà mấy chục năm qua tôi luôn dặn lòng, phải tự nguyện, tích cực tham gia những việc có ích, trong khả năng của mình để đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Ông Nguyễn Thanh Điền, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Càng Long, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Càng Long cho biết: ông Nguyễn Thanh Phong là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của huyện Càng Long. Ông luôn quan tâm đến công tác xã hội ở địa phương, quan tâm đến chất lượng đời sống của Nhân dân, XDNTM, thường xuyên góp ý vào chương trình, kế hoạch làm việc của Ban Thường vụ Huyện ủy.
Đặc biệt, ông rất tâm huyết với công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng, có nhiều công lao trong việc sưu tầm, lập danh sách trích ngang các đồng chí đảng viên của Chi bộ đầu tiên của tỉnh Trà Vinh, các đồng chí Bí thư, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Càng Long các khóa từ năm 1930 - 2010, những nhân vật lịch sử cách mạng của huyện Càng Long, những người con quê hương Càng Long, cán bộ chủ chốt của huyện Càng Long được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Trà, tỉnh Cửu Long các khóa nhằm phục vụ cho công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện và các các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Càng Long. Ông luôn giữ liên lạc, gắn bó, sát cánh với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Càng Long, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp sát đáng với Ban Tuyên giáo Huyện ủy thực hiện nhiều phần việc liên quan đến công tác tuyên giáo. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ chúng tôi vô cùng cảm động, biết ơn về những đóng góp quý báu của ông Nguyễn Thanh Phong cho ngành Tuyên giáo của huyện, cho công tác giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong suốt thời gian qua. Nhờ sự dẫn dắt, hướng dẫn, góp ý kịp thời của ông mà các hoạt động của Ban Tuyên giáo Huyện ủy luôn thuận lợi, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tấm gương cùng với những việc làm thiết thực, ý nghĩa của ông Nguyễn Thanh Phong rất xứng đáng cho thế hệ trẻ học tập noi theo.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.