18/01/2023 09:17
Đồng chí Nguyễn Hoàng Khải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận xã an toàn khu xã Ninh Thới.
Đồng chí Diêu Hùng Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: trong những nhiệm vụ trọng tâm để đạt huyện NTM nâng cao vào năm 2023, huyện sẽ tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn qua nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Giữ vững mục tiêu nâng cao các tiêu chí huyện NTM
XDNTM là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm phát triển toàn diện chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, theo hướng hiện đại, gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Cầu Kè không ngừng nỗ lực xây dựng huyện NTM nâng cao theo lộ trình đã đề ra.
Đồng chí Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè chia sẻ: thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu đạt huyện NTM nâng cao, nhu cầu về nguồn vốn để triển khai trên địa bàn huyện khoảng 371 tỷ đồng; chủ yếu tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng, như: xây dựng, mở rộng bến xe huyện từ tiêu chuẩn bến xe loại IV lên bến xe đạt loại III; mở rộng Trường THPT Cầu Kè, thị trấn Cầu Kè; hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn huyện (quy mô 800m³/ngày - đêm). Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên xã, liên ấp và xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng tại Trường THCS Tam Ngãi, Trường THCS Hòa Ân; Trường Mầm non Hòa Tân; Trường Tiểu học B Châu Điền, Tiểu học B Phong Phú, Tiểu học A Thông Hòa...
Xác định mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là nội dung trọng tâm trong quá trình XDNTM nâng cao, trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, điều kiện đặc thù và thế mạnh của địa phương. Đảng bộ và Nhân dân huyện Cầu Kè tiếp tục nỗ lực, quyết tâm chung tay, góp sức thực hiện XDNTM nâng cao, với nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả. Cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của người dân đạt 65,65 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,94%.
Ông Cao Văn Công (ấp Xẻo Cạn, xã Ninh Thới) chia sẻ: tôi rất vui khi thấy sự thay đổi của quê hương. Được các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn vận động, tuyên truyền, giải thích sự cần thiết XDNTM, NTM nâng cao, đây không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền địa phương, mà còn là nhiệm vụ của toàn thể Nhân dân. Tôi hiểu rằng, đạt NTM nâng cao đã khó, để giữ vững và nâng chất càng khó hơn. Vì vậy, tôi và gia đình sẽ đóng góp hết sức mình cùng chính quyền địa phương, duy trì, nâng chất xã NTM nâng cao; trong đó tập trung gìn giữ, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế theo hướng ổn định, bền vững gắn với xây dựng mô hình sản xuất bưởi da xanh an toàn, theo hướng hữu cơ…
Phát huy chuỗi liên kết trong sản xuất
Trong quá trình xây dựng và được công nhận huyện NTM vào năm 2019, huyện Cầu Kè đã được sự hỗ trợ từ các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh trong việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở từng địa phương. Đặc biệt huyện ưu tiên gắn quy hoạch kết cấu hạ tầng với quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung theo từng địa bàn xã, thị trấn; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Huyện còn chú trọng phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực đảm bảo tiêu chuẩn “cây, con 4 có”: có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ ổn định và có thu nhập cao. Các sản phẩm cây, con chủ lực có giá trị kinh tế cao được sắp xếp và hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Đồng chí Ngô Thị Hồng Nghi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa 1.040,6ha, gồm: chuyển sang cây hàng năm khác 174,1ha, sang cây lâu năm 857,5ha, sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 09ha (riêng năm 2021 đã chuyển đổi 403,5ha).
Trong năm 2022, huyện đã vận động nông dân thực hiện chuyển đổi, cải tạo 37,4ha vườn tạp, kém hiệu quả thành vườn chuyên canh; chuyển đổi 506,34ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả, sang trồng cây ăn trái… Nâng diện tích vườn cây ăn trái của toàn huyện hiện có 8.289ha, sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay được 192.409 tấn trái cây các loại, đạt 116,6% kế hoạch, tăng 39.798 tấn so cùng kỳ. Bình quân giá trị qua chuyển đổi mang lại từ 150 - 250 triệu đồng/ha (tùy loại cây ăn trái). Huyện đã triển khai các chính sách hỗ trợ cho nông dân trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và mô hình sản xuất; đã giải ngân được 12/14 dự án hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, với tổng kinh phí 1,31 tỷ đồng, diện tích 65,379ha với 162 hộ; hỗ trợ theo Nghị quyết số 98/2019/NQ-HĐND cho 02 dự án đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gồm Tổ hợp tác ở xã Hòa Tân, với quy mô 4,55ha, với số tiền 93,858 triệu đồng và Tổ hợp tác xã Phong Phú, với quy mô 2,512ha, với số tiền 75,689 triệu đồng.
Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND huyện Cầu Kè tham quan mô hình phát triển kinh tế vườn hộ ông Cao Văn Công.
Trong đó, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ không ngừng được nhân rộng, phát huy hiệu quả trong giai đoạn 2021 - 2025; thị trường tiêu thụ nông sản như: mô hình “Liên kết sản xuất lúa vụ hè - thu năm 2022 - gắn tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc trời”, có 382 hộ tham gia với tổng diện tích 452,4ha.
Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), huyện Cầu Kè đã và đang thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tập trung nâng cao chất lượng, giá trị và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương gắn với XDNTM, hiện Cầu Kè có 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 06/12 sản phẩm 4 sao và 04/06 sản phẩm 4 sao có tiềm năng 5 sao.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.