27/03/2023 08:55
Theo lãnh đạo Hội LHPN huyện Tiểu Cần, hiện toàn huyện có tổng số phụ nữ là 54.897 người, chiếm 50,45% dân số chung của huyện, trong đó phụ nữ từ 18 tuổi trở lên là 25.807 chị. Toàn huyện có 108 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ; có 491 hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Toàn huyện có 12 cơ sở hội, với 80 chi hội phụ nữ và 279 tổ hội, với 16.354 hội viên. Hàng tháng các chi, tổ hội đều tổ chức sinh hoạt định kỳ, đây là điều kiện thuận lợi để hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ và triển khai, phát động các phong trào hoạt động của Hội.
Từ năm 2017 đến năm 2022 hội LHPN huyện Tiểu Cần đã triển khai các hoạt động của mô hình tiết kiệm tín dụng làng xã; đồng thời được sự hỗ trợ của dự án Liên minh Na Uy triển khai mô hình sinh kế tại 08 xã: Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Tân Hùng, Hùng Hòa, Tân Hòa, Hiếu Trung, Long Thới và Phú Cần, trong đó có 06 xã thuộc vùng dự án.
Đồng chí Nguyễn Thị Tố Như, Chủ tịch Hội LHPN xã Tập Ngãi cho biết, mô hình được thành lập theo sự tự nguyện của các thành viên, mỗi nhóm có từ 15- 25 thành viên. Bước đầu Hội LHPN xã tuyên truyền vận động thành lập được 01 nhóm với 25 thành viên ở ấp Ngãi Trung. Hàng tháng các chị đóng góp từ 02 - 05 phần tiền (mỗi phần 50.000 đồng), với tổng chu kỳ 12 tháng. Kết quả được tổng số tiền hơn 27,5 triệu đồng và đã giải quyết cho 29 lượt chị vay mua BHYT hộ gia đình hoặc phụ thêm vào thực hiện chăn nuôi gà, vịt, mua bán nhỏ, chi phí học tập của con em. Đến nay mô mình đã nhân rộng ra ở 09/09 ấp của xã, có ấp thành lập được từ 02 - 03 nhóm. Nâng tổng số đến nay trên địa bàn xã Tập Ngãi có 17 nhóm với 348 thành viên, với tổng số tiền tham gia là gần 221 triệu đồng/chu kỳ; đã giải quyết cho 348 thành viên vay để phát triển kinh tế. Từ hiệu quả mô hình mang lại, đến nay trong hội viên đã có 06 hộ tham gia mô hình được thoát nghèo.
Đồng chí Trương Thị Minh Thư, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngãi Hùng cho biết, qua triển khai thực hiện mô hình tiết kiệm tín dụng làng xã, Hội phụ nữ xã đã thành lập được 15 nhóm với 94 thành viên, với tổng số tiền đầu tư hỗ trợ là 470 triệu đồng. Qua quá trình thực hiện, đa số các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và mang lại hiệu quả kinh tế.
Điển hình như nhóm chăn nuôi bò sinh sản có 60 hộ, mỗi năm số lượng bò trong nhóm cho ra 60 con bê, mỗi con có giá trị từ 05 - 06 triệu đồng, tổng thu khoảng 360 triệu đồng/60 hộ. Còn đối với nhóm chăn nuôi heo có 15 hộ, đã xuất bán được 306 con, cho thu nhập trên 367 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi trong nhóm còn sử dụng lượng chất thải từ chăn nuôi để làm hầm biogas để tiết kiệm khí đốt trong việc nấu ăn của gia đình.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hùng- Đinh Thị Thảo Nguyên chia sẻ: Hội LHPN xã đã thành lập được 12 nhóm với 256 thành viên, tổng số tiền hơn 179 triệu đồng, đã giải quyết cho 76 chị vay. Các chị vay để sử dụng vào việc chăn nuôi heo, bò, gà. Nhìn chung các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và làm ăn có hiệu quả.
Điển hình như chị Nguyễn Thị Bảy ở ấp Nhì, thực hiện mô hình chăn nuôi heo kết hợp hầm biogas, chị Lê Thị Thúy Hòa ở ấp Trung Tiến chăn nuôi bò kết hợp hầm biogas… Đặc biệt từ hiệu quả của mô hình nhóm tiết kiệm tín dụng làng xã, Hội phụ nữ xã còn được Hội LHPN huyện và dự án triển khai mô hình sinh kế thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đầu tư cho 05 nhóm tiết kiệm tín dụng làng xã của địa phương. Qua đó có 41 hộ được nhận vốn sinh kế, với tổng số tiền 205 triệu đồng, mỗi hộ được đầu tư 05 triệu đồng không tính lãi để chăn nuôi heo, bò…
Ngoài hiệu quả về kinh tế, từ mô hình này đã giúp cho tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn bó, gần gũi hơn. Thông qua mô hình, những hội viên có điều kiện sẽ giúp cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là phụ nữ nghèo có được số vốn để phát triển kinh tế gia đình vươn lên ổn định cuộc sống.
Theo lãnh đạo Hội LHPN huyện Tiểu Cần, đến nay Hội đã nhân rộng mô hình này ra 11/11 xã, thị trấn và đã thành lập được 118 nhóm, có 2.132 thành viên tham gia, với tổng số tiền hơn 2,661 tỷ đồng, đã giải quyết cho 1.400 lượt thành viên vay.
Mặc dù đến cuối năm 2022 “Dự án phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu” trên địa bàn huyện Tiểu Cần đã kết thúc, nhưng Hội LHPN huyện vẫn tiếp tục duy trì thực hiện mô hình tiết kiệm tín dụng làng xã.
Hội LHPN xã, Chi hội phụ nữ ấp đến thăm mô hình chăn nuôi bò của hội viên ở ấp Ngãi Trung, xã Tập Ngãi.
Theo đồng chí Lê Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiểu Cần, thời gian thực hiện mô hình từ tháng 01/2023 đến tháng 12/2025. Mục đích của việc duy trì mô hình này là nhằm góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho phụ nữ tại địa phương. Qua đó giúp cho nhiều phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong nhóm tiết kiệm tín dụng được tiếp cận nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo.
Bài, ảnh: KHẮC PHÚ
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.