12/07/2022 07:32
Bài cuối: Phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển
Bà Nguyễn Thị Ngọc Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: với đặc thù là xã có đông hội viên là dân tộc Khmer (trên 70%), kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (trồng màu) và chăn nuôi. Từ khó khăn về nguồn vốn trong sản xuất, những năm qua, với sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kết hợp với các nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn tiết kiệm xoay vòng trong hội viên… đã đồng hành cùng với hội viên hỗ trợ, giúp nhau một phần nguồn vốn trong phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo…
Đến cuối tháng 6/2022, Hội LHPN xã Thạnh Hòa Sơn có 1.250 hội viên; tham gia quản lý Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển với tổng số vốn hơn 419 triệu đồng, có 93 thành viên (20 tổ) tham gia. Các thành viên được tiếp cận nguồn vốn từ 07 - 20 triệu đồng/hộ vay để thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng màu và mua bán nhỏ. Ngoài ra, các thành viên khi được tham gia vào Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển còn thành lập tổ tiết kiệm, đến nay, có 100% thành viên tham gia với số tiền tiết kiệm trên 261 triệu đồng. Nhìn chung, các hội viên khi được tiếp nhận vốn đều sử dụng có hiệu quả; sau mỗi chu kỳ kết thúc vốn, có trên 70% hộ có tích lũy và tái đầu tư.
Hội viên Hà Thị Thanh Liên, Chi hội Phụ nữ ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn chia sẻ: nhờ có nguồn vốn trên, gia đình từ hộ cận nghèo, đến nay đã vươn lên thoát nghèo. Qua 03 chu kỳ nhận vốn (từ nguồn vốn ban đầu 05 triệu đồng vào năm 2017; đến nay, số vốn nhận đã tăng lên được 18 triệu đồng), gia đình đầu tư mua 01 con bò để nuôi. Hàng năm, số tiền tích lũy của gia đình được đầu tư xây dựng mở rộng chuồng nuôi bò và mua thêm thức ăn (rơm) phục vụ cho đàn bò 05 con.
Hội viên Sơn Thị Cơn (phải) trao đổi với cán bộ Hội về mô hình tích lũy qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển.
Theo hội viên Sơn Thị Cơn, Chi hội Phụ nữ ấp Lạc Hòa: với nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển rất phù hợp cho gia đình hội viên có điều kiện sản xuất nhỏ như mua bán, trồng màu. Vì số tiền gốc được trả dần vào hàng tháng + lãi, khi kết thúc 01 chu kỳ vay, người vay không phải lo tích lũy 01 số tiền lớn (tiền gốc) để trả 01 lần. Nguồn tích lũy trả gốc hàng tháng được chị em dành dụm từ số tiền mua bán hàng ngày.
Cũng theo hội viên Sơn Thị Cơn, sau khi gia đình được nhận số vốn 13 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, đã đầu tư vào sản xuất 0,1ha màu để trồng hành lá và rau ăn lá. Hàng ngày, cho thu nhập khoảng 200.000 - 250.000 đồng từ tiền bán rau màu và gia đình để tích lũy khoảng 30.000 - 35.000 đồng/ngày, khi đến cuối tháng sẽ nộp tiền vốn gốc + lãi cho tổ trưởng. Với cách phân bổ nguồn vốn trả hàng tháng như vậy phù hợp với điều kiện của phụ nữ nông thôn. Cùng với đó, gia đình còn tích lũy thêm để chăn nuôi bò, trồng cỏ…
Cũng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Duyên, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên, hội viên rất phấn khởi và tự lực phấn đấu vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, đã tác động tích cực vào sự đoàn kết, huy động chị em tham gia vào các phong trào xây dựng tổ chức Hội cũng như vận động chị em xây dựng xã nông thôn mới, thông qua phòng trào “5 không, 3 sạch”.
Đến nay, toàn xã có 712 hộ hội viên được công nhận đạt 08 tiêu chuẩn; Hội LHPN xã còn vận động thành lập được 03 tổ từ thiện ở ấp Trường Bắn, Lạc Thạnh A; có 45 thành viên là các doanh nghiệp, hội viên nòng cốt tham gia vào các hoạt động tương trợ giúp nhau.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.