16/12/2022 05:59
Bà Thạch Thị Sô Ly (vợ ông Thạch Tây) chăm sóc rẫy ớt.
Với vai trò cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân, những năm qua người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh luôn đồng hành với địa phương trong công tác tuyên truyền, thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực trong XDNTM, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào Khmer.
Giai đoạn 2021 - 2022, toàn tỉnh hiện có 4.682 người có uy tín được UBND tỉnh công nhận. Người có uy tín luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong công tác vận động quần chúng, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số và giúp đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Điển hình như ông Thạch Việt, sinh năm 1959, ấp Đa Hòa, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành là một trong những người có uy tín đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Ông Thạch Việt là 01 trong 05 người uy tín được Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ điện thoại thông minh để thuận lợi cập nhật thông tin, văn bản ban hành của Trung ương và địa phương, từ đó giúp ông thuận lợi trong việc tuyên truyền.
Ông Việt cho biết: với vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, những năm qua, ông tích cực vận động đồng bào Khmer trong ấp hưởng ứng các phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm”, “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, XDNTM và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Kết quả ông vận động Nhân dân đóng góp tiền, hiến đất, ngày công xây dựng 02 cây cầu, đường đal nông thôn và vận động hỗ trợ 05 căn nhà cho hộ nghèo trong ấp khó khăn về nhà ở.
Ngoài ra, ông tham gia hòa giải ở cơ sở, vận động cảm hóa đối tượng, giáo dục thuyết phục các đối tượng lầm lỡ sớm hòa nhập cộng đồng; đặc biệt vận động đồng bào Khmer tham gia lao động sản xuất, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Song song với công tác tuyên truyền, vận động, ông còn tham gia phát triển kinh tế gia đình với diện tích đất canh tác 0,5ha lúa 03 vụ/năm kết hợp với nuôi 06 con bò sinh sản, thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm.
Theo đồng chí Kiên Ninh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh không chỉ tham gia hưởng ứng tích cực các phong trào XDNTM, đóng góp ý kiến để xây dựng chương trình, kế hoạch triển kinh tế - xã hội. Kết quả, người uy tín tham gia vận động hỗ trợ 187 căn nhà tình thương cho hộ nghèo; vận động cho hộ nghèo mượn 157.450m² để đất sản xuất; vận động Nhân dân hiến 149.072m² đất và 15.417 ngày công lao động để thực hiện các công trình giao thông nông thôn với số tiền trên 6,2 tỷ đồng; xây dựng 20 cây cầu và 4,9km đường nông thôn với số tiền gần 1,8 tỷ đồng; vận động xây dựng 03 giếng khoan, lắp đặt 527 trụ đèn đường; vận động hỗ trợ gạo, quà cho 6.348 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; tham gia hòa giải kịp thời những tranh chấp mâu thuẫn phát sinh tại địa phương, không để xảy ra những “điểm nóng”, “điểm phức tạp” trong vùng đồng bào Khmer; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật… với 1.577 cuộc, trong đó có 903 cuộc hòa giải thành, cảm hóa nhiều đối tượng hòa nhập vào cộng đồng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, người có uy tín tham gia xây dựng 129 mô hình kinh tế hộ theo hướng phát triển bền vững, hướng dẫn, động viên 1.530 hộ làm theo; thành lập 04 tổ hợp tác (THT) đan đát có 54 hộ tham gia; 11 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, trồng rau an toàn, trồng ớt chỉ thiên tập trung tại các xã Trường Thọ, Hiệp Hòa, Nhị Trường, Mỹ Hòa, Long Sơn (huyện Cầu Ngang); thành lập 56 mô hình tự quản giảm nghèo. Mô hình kinh tế hợp tác sản xuất ớt chỉ thiên ở ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang những năm qua đã giúp người dân trên địa bàn có thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.
Ông Thạch Phi Rùm, Tổ trưởng THT sản xuất ớt chỉ thiên ấp Trà Kim cho biết: trước đây người dân trong ấp sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, tự phát, sau khi được địa phương tuyên truyền, vận động thành lập THT hoạt động và hình thành vùng sản xuất cây màu tập trung, từ đó đời sống của người dân trong ấp không ngừng được nâng lên. THT hoạt động với 38 thành viên tham gia sản xuất 20ha ớt chỉ thiên, lợi nhuận bình quân từ 50 - 120 triệu đồng/ha/vụ. Hoạt động của THT cung ứng cây giống ớt chỉ thiên và trừ vào sau khi thu hoạch. Vụ ớt chỉ thiên năm nay, THT cung ứng 230.000 cây giống cho các thành viên và người dân trong ấp. Hình thức đầu tư, nông dân trả trước 30% chi phí cây giống, còn 70% trừ vào sau thu hoạch.
Ngoài việc cung ứng cây giống đầu tư ban đầu, THT liên kết với doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thu mua sản phẩm ớt chỉ thiên của các thành viên trong THT và người dân trên địa bàn theo giá thị trường. Hàng năm người dân trong ấp xuống giống trồng ớt chỉ thiên từ tháng 11 năm trước và kết thúc vụ vào tháng 5 năm sau tùy theo cách chăm sóc. Trồng ớt vào thời điểm này vừa phù hợp với điều kiện thực tế thổ nhưỡng đất đai của địa phương, vừa có thể bán được giá cao vào dịp Tết.
Nông dân Thạch Tây, thành viên THT trồng ớt chỉ thiên cho biết: trước đây người dân khu vực này chuyên sản xuất 02 vụ lúa/năm, sau khi chuyển đổi sang trồng ớt chỉ thiên lợi nhuận cao gấp 05 lần so với trồng lúa, nông dân tập trung thâm canh cây ớt chỉ thiên. Ớt chỉ thiên từ thời điểm xuống giống cho đến kết thúc vụ khoảng 06 tháng.
Chính vì thế, để thuận lợi cho việc trồng ớt chỉ thiên phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết. Sau khi thu hoạch vụ lúa thu - đông, ông tranh thủ xuống giống sớm và chia diện tích thành 02 đợt xuống giống nhằm “tránh đụng hàng dội chợ”. Trong hơn 0,4ha đất canh tác, ông chọn 0,3ha đất gò cao xuống giống ớt chỉ thiên trước kịp thời phục vụ thị trường trước tết Nguyên đán, trồng hơn 0,1ha ớt phục vụ thị trường sau Tết, giá ớt hiện dao động từ 30.000 đồng/kg, lợi nhuận ước đạt 08 triệu đồng/0,1ha.
Có thể nói, việc phát huy vai trò của những người đứng đầu các phum sóc, các vị chức sắc tôn giáo ở địa phương, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia các hoạt động và có những đóng góp thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.