14/11/2022 09:45
Với thế mạnh nhiều cồn, cù lao, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa ẩm thực độc đáo, người dân thân thiện, mến khách... 05 năm qua, tỉnh Trà Vinh triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng.
05 năm qua, tỉnh đã tập trung xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, tốc độ phát triển ngành du lịch chuyển biến rõ nét, doanh thu, lượng khách du lịch tăng và ổn định qua từng năm. Tổng thu du lịch năm 2017 đạt 210 tỷ đồng, đón 652.000 lượt khách; Năm 2018 đạt 275 tỷ đồng, đón 788.000 lượt khách; Năm 2019 đạt 359 tỷ đồng, đón 1.024.000 lượt khách; Năm 2020 và 2021 do bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nên tổng thu du lịch năm 2020 đạt 184 tỷ đồng, đón 443.000 lượt khách; năm 2021 đạt 152 tỷ đồng, đón 453.000 lượt khách. Trong 10 tháng năm 2022, Trà Vinh đón 1.017.157 lượt khách, đạt 185% kế hoạch năm. Trong đó, có 12.885 lượt khách quốc tế, đạt 138,5% kế hoạch năm, 1.004.272 lượt khách nội địa; khách lưu trú đạt 263.625 lượt (đạt 120% Kế hoạch năm). Tổng doanh thu đạt 619,203 tỷ đồng (đạt 326% kế hoạch năm).. |
Giai đoạn này, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành du lịch của tỉnh đã vượt qua khó khăn, xây dựng các sản phẩm mới, ra mắt sản phẩm du lịch cộng đồng tại Cồn Hồ, huyện Càng Long; các tuyến du lịch đường sông (sông Long Bình, tuyến du lịch sông Láng Thé), công nhận điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim là điểm du lịch cấp tỉnh; hỗ trợ người dân đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh.
Đặc biệt, xác định loại hình du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa mang nét đặc trưng văn hóa Khmer, tỉnh xây dựng Đề án Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tại Khu Văn hóa - Du lịch ao Bà Om và vùng phụ cận thuộc huyện Châu Thành, hình thành tuyến du lịch văn hóa, sinh thái huyện Trà Cú - Cầu Kè nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế, tạo đột phá phát triển du lịch trong những năm tới.
Từ năm 2017 đến nay, ngoài các điểm du lịch cộng đồng, tỉnh còn xây dựng 06 mô hình du lịch sinh thái - văn hóa dừa sáp, cù lao Tân Qui, homestay (huyện Cầu Kè), chế tác mão mặt nạ, may trang phục truyền thống Khmer, đặc sản quê (huyện Trà Cú), 09 nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm tại huyện Trà Cú, Cầu Kè, Châu Thành, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh. Đồng thời, hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình hạ tầng Khu Du lịch biển Ba Động, kinh phí 90 tỷ đồng (vốn Trung ương hỗ trợ 75 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng)…
Du khách di chuyển trên những cây cầu dừa đậm nét miền quê Nam Bộ tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Hô, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long.
Giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh đã tham gia 44 sự kiện nhằm quảng bá du lịch trong nước. Đặc biệt, thành phố Hà Nội hỗ trợ tỉnh tham gia 05 sự kiện quảng bá du lịch tại Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM; hỗ trợ tổ chức 05 chương trình quảng bá du lịch Trà Vinh và đồng bằng sông Cửu Long tại Hà Nội; tổ chức 05 đoàn Famtrip cho 250 doanh nghiệp du lịch Hà Nội khảo sát tuyến điểm du lịch tỉnh Trà Vinh. Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ tổ chức 20 lớp tập huấn du lịch cộng đồng, nghiệp vụ du lịch; hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia 07 sự kiện quảng bá du lịch tại Ngày hội du lịch, Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - ITE, hỗ trợ tổ chức chương trình quảng bá du lịch huyện Cầu Kè - Trà Cú tại Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức cho hơn 500 lượt doanh nghiệp lữ hành khảo sát, kết nối du lịch tỉnh Trà Vinh...
Kết quả đạt được là nhờ tỉnh tăng cường liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch: phối hợp với các tỉnh phía Đông đồng bằng sông Cửu Long: Long An - Tiền Giang - Đồng Tháp - Vĩnh Long - Bến Tre tổ chức chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch, tham gia quảng bá, xúc tiến nhằm xây dựng hình ảnh du lịch chung để thu hút khách du lịch.
Đồng thời, tỉnh phối hợp với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh ký kết liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức ký kết với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội về công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến du lịch, tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch khảo sát các tuyến điểm du lịch của tỉnh để kết nối du lịch.
Dự kiến, từ nay đến năm 2024, tỉnh tranh thủ nguồn vốn khoảng 280 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch tại Khu Du lịch biển Ba Động (130 tỷ đồng) và Khu Du lịch Hàng Dương, huyện Cầu Ngang (150 tỷ đồng). Thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư dự án du lịch tại Khu Du lịch biển Ba Động, Làng Văn hóa - Du lịch Khmer, trùng tu, tôn tạo các di tích, tổ chức lễ hội, nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm, vui chơi, giải trí... tạo thêm sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du khách. Song song đó, tỉnh mời gọi đầu tư Khu Du lịch sinh thái cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè; Khu Du lịch sinh thái nông trường 22/12 xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải; khu ở kết hợp thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch Ao Bà Om.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp: tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; triển khai nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và đột phá: quy hoạch phát triển du lịch tích hợp và lồng ghép vào quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nâng cao chất lượng tour, tuyến du lịch, xây dựng 03 không gian du lịch mới có tính liên vùng (không gian du lịch đô thị xanh thành phố Trà Vinh và vùng phụ cận; không gian du lịch sinh thái biển; không gian du lịch sinh thái miệt vườn gắn với văn hóa dân tộc). Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ du khách.
Ngày 28/9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 1921/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Trà Vinh vào năm 2030. Theo Kế hoạch, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, Trà Vinh sẽ tập trung xây dựng điểm đến, mời gọi đầu tư vào các loại hình du lịch: du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch biển; du lịch sinh thái miệt vườn; du lịch nông nghiệp và nông thôn (kết hợp đầu tư nông nghiệp và phát triển du lịch). Mỗi địa phương trong tỉnh xây dựng ít nhất 1 điểm du lịch được công nhận cấp tỉnh. Về khách du lịch, tỉnh phấn đấu đón hơn 1,7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 30.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch trên 930 tỷ đồng. Có 150 cơ sở lưu trú, số buồng lưu trú du lịch trên 1.750. Chi tiêu bình quân của khách du lịch là 1 triệu đồng/lượt. Tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch đối với GRDP của tỉnh là 0,9%. |
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.