04/04/2024 16:19
Bài 1: Quan tâm quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực
Nhân dịp thăm và làm việc với Trà Vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thăm học sinh Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn thuộc Trường Đại học Trà Vinh.
Mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer được cả hệ thống chính trị và Nhân dân ra sức thực hiện. Trong đó, Tỉnh ủy luôn quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra. Điểm nhấn là ngày 17/11/2022, Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Đề án số 05-ĐA/TU. Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực là dân tộc Khmer, nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị theo hướng đủ, chất lượng, hiệu quả.
Từ chỉ đạo đó, năm 2023, toàn tỉnh tạo nguồn, phát triển 322/1.401 đảng viên dân tộc Khmer. Hiện toàn tỉnh có 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; 511 tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, có 194 đảng bộ cơ sở, 317 chi bộ cơ sở; với 1.975 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, 05 đảng bộ bộ phận; với 47.122 đảng viên (có 8.349 đảng viên Khmer)... chiếm 4,63% so với dân số chung của tỉnh; một số tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành... có trên 70% đảng viên là dân tộc Khmer.
Đồng chí Trần Bé Sáu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Trà Cú chia sẻ: năm 2023, Trà Cú kết nạp 103 đảng viên, đạt 103% nghị quyết Huyện ủy; trong đó, dân tộc Khmer 70/103 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ Trà Cú có 4.985 đảng viên (trong đó, đảng viên Khmer 2.337, chiếm 46,88%/tổng số đảng viên), chiếm 3,43%/dân số chung của huyện. Trong xây dựng huyện NTM, đảng viên Khmer trên địa bàn huyện luôn phát huy nhiệm vụ đảng viên..
Quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ dân tộc Khmer luôn được Tỉnh ủy quan tâm; giai đoạn 2020 - 2025, cơ cấu đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là dân tộc Khmer đảm bảo yêu cầu đặt ra. Cụ thể, Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh có 03/06 đại biểu là dân tộc thiểu số, chiếm 50%; HĐND tỉnh khóa X, dân tộc thiểu số 15/49 đại biểu, chiếm 30,61%; HĐND cấp huyện, thị có 50/287 đại biểu, chiếm 17,42% và HĐND xã, phường, thị trấn có 611/2.720 đại biểu, chiếm 22,46%. Cán bộ lãnh đạo, đại biểu HĐND các cấp dân tộc Khmer, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến nay, toàn tỉnh có đoàn viên, hội viên là dân tộc Khmer 131.989 người, chiếm 15,5%/tổng số đoàn viên, hội viên.
Thông tin từ Sở Nội vụ, đội ngũ cán bộ, công chức Khmer trong hệ thống chính trị của tỉnh hiện có 4.443 đồng chí, chiếm 20,8%/tổng số cán bộ, công chức. Trong đó, cán bộ dân tộc Khmer giữ chức danh lãnh đạo, quản lý 560 đồng chí, chiếm 12,6%. Trong đó, cấp tỉnh 78 đồng chí, chiếm 13,92%, cấp huyện 133 đồng chí, chiếm 23,75%; cấp xã, phường, thị trấn 349 đồng chí, chiếm 62,32%. Về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, ý thức trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ Khmer không ngừng nâng lên, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Thầy Thạch Sâm Ươne, đang dạy môn Tiếng Anh, lớp 10A, Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh.
Theo đồng chí Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành có liên quan, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp hoạt động đúng với điều lệ, tôn chỉ, mục đích. Đồng thời, UBND tỉnh chủ trương và hỗ trợ kinh phí tổ chức thi tốt nghiệp Sơ - Trung cấp Phật học năm học 2022 - 2023. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và 08 huyện, thành phố tổ chức khai giảng năm học mới các lớp Phật học, có gần 3.000 tăng sinh theo học.
Nhằm tạo nguồn cán bộ Khmer, công tác giáo dục và đào tạo luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện; mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trường được đầu tư xây dựng, góp phần đào tạo nâng cao dân trí trong vùng đồng bào Khmer. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 78.675 học sinh Khmer, chiếm 36,4%/tổng số học sinh.
Toàn tỉnh có 08 Trường Dân tộc nội trú, 01 trường Trung cấp Pali - Khmer; Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn (thuộc Đại học Trà Vinh); cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các trường được đầu tư xây dựng, góp phần phục đáp ứng nhu cầu học tập. Hiện nay, số phòng học kiên cố chiếm 94,61%, bán kiên cố chiếm 5,39% và 100% xã trong vùng dân tộc Khmer có trường mẫu giáo. Việc dạy và học chữ Khmer được duy trì và phát triển, năm 2023, toàn tỉnh có 134/143 chùa tổ chức dạy chữ Khmer dịp hè, với 931 lớp có 835 người dạy, có 20.278 học sinh theo học.
Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động là dân tộc Khmer luôn được các ngành, các cấp quan tâm. Năm 2023, đào tạo 7.397/23.863 người là dân tộc Khmer, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh đã thực hiện đào tạo với nhiều hình thức đa dạng, chương trình nội dung được cập nhật phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, chất lượng đào tạo được nâng lên; năm 2023, thực hiện Đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đưa 236/1.192 lao động là dân tộc Khmer.
Năm 2023, tỉnh tổ chức 43 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành chính, theo yêu cầu vị trí việc làm; theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; tin học, tiếng Khmer, tiếng Anh; theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý… có 453/3.073 lượt cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia, chiếm 14,74%; rà soát, tổ chức 05 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đối tượng 3, 4 với 119/363 cán bộ, công chức, viên chức và người dân tộc thiểu số hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn.
Với những kết quả đạt được, từ nay đến năm 2025 cũng như thời gian tới, Tỉnh ủy tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là cán bộ Khmer; nâng cao hiệu lực quản lý, năng lực điều hành. Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là dân tộc Khmer phù hợp, hiệu quả.
Quan tâm quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực cán bộ dân tộc; giữ chức vụ, đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý là yêu cầu đòi hỏi khách quan, nhằm đảm bảo kế thừa, liên tục và phát triển. Đồng thời, xây dựng bố trí cán bộ dân tộc Khmer giữ các chức danh chủ chốt là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị; trong đó, cấp ủy, người đứng đầu đóng vai trò quan trọng.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ đổi mới. Quan tâm quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ Khmer có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.