14/05/2021 10:59
Hướng dẫn người tiêm vắc-xin khai báo y tế trước khi tiêm.
Phóng viên: Trà Vinh vừa hoàn thành đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng 01 trên địa bàn tỉnh, Bác sĩ nhìn nhận sơ bộ đợt tiêm này như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ: Từ ngày 27/4 đến ngày 06/5/2021, tỉnh Trà Vinh đã triển khai tiêm vắc-xin đợt 1 cho lực lượng tuyến đầu PCDB gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia PCDB là thành viên ban chỉ đạo PCDB các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên và lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng. Để triển khai chiến dịch tỉnh đã tổ chức 14 điểm tiêm chủng, bao gồm 01 điểm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, 09 điểm tại Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, 02 điểm tại bệnh viện và 02 điểm tại Trạm Y tế xã.
Kết quả đợt 1, toàn tỉnh đã tiêm được 7.012 người so với 7.680 người được thống kê, đạt tỷ lệ 91,3% số đối tượng được thống kê. Sơ bộ có thể nhìn nhận kết quả tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 1 tại Trà Vinh đạt kết quả rất tốt. Cụ thể, về số lượng vắc-xin Bộ Y tế giao chỉ tiêu là 6.350 liều, nhưng chúng ta tiêm được 7.012 người, vượt chỉ tiêu đề ra; đồng thời đảm bảo an toàn, không có phản ứng nặng xảy ra.
Phóng viên: Có một số trường hợp đúng đối tượng, nhưng chưa được tiêm đợt này do nguyên nhân gì, thưa Bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ: Do vắc-xin phòng Covid-19 đưa vào tiêm chủng đợt này là vắc-xin mới nên chủ trương của ngành y tế là phải đảm bảo an toàn cho người được tiêm với phương châm “Tiêm đến đâu phải an toàn đến đó”, nên trước khi tiêm chúng tôi tổ chức khám sàng lọc rất kỹ. Do vậy một số trường hợp mặc dù đúng đối tượng, nhưng sau khi khám sàng lọc phát hiện có các yếu tố nguy cơ chúng tôi phân loại để có hướng xử lý. Cụ thể, đối với những người có tiền sử phản ứng nặng hoặc phản vệ độ II trở lên sau lần tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trước đó hoặc quá mẫn cảm với hoạt chất, hay với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vắc-xin đều thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm. Chúng tôi tạm hoãn tiêm đối với những người đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng hay mãn tính tiến triển; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; những người trong vòng 14 ngày trước có điều trị Corticoid liều cao, hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; những người đã mắc Covid-19 trong vòng 06 tháng; trong vòng 90 ngày trước có điều trị Immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19; tiền sử tiêm vắc-xin khác trong vòng 14 ngày trước; người trên 65 tuổi; người giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.
Riêng những người có các biểu hiện sau đây cũng hoãn tiêm để bố trí khám sàng lọc và tiêm chủng trong bệnh viện: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống như mạch < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg, huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg, nhịp thở > 25 lần/phút.
Theo đó, qua kết quả tiêm đợt này có 42 trường hợp chống chỉ định và 693 người phải hoãn tiêm.
Phóng viên: Những trường hợp sau khi tiêm vắc-xin thường có những biểu hiện gì về sức khỏe và trong đợt tiêm vừa qua có trường hợp nào đáng quan tâm?
Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ: Theo công bố của nhà sản xuất thì vắc-xin AstraZeneca mà chúng ta sử dụng trong đợt tiêm vừa qua có các phản ứng phụ rất phổ biến ≥10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, nóng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, bồn chồn, ớn lạnh, phổ biến là sốt nhẹ; các phản ứng phổ biến từ 01% đến dưới 10% là sưng và đỏ tại vị trí tiêm; các phản ứng ít gặp bao gồm chóng mặt, đau bụng, sưng hạch, vã mồ hôi, ngứa, phát ban; phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin là rất hiếm gặp.
Thực tế trong đợt tiêm vừa qua tại Trà Vinh, hệ thống giám sát của chúng tôi đã ghi nhận 1.071 trường hợp có các phản ứng sau tiêm, chủ yếu là sốt nhẹ, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, ớn lạnh. Chỉ có 01 trường hợp sốc phản vệ độ II được xử trí kịp thời, an toàn.
Phóng viên: Sau khi tiêm vắc-xin, người được tiêm vẫn phải thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, xin bác sĩ nói rõ hơn về vấn đề này?
Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ: Đối với việc phòng bệnh bằng vắc-xin thì từ khi tiêm vắc-xin phải có khoảng thời gian nhất định để cơ thể đáp ứng miễn dịch. Mặt khác, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin không phải là 100%, do đó người được tiêm vắc-xin cũng có thể mắc Covid-19. Hơn nữa việc tiêm vắc-xin hiện nay chỉ đạt được mục tiêu tạo miễn dịch cá thể, chưa đạt được mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, vì vậy cá thể được tiêm vắc-xin nếu mang mầm bệnh có thể không thể hiện triệu chứng nhưng vẫn có khả năng làm lây bệnh cho người khác. Do đó, mặc dù được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, người được tiêm vẫn phải thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế để bảo vệ mình và bảo vệ những người chung quanh mình.
Phóng viên: Quy trình tiêm chủng nói chung thường áp dụng mũi tiêm nhắc lại, riêng đợt tiêm vắc-xin lần này sẽ như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ: Vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên với lịch tiêm gồm 02 mũi, trong đó mũi 02 cách mũi 01 từ 04 - 12 tuần. Như vậy, sau đợt tiêm mũi 01 nếu được Bộ Y tế cung cấp vắc-xin kịp thời, đầy đủ thì sẽ tiêm tiếp mũi 02 cho những người đã tiêm mũi 01. Tuy nhiên, kết quả chứng minh hiệu lực của vắc-xin AstraZeneca đạt được 76% sau 01 liều đầu tiên và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ 02. Nếu khoảng thời gian giữa 02 liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vắc-xin tăng lên 82%. Do đó những người đã tiêm được mũi 01 nếu vì lý do nào đó không tiêm được mũi 02 hoặc chậm được tiêm mũi 02, thì cũng có giá trị bảo vệ một phần đối với Covid-19.
Phóng viên: Xin cảm ơn Bác sĩ!
BÁ THI (thực hiện)
Tối 25/11, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Trà Cú (Khóm 5, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú), Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Trà Cú tổ chức khai mạc “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn huyện Trà Cú”.