27/10/2023 15:42
Học viên thực hành phương pháp cứu đuối bằng phao.
Theo đồng chí Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh, tai nạn đuối nước ở trẻ em và kể cả người lớn luôn là vấn đề được mỗi gia đình và cả xã hội quan tâm. Theo số liệu thống kê, hàng năm trên địa bàn tỉnh đều xảy ra tai nạn đuối nước. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay toàn tỉnh đã xảy ra ít nhất 02 trường hợp đuối nước làm tử vong 05 người đều trong độ tuổi đến trường. Trong đó, 01 trường hợp xảy ra trên địa xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải làm 03 em tử vong và gần đây nhất tại cống đập Láng Thé, thuộc xã Đại Phước, huyện Càng Long đã xảy ra 01 trường hợp làm 02 em học sinh tử vong.
Việc trẻ em đuối nước có rất nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn vẫn do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ em tự do đi lại. Bên cạnh đó, hệ thống sông, ao, hồ… trên địa bàn Trà Vinh rất nhiều cũng là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ, từ đó xảy ra các vụ tai nạn thương tâm. Nhằm thích nghi với điều kiện tự nhiên và hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn về đuối nước, giải pháp hữu hiệu nhất chính là tăng cường công tác tuyên truyền vận động; mở các lớp dạy bơi và trang bị kiến thức về phòng, chống đuối nước cho các đối tượng có liên quan từ tỉnh đến cơ sở.
Thực hiện Quyết định số 819/QĐ-UBND, ngày 05/5/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh “về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2022 - 2030”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh vừa tổ chức thành công lớp tập huấn về chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước năm 2023.
Qua 03 ngày diễn ra lớp tập huấn, các học viên là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang làm việc tại các trường học, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, những người quản lý các hồ bơi tư nhân… đã tiếp thu được nhiều kiến thức cả lý thuyết và thực hành về bơi an toàn phòng, chống đuối nước.
Công chức văn hóa Nguyễn Thị Hoa, xã Tân Bình, huyện Càng Long cho biết, hiện nay trên địa bàn xã chưa có hồ bơi. Tuy nhiên, xét thấy địa bàn xã thuộc vùng sông nước với số lượng trường học và trẻ em tương đối lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước, nên công tác phòng, chống luôn được địa phương quan tâm.
Tại lớp tập huấn, bà Nguyễn Thị Hoa được hướng dẫn nhiều nội dung khá hay, tiêu biểu như các kỹ thuật nổi nước, đứng nước, kỹ thuật bơi, kỹ thuật cứu đuối và phương pháp sơ cứu nạn nhân đuối nước... Đặc biệt, tại lớp tập huấn các học viên còn được triển khai các văn bản về chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2022 - 2030; chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030… Thông qua những kiến thức này, bà Nguyễn Thị Hoa sẽ tuyên truyền lại trên hệ thống truyền thanh của xã, tuyên truyền tại các trường học, giúp đối tượng học sinh và mọi người ý thức hơn trong công tác phòng, chống đuối nước.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn, hướng dẫn viên bơi tại Khu liên hợp thể thao Trung Ngọc (thành phố Trà Vinh) chia sẻ, dù đã tham gia các lớp ngắn hạn về bơi và cứu hộ, nhưng tại lớp tập huấn lần này ông thấy có thêm nhiều kiến thức rất hay. Được biết, trước khi gắn bó với Khu liên hợp thể thao Trung Ngọc, ông Tuấn đã có trên 05 năm làm việc tại một hồ bơi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Gần 60 tuổi đời và có thời gian dài gắn bó trong lĩnh vực bơi lội, ông Tuấn luôn ý thức rằng, công tác bơi an toàn, phòng, chống đuối nước là hết sức quan trọng, mọi người không được chủ quan.
Đồng chí Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh thông tin thêm, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 16 hồ bơi (bao gồm cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hồ do Nhà nước quản lý). Tại các hồ bơi này hàng ngày thu hút đông đảo lực lượng học sinh, sinh viên và người dân tham gia học bơi để rèn luyện sức khỏe. Liên quan đến công tác an toàn, thời gian qua Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo bộ phận thanh tra và các phòng chuyên môn thuộc sở thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở hoạt động bơi đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên cứu hộ… để đảm bảo an toàn cho người tham gia tập luyện.
Bên cạnh, để phát triển mạnh mẽ phong trào toàn dân tích cực tập luyện môn bơi và đẩy mạnh công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các kế hoạch. Qua thực hiện, bước đầu cơ bản mang lại hiệu quả rất tích cực, thu hút đông đảo em học sinh, sinh viên, kể cả người lớn tham gia học bơi. Đồng thời, các địa phương, đơn vị cũng lồng ghép mở các lớp dạy bơi hè cho học sinh, phối hợp với địa phương tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng bơi an toàn, cứu đuối, cứu nạn thông qua các lễ phát động nhân tháng hành dộng vì trẻ em...
Điển hình như mô hình dạy bơi cho học sinh tại huyện Cầu Kè. Được sự quan tâm của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện phê duyệt kế hoạch dạy bơi cho học sinh bậc tiểu học và THCS trên địa bàn giai đoạn 03 năm với tổng kinh phí 670 triệu đồng với mục tiêu dạy cho trên 3.000 học sinh. Đây là mô hình hay và hiệu quả cần nhân rộng trên địa bàn tỉnh để góp phần giảm tai nạn đáng tiếc xảy ra cho các học sinh trong môi trường nước.
Bài, ảnh: BÁ THI
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.