19/04/2023 06:28
Buổi sinh hoạt CLB Phụ nữ cao tuổi ấp Sóc Tro Trên.
Theo đồng chí Trầm Như Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trà Cú, thời gian qua, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phong trào phụ nữ và công tác Hội với phương châm “nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động Hội”. Các cấp Hội trong huyện luôn nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu của hội viên; lựa chọn, xây dựng các mô hình phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 496 mô hình, câu lạc bộ (CLB), tổ phụ nữ, có 4.148 hội viên tham gia.
Nổi bật như các CLB Phụ nữ với pháp luật; phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc; xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; truyền thông trong cơ sở thờ tự; các tổ truyền thông trong cộng đồng… đến nay, có hơn 30 loại mô hình hoạt động.
Đặc biệt năm 2022, triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN huyện đã thành lập được 10 tổ truyền thông trong cộng đồng với 97 thành viên. Các tổ được dự án hỗ trợ thùng loa phục vụ công tác tuyên truyền vào sinh hoạt lệ hàng tháng của chi, tổ hội. Thông qua CLB, tổ phụ nữ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên phụ nữ, tiếp nhận và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phong trào thi đua, các cuộc vận động gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của Hội.
An Quảng Hữu là xã có đông đồng bào Khmer, chiếm 47% dân số, xã có 2.260 hội viên phụ nữ. Nhằm giáo dục, vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức pháp luật, chủ động tham gia các phong trào, hoạt động của Hội và địa phương phát động. Tháng 8/2022, Hội LHPN xã xây dựng CLB Phụ nữ cao tuổi tại 02 ấp Sóc Tro Trên và Sóc Tro Dưới với 24 thành viên. Đa số các chị là dân tộc Khmer, có độ tuổi từ 40 trở lên. Hoạt động của CLB là tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt chú trọng các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống hội viên phụ nữ như: bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người; hôn nhân và gia đình; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…
Bà Trần Thị Nhành, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Sóc Tro Trên, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ cao tuổi, cho biết: CLB có 12 thành viên. Lúc đầu, khi vận động các chị vào CLB, nhiều chị còn băn khoăn, suy nghĩ, tham gia CLB để làm gì, có lợi gì cho bản thân và gia đình. Khi tham gia sinh hoạt lệ 01 - 02 lần, hầu hết thành viên đều phấn khởi, tham gia phát biểu ý kiến, có chị chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong gia đình, cuộc sống. Các thành viên tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ thân tình với nhau. Dần dần, các chị nhận thấy mình được quan tâm, chia sẻ, động viên nhau nên tất cả thành viên đều hứng thú, đi họp đầy đủ, đúng giờ.
Thông qua những buổi họp, sinh hoạt định kỳ 01 lần/tháng, rất nhiều kiến thức pháp luật được các thành viên lĩnh hội. Từ đó tuyên truyền, tác động đến người thân trong gia đình, kể cả các hộ dân sống liền kề như: phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống mua bán người, bạo lực gia đình; bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn giao thông…tạo hiệu ứng tích cực, giúp hội viên xây dựng gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền, địa phương hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, ổn định tình hình an ninh trật tự.
Bà Thạch Thị Nga, thành viên CLB bày tỏ: tham gia CLB Người cao tuổi rất có ích. Qua các buổi họp lệ, các chị em chia sẻ cách làm, phát triển kinh tế; hàng xóm láng giềng thân thiện, gắn bó hơn. Hơn hết, khi tôi tham gia CLB đến nay, khuyên răn chồng hạn chế uống rượu, ông cũng nghe theo.
Song song đó, từ khi thành lập đến nay, CLB Người cao tuổi ấp Sóc Tro Trên không chỉ giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết chính sách, pháp luật của các thành viên mà còn là địa chỉ tin cậy của người cao tuổi chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cũng như thực hiện tốt phong trào ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền. Hàng tháng, vào ngày sinh hoạt CLB, các thành viên sẽ góp 01 phần gạo để hỗ trợ cho thành viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các thành viên còn tham gia đan lục bình lúc nhàn rỗi tạo nguồn thu nhập, chăm lo cho gia đình.
Bà Trần Thị Sang, thành viên CLB Người cao tuổi chia sẻ: vào CLB tôi được Chủ nhiệm CLB đặc biệt quan tâm bởi so với các thành viên, hoàn cảnh tôi khó khăn hơn. Tôi bệnh tim, không làm được việc nặng, mọi chi tiêu trong nhà nhờ vào tiền làm hồ hàng ngày của chồng. Tôi được chị Nhành tạo điều kiện đan lục bình để kiếm thêm thu nhập, xoay sở cuộc sống.
Đồng chí Lê Thanh Trà, Chủ tịch Hội LHPN xã An Quảng Hữu cho biết: qua phát động phong trào ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, Hội LHPN xã thành lập được 02 CLB Người cao tuổi ở ấp Sóc Tro Trên và ấp Sóc Tro Dưới với 24 thành viên. CLB không chỉ thực hiện tốt công tác tuyên truyền PBGDPL, mà các chị còn thực hiện tốt phong trào của Hội, đặc biệt là đoàn kết, chia sẻ, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Tất cả thành viên đều tham gia xây dựng và được công nhận gia đình 5 không 3 sạch, gia đình văn hóa- nông thôn mới. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình CLB Người cao tuổi ở 08 ấp còn lại để tuyên truyền, vận động hội viên tích cực thực hiện hoạt động của Hội, góp phần nâng cao chất lượng, củng cố Hội ngày càng vững mạnh.
Có thể nói rằng, thông qua các mô hình, CLB của các cấp Hội LHPN huyện Trà Cú về tuyên truyền PBGDPL đã trang bị cho chị em kiến thức cần thiết để góp phần nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật trong hội viên, đồng thời giáo dục con cái, người thân trong gia đình và những người xung quanh chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là một cách làm hiệu quả để đưa pháp luật đi vào cuộc sống.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.